Trước sự quan tâm của người dân địa phương và dư luận về nguy cơ nhiễm sán lợn của học sinh huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, chiều 19/3, Bộ Y tế đã tổ chức cuộc họp báo ngay tại địa bàn. Trước đó, sáng cùng ngày, Bộ GDĐT cũng đã có văn bản yêu cầu các địa phương tăng cường giám sát an toàn thực phẩm học đường.
Phụ huynh lo lắng đưa con đi xét nghiệm kiểm tra việc nhiễm sán lợn.
Dương tính với ấu trùng sán chưa phải điều trị
Đây là cuộc họp báo đầu tiên được tổ chức kể từ ngày 15/3, khi hàng nghìn gia đình ở Thuận Thành (Bắc Ninh) kéo tới Viện Sốt rét, ký sinh trùng và côn trùng trung ương và BV Bệnh nhiệt đới trung ương (Hà Nội) xét nghiệm, do nghi ngờ thực phẩm cung cấp cho trường học không đảm bảo chất lượng.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết: Sự việc phát hiện trẻ dương tính với sán lợn tại Bắc Ninh chúng ta làm chưa tốt, cung cấp thông tin không thống nhất. Việc người dân lo lắng trước thông tin về thực phẩm không bảo đảm tại Trường mầm non Thanh Khương và sau đó tự nguyện đưa con cháu đến các cơ sở y tế để xét nghiệm là sự lo lắng chính đáng.
Đối với việc vi phạm ATTP ở Trường Thanh Khương có liên quan gì đến việc các cháu đồng loạt đi xét nghiệm và có dương tính hay không, ông Phong cho rằng chưa có cơ sở để khẳng định. Thứ nhất, các mẫu không được lưu và nếu thịt có sán nhưng được nấu chín thì nguy cơ lây bệnh là không có. Thứ hai, ngoài thực phẩm ăn uống trực tiếp, con người cũng có thể nhiễm sán qua môi trường nước, không rửa tay sau khi đi vệ sinh...
Ông Phong khẳng định, không chỉ các cháu nhỏ mà cả người lớn cũng có thể mắc. Và không chỉ ở Bắc Ninh mà qua điều tra dịch tễ học nước ta cũng nhiều tỉnh thành ghi nhận có sán, giun hay các loại ký sinh trùng đường ruột. Đồng thời, dẫn lời của đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ông Phong khẳng định ở nhiều nước trên thế giới cũng có trường hợp nhiễm các loại ký sinh trùng đường ruột - trong đó có sán.
Đại diện Bộ Y tế cho biết kết quả xét nghiệm dương tính trong huyết thanh, trong máu rồi cũng không thể khẳng định trong người có sán. Dương tính với sán dây lợn, theo phác đồ điều trị Bộ Y tế ban hành 2004 thì chưa có chỉ định điều trị. Chỉ sau khi đối với sán trưởng thành có biểu hiện đi ngoài có đốt sán, đối với ấu trùng có nổi mụn hạch, khi đó mới điều trị.
Việc điều trị không khó khăn, thuốc không đắt. Một liều thuốc duy nhất có thể diệt được, diệt ấu trùng thì có thể kéo dài hơn, nhưng khẳng định là có thuốc. Do đó, trong thời gian tới, đối với kết quả xét nghiệm mà 2 Viện trả ra dương tính, thay vì đề nghị sau 2 tuần khám lại thì Bộ sẽ kiến nghị cán bộ của Viện trong giai đoạn chờ tái khám thì xuống trực tiếp các địa phương, cùng y tế địa phương để kiểm tra theo dõi.
