“Muốn giám sát, phản biện xã hội của MTTQ có hiệu quả, đội ngũ chuyên trách làm công tác này phải tự rèn luyện bản thân mình, vận dụng các quy định của pháp luật, phát huy trí tuệ của đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, nhà tư vấn…” - bà Phan Kiều Thanh Hương - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TPHCM khẳng định như vậy tại cuộc trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết.
PV:Xin bà cho biết, công tác giám sát phản biện thời gian qua tại TPHCM được thực hiện như thế nào?
Bà Phan Kiều Thanh Hương: Trên cơ sở những quy định của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, MTTQ Việt Nam các cấp TPHCM đã từng bước có sự đổi mới về phương thức thực hiện với nhiều cách làm có hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng công tác giám sát và phản biện, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Chủ trì phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên khác để thống nhất nội dung kế hoạch giám sát, phản biện xã hội hàng năm, khắc phục sự trùng lặp về nội dung, thời gian, địa bàn giám sát. Các kế hoạch giám sát và phản biện đều bám sát nghị quyết, chương trình, kế hoạch của cấp ủy, chính quyền các cấp về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Đảng, chính quyền tại địa phương, những vấn đề xã hội mà nhân dân quan tâm, bức xúc. 15 năm qua, hệ thống MTTQ các cấp của thành phố đã chủ trì tổ chức giám sát ở 20 nội dung, với 3.236 cuộc giám sát chuyên đề và đột xuất trong đó tập trung vào các lĩnh vực mà người dân quan tâm hoặc còn bức xúc như về quản lý và sử dụng đất đai; công tác cải cách hành chính gắn với việc thực hiện khảo sát đánh giá sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với công tác cải cách hành chính; việc thực hiện Pháp lệnh 34 gắn với việc thực hiện 6 tiêu chí của Chỉ số PAPI (sự tham gia của người dân ở cơ sở, trách nhiệm giải trình của chính quyền, việc công khai theo quy định của pháp luật, việc quản lý và sử dụng các nguồn quỹ thu trong dân). Bên cạnh đó, Mặt trận giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật của cơ sở y tế tư nhân và các cơ sở giữ trẻ ngoài công lập; vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm…
Qua giám sát đã phát hiện những vấn đề còn hạn chế để kiến nghị chính quyền các cấp điều chỉnh và có giải pháp khắc phục, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, hạn chế vi phạm pháp luật... Nhiều ý kiến, kiến nghị sau giám sát được tiếp thu và phản hồi, góp phần tạo niềm tin của nhân dân.
Theo bà, hoạt động giám sát và phản biện của Mặt trận có những thuận lợi gì?
- Hiện nay, quy định về đối tượng giám sát đã được xác định cụ thể hơn để từ đó xây dựng nội dung giám sát phù hợp. Về hình thức giám sát, MTTQ các cấp của thành phố đã tăng cường các hoạt động giám sát độc lập như tổ chức đoàn, tổ giám sát. Qua hoạt động giám sát đã giúp cho chính quyền các cấp thấy được những tồn tại, hạn chế, từ đó nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc giải quyết các vấn đề bức xúc của nhân dân. Đồng thời, giúp cho MTTQ các cấp thành phố tích lũy thêm những bài học kinh nghiệm, góp phần vào việc đổi mới nội dung và phương thức hoạt động.
Trong hoạt động phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền đã được MTTQ từ thành phố đến cơ sở tập trung thực hiện, nhiều quận, huyện đã phát huy được vai trò, huy động trí tuệ của các vị ủy viên, các tổ chức thành viên, các vị nhân sĩ, trí thức, các giới, dân tộc, tôn giáo trong việc tham gia góp ý các văn kiện Đại hội Đảng các cấp, các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; phối hợp tổ chức nhiều hình thức đối thoại, gặp gỡ trực tiếp giữa lãnh đạo Đảng, chính quyền với các tầng lớp nhân dân. Nhờ vậy, góp phần giải quyết có kết quả nhiều ý kiến kiến nghị, bức xúc của nhân dân, phát huy dân chủ, bảo đảm kịp thời quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.
Ngoài những kết quả trực tiếp mà các hoạt động giám sát và phản biện, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền mang lại, công tác giám sát và phản biện của hệ thống MTTQ các cấp TPHCM còn góp phần tăng cường sự phối hợp thống nhất hành động giữa các thành viên của Mặt trận, phát huy dân chủ và tạo sự đồng thuận trong nhân dân, nhất là ở cơ sở. Qua đó, hỗ trợ bảo đảm và tăng cường an ninh trật tự xã hội, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Việc thực hiện Quyết định 217, Quyết định 218 của Bộ Chính trị về công tác giám sát và phản biện, tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của hệ thống MTTQ thành phố đã thể hiện sự đổi mới và trở thành điểm nhấn quan trọng trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn thành phố; góp phần quan trọng vào việc xây dựng Đảng, Nhà nước; bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc giám sát và phản biện hiện nay chưa hiệu quả do cơ chế, chính sách chưa được hoàn chỉnh, nhất là người giám sát chưa được trao đủ quyền. Ý kiến của bà về việc này?
- Giám sát và phản biện của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội mang tính nhân dân, tính dân chủ, tính xây dựng. Giám sát góp phần thực hiện đúng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các chương trình, dự án kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh và quốc phòng; kịp thời phát hiện những sai sót, khuyết điểm, yếu kém để kiến nghị sửa đổi, bổ sung cho phù hợp; phát hiện những nhân tố mới, những mặt tích cực để kịp thời phổ biến nhân rộng, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước trong sạch, vững mạnh, làm cho đất nước phát triển nhanh và bền vững.
Còn phản biện xã hội nhằm phát hiện những nội dung còn thiếu, chưa sát, chưa đúng, chưa phù hợp trong các văn bản dự thảo của các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể… Từ đó, kiến nghị bổ sung, sửa đổi những nội dung thiết thực, góp phần đảm bảo tính đúng đắn, phù hợp với thực tiễn cuộc sống xã hội và đảm bảo tính hiệu quả; đồng thời góp phần đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân.
Giám sát của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội khác với giám sát của HĐND hay Ủy ban Kiểm tra các cấp. Vì thế, việc quy định chế tài, xử lý đối với việc chậm giải quyết hoặc không giải quyết đối với các kiến nghị của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội của cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát không phải là yếu tố quan trọng nhất để phát huy tính hiệu quả, việc quan trọng nhất hiện nay muốn giám sát và phản biện của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện có hiệu quả, đội ngũ chuyên trách làm công tác này phải tự rèn luyện bản thân mình, vận dụng các quy định của pháp luật, phát huy trí tuệ của đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, nhà tư vấn.
Khi thực hiện nhiệm vụ, người giám sát phải có bản lĩnh dám nghĩ, dám tham mưu, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì đây là nội dung khó, liên quan đến pháp luật. Từ thực tiễn và kinh nghiệm cho thấy, nơi nào hội tụ đủ các yếu tố nêu trên, cộng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, sự phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi của chính quyền, thì nơi đó hoạt động giám sát và phản biện đạt hiệu quả hơn.
Bà có đề xuất, kiến nghị gì nhằm góp phần nâng cao hiệu quả giám sát và phản biện của Mặt trận?
- Để giám sát và phản biện có chất lượng và hiệu quả thì chủ thể giám sát và phản biện phải mạnh, phải có bản lĩnh, có trình độ chuyên môn, có năng lực nhìn nhận, phân tích, đánh giá vấn đề. Vì vậy, cần tiếp tục quan tâm đến công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có tâm, có tầm làm công tác Mặt trận và các đoàn thể; tiếp tục quan tâm luân chuyển cán bộ làm công tác Đảng, chính quyền sang làm công tác Mặt trận và ngược lại như thời gian qua đã thực hiện; chú trọng cán bộ trẻ, có năng lực, trình độ cả về chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị có như thế mới nâng cao được vị thế của MTTQ trong hoạt động tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Cần nghiên cứu để ban hành Luật về hoạt động giám sát và phản biện của MTTQ Việt Nam vì giám sát và phản biện là một trong những giải pháp thực hiện quyền dân chủ của nhân dân, là giải pháp nhằm góp phần đổi mới sự lãnh đạo của Đảng, tăng cường hiệu quả quản lý điều hành của nhà nước và nâng cao chất lượng hoạt động của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội. Bên cạnh đó, cần đưa Quy trình phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội thành khâu bắt buộc trong việc trình dự thảo văn bản Quy phạm pháp luật trước khi thông qua các cơ quan có liên quan.
Trân trọng cảm ơn bà!