Giảm gánh nặng thức ăn chăn nuôi

An Bình 19/04/2023 06:48

Thời gian qua, nông dân gặp khó vì đối diện với tình trạng giá thức ăn chăn nuôi liên tục leo thang. Thời điểm hiện tại, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng thêm 30% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi đó, giá thành phẩm lại đang giảm sâu.

Để đối phó với tình trạng thức ăn chăn nuôi ngày càng tăng cao, nhiều nông hộ đã chọn hướng sản xuất mới. Điển hình tại Lào Cai, các hộ nông dân đã thay đổi cơ cấu đàn vật nuôi với nguồn thức ăn có thể chủ động được ở địa phương. Điều này không chỉ giúp hạn chế tối đa sự phụ thuộc vào thức ăn chăn nuôi bên ngoài, mà còn giúp gia tăng chất lượng và nâng cao giá thành sản phẩm.

Xã Quang Kim (huyện Bát Xát, Lào Cai) có hơn 60ha nuôi thủy sản tập trung với giá trị sản xuất đạt hơn 600 triệu đồng/ha/năm. Nếu như trước đây, các hộ dân địa phương chủ yếu nuôi thương phẩm cá rô phi, cá chép, trắm thì giờ đây nhiều hộ bắt đầu chuyển sang nuôi các loại cá có giá trị kinh tế lớn hơn. Đơn cử, hộ gia đình anh Đinh Văn Cử (xã Quang Kim) hiện đang thả nuôi các loại cá chạch chấu, trắm cỏ, rô phi, chép lai... để có sản phẩm đánh bắt xen kẽ giữa các vụ thu hoạch. Theo chia sẻ của anh Cử, đây đều là những loại cá ăn tạp nhưng ăn rất ít. Thức ăn chủ yếu của chúng là tôm, tép, cá con, đòng đong hay những loại côn trùng nhỏ và sinh vật phù du trên mặt nước, so với thức ăn của cá nước lạnh rẻ hơn nhiều. Đáng chú ý, anh Cử tận dụng nguyên liệu có sẵn như ngô hạt, đậu tương... trộn thêm với bột cá, bột tôm để làm thức ăn chăn nuôi cho cá. Điều này đã giúp giảm thiểu chi phí cho nguyên liệu thức ăn chăn nuôi vốn đang rất đắt đỏ.

Trước sức tăng chưa có điểm dừng của giá thức ăn công nghiệp, ngành nông nghiệp Lào Cai đã khuyến cáo nông dân nên áp dụng các biện pháp chăn nuôi hữu cơ, tận dụng nguồn thức ăn từ tự nhiên và phụ phẩm nông nghiệp để giảm thiểu chi phí sản xuất.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lào Cai, để phát triển ổn định chăn nuôi, ngành nông nghiệp đã tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi duy trì chăn nuôi kết hợp sử dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương (ngô, sắn, cám gạo) phối trộn với thức ăn công nghiệp đậm đặc để hạ giá thành sản phẩm; sử dụng chế phẩm sinh học ủ thức ăn cho đàn vật nuôi để tăng khả năng tiêu hóa, hấp thụ thức ăn, sức đề kháng dịch bệnh và giảm ô nhiễm môi trường.

Trong chăn nuôi lợn, để ứng phó với giá thức ăn chăn nuôi cao, nhiều hộ nông dân tại Lào Cai cũng đã đổi mới quy trình nuôi, thay đổi từ sử dụng thức ăn công nghiệp sang thức ăn tự phối trộn. Điều này giúp các hộ nuôi lợn tránh được chi phí lớn vào thức ăn chăn nuôi dẫn đến nuôi lợn không có lãi.

Việc chủ động nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi sẵn có tại địa phương như cách làm của Lào Cai đang góp phần giúp nông dân nhẹ gánh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giảm gánh nặng thức ăn chăn nuôi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO