Trong năm học 2022 - 2023, các trường học trên địa bàn TP Hà Nội sẽ tuyển khoảng 110.000 trẻ nhà trẻ; 415.000 trẻ mẫu giáo; 140.000 học sinh (HS) lớp 1 và 151.000 HS lớp 6. So với năm học trước, số HS lớp 1 giảm khoảng 20.000 HS, lớp 6 tăng khoảng 15.000 HS.
Chủ động gỡ “điểm nóng”
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, bà Phạm Thị Lệ Hằng - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) quận Hà Đông (Hà Nội) cho biết, năm nay Hà Đông tăng khoảng 4.000 HS ở tất cả các khối lớp so với năm học trước. Dù không có trường mới nào được xây thêm song địa phương cũng bố trí xây thêm nhiều phòng học đơn nguyên trong 4 nhà trường nên cơ bản đáp ứng được tương đối số HS tăng lên.
Trên thực tế, số HS của quận Hà Đông những năm gần đây năm nào cũng tăng lên do các khu đô thị mới rất đông HS mới chuyển đến. Phòng đã chỉ đạo thực hiện điều tra phổ cập, phân tuyến tuyển sinh ở các trường. Đặc biệt đối với các khu vực đông dân cư, có nhiều hộ dân mới chuyển đến thì sẽ tiếp tục tách tuyến tuyển sinh cho phù hợp để tránh tình trạng quá tải ở các trường. Dự kiến, hết tháng 4 sẽ thực hiện điều tra xong.
Hiện tỷ lệ HS học 2 buổi/ngày ở khối tiểu học đạt 100%, không có trường nào phải học luân phiên. Đối với cấp THCS, chủ yếu là các trường tư thục học 2 buổi/ngày. Sĩ số HS tiểu học trung bình 49 HS/lớp. Tại một số khu vực căng thẳng hơn thì sĩ số HS có thể lên đến 52, 53… Tuy nhiên, cũng khó để tách lớp tiếp vì số phòng học đã phải tận dụng tối đa. Phương án xây mới cũng khó khả thi do một số trường đã xây dựng từ lâu, các khu chung cư mọc lên nên quỹ đất cũng không còn…
Tại huyện Thanh Oai, một trong những “điểm nóng” khi thực hiện tuyển sinh đầu cấp những năm trở lại đây là xã Cự Khê. Trường Tiểu học Cự Khê được xây dựng để đáp ứng nhu cầu học tập của HS trong xã nhưng khi khu đô thị Thanh Hà được xây dựng và đi vào hoạt động với hàng nghìn hộ dân chuyển đến thì không thể đủ chỗ học. Rút kinh nghiệm những năm trước, ông Đoàn Việt Dũng - Trưởng phòng GDĐT huyện Thanh Oai cho biết, năm nay huyện thực hiện khảo sát, phân tuyến tuyển sinh từ sớm để các trường chủ động trong công tác tuyển sinh. Cụ thể, các thầy cô giáo sẽ kết hợp với tổ dân phố tiến hành khảo sát có bao nhiêu HS thực ăn, thực ở tại khu đô thị, bao nhiêu HS trong số đó có nhu cầu học ở Cự Khê để lên kế hoạch phân tuyến phù hợp. Vì thực tế, có những gia đình ở khu đô thị nhưng không có nhu cầu học ở Thanh Oai mà học ở chỗ khác. Từ đó, sẽ phân về các Trường tiểu học Cực Khê, tiểu học Mỹ Hòa, Mỹ Hưng… tùy phụ thuộc số liệu điều tra.
“Chắc chắn sẽ đáp ứng được 100% nhu cầu học tập của HS nhưng một số cháu sẽ không thể học ở gần, phải đi xa khoảng 2-3km” - ông Dũng khẳng định và cho biết thêm, sĩ số sẽ cố gắng tối đa 40 HS/lớp để đáp ứng tốt nhất việc dạy và học của thầy và trò.
Bên cạnh giải pháp tình thế này, huyện Thanh Oai cũng đã có kế hoạch xây dựng thêm 3 trường mầm non, tiểu học và THCS để đảm bảo đủ chỗ học cho HS theo nguyên tắc xây nhà, phải xây trường.
Tạo mọi điều kiện cho học sinh
Thông tin từ Sở GDĐT Hà Nội, công tác tuyển sinh đầu cấp năm học 2022-2023 được thực hiện với mục đích đảm bảo chính xác, công bằng, khách quan, nghiêm túc, phấn đấu huy động ít nhất 50% trẻ độ tuổi nhà trẻ, 100% trẻ em độ tuổi mẫu giáo đi học; ít nhất 75% trẻ khuyết tật ở thể nhẹ trong độ tuổi mầm non được học hòa nhập; 100% trẻ 6 tuổi đủ sức khỏe được vào lớp 1; 100% HS đã hoàn thành chương trình tiểu học được vào học lớp 6 và 100% HS đã tốt nghiệp THCS có nhu cầu được tiếp tục đi học tại các trường THPT, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Sở GDĐT Hà Nội yêu cầu các đơn vị hạn chế HS trái tuyến ở những trường có số lớp quá cao. Nếu sĩ số HS/lớp vượt so với quy định của Điều lệ trường học, phòng GDĐT quận, huyện, thị xã phải có văn bản báo cáo UBND quận, huyện, thị xã và sở, không để xảy ra hiện tượng quá tải HS ở các trường học.
Tuy nhiên, ở Hà Nội có một thực tế là nhiều gia đình hộ khẩu một nơi nhưng sinh sống tại một nơi khác. Điều này dẫn đến việc khi làm thủ tục đăng ký nhập học cho con rất khó khăn. Để tạo điều kiện cho HS sinh sống trên địa bàn, các địa phương có nhiều giải pháp linh hoạt. Bà Phạm Thị Lệ Hằng cho biết, đối với những HS chưa có hộ khẩu thường trú, quận sẽ khảo sát thực ăn, thực ở của gia đình làm căn cứ xác nhận nhập học. Thậm chí có những gia đình mới chuyển đến, chưa kịp nhập hộ khẩu chính thức, mới tạm trú, phòng cũng chỉ đạo các trường nhận tuyển sinh bình thường để tạo điều kiện cho các con học tập. Tuy nhiên, để đảm bảo minh bạch, khách quan, các trường cần kết hợp với tổ dân phố để điều tra cho chính xác.