Giám sát, theo dõi để 'vướng đâu gỡ đó'

V.Thắng 25/08/2023 07:49

Ông Trần Văn Lâm - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng, giải ngân đầu tư công nhanh hay chậm phụ thuộc lớn vào khối lượng hoàn thành.

Ông Trần Văn Lâm.

Hiện các thủ tục thanh quyết toán không có nhiều vướng mắc, mà chủ yếu do khối lượng hoàn thành, thi công của các nhà thầu. Thứ nhất năng lực nhà thầu còn liên quan đến yếu tố thời tiết, khí hậu. Trong giai đoạn này thời tiết đang mưa bão, gây sạt lở nên khối lượng thi công cũng có sự hạn chế. Thông thường giải ngân đầu tư công được đẩy nhanh vào cuối năm do vào mùa khô, điều kiện thi công thuận lợi hơn. Các vấn đề về chuẩn bị, triển khai khởi công các dự án thường rơi vào đầu năm và tăng tốc dần vào cuối năm.

Ông Lâm cũng cho rằng giải ngân đầu tư công chậm chủ yếu do năng lực nhà thầu, giải phóng mặt bằng, giá cả thị trường nhưng năm nay các yếu tố trên đều thuận lợi, không có vướng mắc lớn. Do đó cần đôn đốc khối lượng thi công, năng lực của các nhà thầu. Muốn rốt ráo đẩy nhanh tiến độ thi công thì chúng ta cần quyết liệt hơn. Bên cạnh đó thời gian qua cũng có việc nhiều cán bộ đùn đẩy trách nhiệm, sợ trách nhiệm.

“Nhưng đến nay vấn đề này không phải quá “nổi cộm”, đã cơ bản được giải quyết. Các khó khăn vướng mắc đã được Quốc hội và Chính phủ tháo gỡ, có chủ trương, khó chỗ nào thì gỡ chỗ đó. Năm nay theo tôi khối lượng đầu tư công sẽ đáp ứng được như kế hoạch. Quan trọng là chúng ta đôn đốc, giám sát theo dõi để vướng ở đâu gỡ ở đó thì sẽ tháo gỡ được và đẩy nhanh quá trình giải ngân đầu tư công. Nhà thầu nào cũng muốn khối lượng được thanh toán, chứ không muốn bị tai tiếng” - ông Lâm nói.

Ông Nguyễn Quang Huân.

Ông Nguyễn Quang Huân (ĐBQH đoàn Bình Dương) cũng cho rằng chậm giải ngân đầu tư công có nhiều lý do, trong đó có việc đền bù giải phóng mặt bằng. Đây là vấn đề cần phải tập trung giải quyết. Thế nhưng điểm nghẽn lớn lại chính là một bộ phận cán bộ công chức đùn đẩy trách nhiệm, né tránh.

Bên cạnh đó, theo ông Huân, cần quan tâm kiểm tra việc chủ đầu tư ngại chọn thầu do có nhiều quy định phức tạp. Để giá chọn thầu mà vượt giá trần thì bên chọn thầu bị nghi ngờ móc ngoặc với nhà thầu nên chủ đầu tư thường hay dìm giá bỏ thầu xuống khoảng 3-5%. Khi giá thấp, nhà thầu không có việc cứ lao vào đấu giá, xong lúc ra thị trường thì giá cao hơn giá bỏ thầu.

“Riêng việc đó không có lãi, họ sẽ dừng lại vì nhà thầu bị phạt hợp đồng hơn là bị lỗ tiếp. Cho nên nếu không kiểm tra thực tế để thúc đẩy việc giải ngân thì sẽ không hoàn thành kế hoạch giải ngân đề ra. Cần kiểm tra, thay đổi cách vận hành, thấy vướng ở đâu thì gỡ ở đó” - ông Huân nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giám sát, theo dõi để 'vướng đâu gỡ đó'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO