Là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn, thành viên nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, Công đoàn Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong triển khai, hưởng ứng và đóng góp tích cực vào kết quả thực hiện các chương trình hành động, các cuộc vận động của MTTQ Việt Nam, nhất là trong xây dựng Ðảng, chính quyền; giám sát, phản biện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Nhân dịp Ðại hội đại biểu MTTQ Việt Nam lần thứ X, phóng viên Báo Ðại Ðoàn Kết đã có cuộc trò chuyện với Ủy viên Trung ương Ðảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Ðình Khang.
PV: Xin ông cho biết những kết quả nổi bật của tổ chức Công đoàn trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, giám sát, phản biện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động (NLĐ) thời gian qua?
Ông NGUYỄN ĐÌNH KHANG: Là tổ chức đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ, các cấp Công đoàn luôn tích cực thực hiện vai trò giám sát, phản biện xã hội theo Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 đồng thời triển khai các giải pháp phát huy trí tuệ, trách nhiệm của cán bộ, đoàn viên tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh theo Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 27/12/2013 của Bộ Chính trị. Trong 10 năm, các cấp Công đoàn đã tổ chức được hơn 56,5 nghìn cuộc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy với đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ); tổ chức hơn 95,5 nghìn cuộc góp ý với tổ chức Đảng các cấp; tích cực tham gia xây dựng, chỉnh đốn và bảo vệ Đảng; đấu tranh phòng, chống các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; kiên trì, tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng.
Công tác tập hợp kiến nghị của đoàn viên, CNVCLĐ được thực hiện thường xuyên, kịp thời phản ánh tới các kỳ họp Quốc hội. Hội nghị đánh giá việc thực hiện quy chế phối hợp về mối quan hệ công tác giữa Thủ tướng Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn được duy trì hằng năm. Từ năm 2016, với đề xuất của Tổng Liên đoàn, Thủ tướng Chính phủ đã 7 lần gặp gỡ, đối thoại, kiểm tra việc thực hiện chế độ, chính sách đối với CNVCLĐ cả nước. Trong 5 năm, từ 2018 - 2023, công đoàn các cấp đã thực hiện giám sát 166 nghìn cuộc, hơn 27 nghìn người được giải quyết quyền lợi với tổng số tiền được bồi thường, hỗ trợ là hơn 113 tỷ đồng.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức Công đoàn là đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ. Đây cũng là điểm sáng của tổ chức Công đoàn trong thời gian gần đây. Ông có thể chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm hay trong thực hiện nhiệm vụ này của tổ chức Công đoàn?
- Công tác tham gia xây dựng chính sách, pháp luật được Tổng Liên đoàn xác định là nhiệm vụ trọng yếu để tạo hành lang pháp lý cho công tác bảo vệ NLĐ từ sớm, từ xa, trên diện rộng. Trong nhiệm kỳ 2018 - 2023, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có trên 300 văn bản góp ý, kiến nghị, đề xuất với Đảng, Nhà nước về xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật. Tổ chức Công đoàn ngày càng có tiếng nói mạnh mẽ và hiệu quả trong các hội đồng, ủy ban, ban chỉ đạo, các cơ chế dân cử. Trong Hội đồng Tiền lương Quốc gia, với đề xuất của Tổng Liên đoàn, 5 năm qua, mức lương tối thiểu đã tăng 25,34%, góp phần cải thiện đời sống đoàn viên. Hay từ việc kiên trì kiến nghị của công nhân lao động, tổ chức Công đoàn, vấn đề nhà ở cho công nhân đã được quy định chính thức vào trong Luật Nhà ở sửa đổi.
Hoạt động thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể trong các doanh nghiệp (DN), nhất là DN ngoài khu vực nhà nước, được chú trọng. Từng bước mở rộng thỏa ước lao động tập thể trong nhóm DN, ngành nghề, góp phần kéo giảm 55% số cuộc ngừng việc tập thể so với đầu nhiệm kỳ, thúc đẩy xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.
Cùng với bảo vệ quyền lợi, Công đoàn còn thực hiện nhiệm vụ chăm lo đời sống NLĐ, nhất là những NLĐ nghèo. Xin ông cho biết một số kết quả nổi bật của công tác chăm lo cho đoàn viên, NLĐ thời gian qua?
- Chăm lo cho đoàn viên, NLĐ nhất là đoàn viên, NLĐ yếu thế luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức Công đoàn. Các mô hình chăm lo cho đoàn viên, NLĐ liên tục được hoàn thiện, mở rộng, đồng thời đã nghiên cứu, triển khai nhiều mô hình mới, mang đậm dấu ấn của tổ chức Công đoàn. Chương trình “Tết Sum vầy”, “Tháng Công nhân”, “Mái ấm Công đoàn”, “Phúc lợi đoàn viên”... được lan tỏa mạnh mẽ. Mỗi năm, hàng chục triệu lượt NLĐ có hoàn cảnh khó khăn được thụ hưởng các chương trình, hoạt động chăm lo của Công đoàn. 5 năm qua, các cấp công đoàn đã chi hơn 3.600 tỷ đồng thăm hỏi, hỗ trợ đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Đã có gần 14 nghìn NLĐ được xây dựng, sửa chữa nhà ở với tổng số tiền hỗ trợ hơn 500 tỷ đồng theo chương trình “Mái ấm Công đoàn”.
Đặc biệt, 3 năm đồng hành với đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, vai trò “điểm tựa cho người lao động” của tổ chức Công đoàn được thể hiện rõ. Lần đầu tiên 5 gói hỗ trợ quy mô lớn cho đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng bởi Covid-19 được triển khai với tổng số tiền gần 6 nghìn tỷ đồng với 10 triệu lượt NLĐ được thụ hưởng. Năm 2020, hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19”, do UBTƯ MTTQ Việt Nam phát động, ngay trong ngày đầu tiên, tổ chức Công đoàn đã trực tiếp ủng hộ quỹ 2 tỷ đồng. Đội ngũ cán bộ Công đoàn các cấp không quản ngại khó khăn, gian khổ, có mặt ở tâm dịch để chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, NLĐ với nhiều mô hình sáng tạo, linh hoạt như: Tổ an toàn Covid-19, Siêu thị 0 đồng, Bếp ăn yêu thương…
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029, ông đặt kỳ vọng như thế nào để phát huy hơn nữa vai trò thành viên của tổ chức Công đoàn Việt Nam? Từ đó, tổ chức Công đoàn sẽ làm gì để hoàn thành tốt hơn nữa vai trò, nhiệm vụ của mình trong xây dựng giai cấp công nhân?
- Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029 là sự kiện chính trị quan trọng đối với MTTQ Việt Nam và các tầng lớp nhân dân. Đoàn viên, công nhân viên chức lao động, cán bộ Công đoàn cả nước kỳ vọng vai trò nòng cốt chính trị, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được khẳng định, qua đó phát huy sức mạnh tổng hợp trong cả hệ thống chính trị.
Là thành viên nòng cốt, tích cực của MTTQ Việt Nam, Công đoàn Việt Nam sẽ nỗ lực vượt qua khó khăn, tập trung đổi mới tổ chức và hoạt động, phấn đấu hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ, góp phần cùng MTTQ Việt Nam hoàn thành sứ mệnh mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Trong đó, trọng tâm là xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh, tổ chức Công đoàn vững mạnh. Phát triển, hoàn thiện các hoạt động và tuyên truyền, làm cho toàn xã hội quan tâm, đề cao, tôn vinh người công nhân. Đẩy mạnh hoạt động tham gia xây dựng tổ chức đảng và phát triển đảng viên trong công nhân. Tăng cường, chủ động tham gia giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền theo hướng chủ động, từ sớm, từ cơ sở, dân chủ, khách quan, mang tính xây dựng; tham gia đề xuất, xây dựng chủ trương, chính sách có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những chủ trương, chính sách lớn, trọng yếu, những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ và các tầng lớp nhân nhân, góp phần phát huy vai trò “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để nhân dân làm chủ” gắn với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Trân trọng cảm ơn ông!
Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029 là sự kiện chính trị quan trọng đối với MTTQ Việt Nam và các tầng lớp nhân dân. Đoàn viên, CNVCLĐ, cán bộ Công đoàn cả nước kỳ vọng vai trò nòng cốt chính trị, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được khẳng định, qua đó phát huy sức mạnh tổng hợp trong cả hệ thống chính trị.