Tại cuộc họp, ông Lê Văn Nho - Phó Chủ tịch huyện Thuận Thành cho biết, sau sự việc, các cơ quan chức năng địa phương đã vào cuộc tích cực. Địa phương đã sử dụng ngân sách nhà nước phối hợp với 2 bệnh viện nêu trên xét nghiệm cho khoảng 9.000 trẻ em ở 19 cơ sở giáo dục khi gia đình có yêu cầu. Ông Nho cho hay, các cơ sở y tế cũng tiếp nhận và điều trị miễn phí cho những em nhiễm sán, đồng thời phòng ngừa bệnh sán dây lợn và bệnh khác cho học sinh toàn tỉnh.
Khuyến khích sự giám sát của phụ huynh
Trước những hoang mang lo lắng của phụ huynh học sinh về thực trạng an toàn thực phẩm học đường hiện nay, ngay trong sáng ngày 19/3, Bộ GDĐT đã có công văn gửi UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương về việc tăng cường chỉ đạo công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm (VSATTP) trong các cơ sở giáo dục.
Công văn nêu rõ: Thời gian qua, công tác bảo đảm VSATTP trong các cơ sở giáo dục đã được chỉ đạo, tổ chức thực hiện theo quy định. Tuy nhiên, tại một số cơ sở giáo dục vẫn để xảy ra tình trạng học sinh bị ngộ độc thực phẩm, nhiễm ký sinh trùng, các bệnh lây qua đường tiêu hóa, làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý của học sinh, uy tín của nhà trường, gây lo lắng cho gia đình học sinh và bức xúc trong dư luận xã hội.
Để khắc phục tình trạng trên, Bộ GDĐT đề nghị UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở GDĐT phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan liên quan tại địa phương hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường các biện pháp đảm bảo vệ sinh trường học, VSATTP.
Trong đó, Bộ GDĐT nhấn mạnh đến việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của ngành giáo dục, ngành y tế, huy động sự tham gia của Ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường trong việc giám sát công tác vệ sinh trường học, ATTP tại các cơ sở giáo dục; phát hiện, xử lý kịp thời các vi phạm về ATTP, điều kiện vệ sinh trong trường học nhằm đảm bảo sức khỏe cho trẻ em, học sinh….
Trước khi xảy ra vụ việc hàng trăm trẻ ở Bắc Ninh nhiễm sán lợn, ngành Giáo dục cũng đã khuyến khích đại diện phụ huynh tham gia vào khâu giám sát bữa ăn của trẻ ở trường. Đơn cử trong việc tiếp nhận thực phẩm, suất ăn hàng ngày, ngoài lãnh đạo nhà trường, cán bộ liên quan thì cần có sự tham gia chứng kiến của phụ huynh. Các quá trình lưu mẫu thức ăn cũng cần có phụ huynh giám sát.
* Nỗi lo vẫn chưa dừng lại: Mặc dù tại tỉnh Bắc Ninh đã có thông báo xét nghiệm sán lợn cho trẻ tại địa phương, tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh vẫn đưa con đi Hà Nội để xét nghiệm sán lợn ở Hà Nội. Ghi nhận trong sáng 19/3, tại 2 BV lớn là Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương và Viện Sốt rét, ký sinh trùng và côn trùng trung ương vẫn có rất đông các gia đình đến từ sớm, xếp hàng chờ đợi xét nghiệm sán lợn cho trẻ. Theo ông Nguyễn Quang Thiều - Phó Viện trưởng Viện Sốt rét, côn trùng và ký sinh trùng Trung ương, có hai loại bệnh do sán lợn. Thứ nhất là nhiễm sán trưởng thành từ thịt heo có ký sinh các kén như hạt gạo, thường được gọi là lợn gạo. Thứ hai là nhiễm trứng sán heo (ấu trùng sán) từ các loại rau sống có dính trứng, đặc biệt là các loại rau thuỷ sinh. Ấu trùng sán có thể vào máu và di chuyển qua các cơ quan như da, não,… Hiện thống kê chung của các bệnh viện đã phát hiện 209 ca trẻ dương tính với ấu trùng sán lợn sau hơn hai ngày xét nghiệm (chưa tính ngày 17 và 18/3).