Xã hội

Giám sát thực phẩm 'bẩn'

LÊ ANH 05/09/2024 10:51

Không chỉ là địa bàn “nóng nhất” cả nước về số vụ việc ngộ độc thực phẩm xảy ra thường xuyên, TPHCM còn là thị trường tiêu thụ lớn nhất khu vực phía Nam và cả nước, với các lo ngại thường trực về nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm nói riêng và hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ “tuồn” vào đô thị này từ các khu vực cửa ngõ.

anh bai Thuc pham ban
Kiểm tra, truy vết thực phẩm “bẩn” tại chợ đầu mối Thủ Đức (TPHCM). Ảnh: Hồng Phúc.

Trước, trong và sau dịp lễ 2/9, Đoàn giám sát của HĐND TPHCM đã “xuyên đêm” kiểm tra một số khu vực chợ đầu mối, chợ truyền thống trên địa bàn. Nỗ lực này thực hiện song song với kế hoạch kiểm tra định kỳ của Sở An toàn thực phẩm (ATTP) TPHCM. Ngoài ra, các lực lượng chuyên đề của Công an và Quản lý thị trường TPHCM cũng thường xuyên tổ chức kiểm tra, phát hiện các cơ sở sản xuất, kinh doanh không đảm bảo vệ sinh ATTP. Hiện nay, Sở ATTP TPHCM đồng thời là mô hình quản lý nhà nước (cấp Sở) đầu tiên của cả nước dành riêng cho lĩnh vực ATTP, cho thấy mối quan tâm hàng đầu của đô thị đông dân nhất nước đối với vấn đề ATTP.

Kể từ đầu năm 2024 đến nay, cùng với Nha Trang và Đồng Nai, TPHCM là một trong các địa bàn “nóng” của số vụ ngộ độc thực phẩm. Điển hình, vụ 19 sinh viên ở ký túc xá Đại học Quốc gia TPHCM phải nhập viện cấp cứu hồi đầu tháng 5. Quá trình điều tra dịch tễ, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật HCDC và Trung tâm Y tế TP Thủ Đức đã đưa ra nhận định, tất cả các trường hợp sinh viên đều ăn tối ở một căn tin tại ký túc xá, sau đó xuất hiện các triệu chứng mệt, đau bụng, nôn ói...

Các sinh viên đã được chuyển đến cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức. Trước đó, trên địa bàn TP Thủ Đức cũng ghi nhận 15 học sinh ở 4 trường tiểu học nghi bị ngộ độc sau khi ăn sushi từ quán hàng rong trước cổng trường.

Trước các vụ việc ngộ độc thực phẩm diễn biến phức tạp, Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP TPHCM đã triển khai kế hoạch bảo đảm ATTP và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm trên địa bàn trong những tháng cuối năm 2024. Ngoài thanh, kiểm tra thường xuyên, định kỳ, kế hoạch này cũng tập trung công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức về bảo đảm vệ sinh ATTP tại các điểm, khu du lịch, bếp ăn tập thể trong trường học, bệnh viện, khu chế xuất - khu công nghiệp, khu công nghệ cao, cơ sở chế biến suất ăn sẵn, thức ăn đường phố, các sự kiện, lễ hội… vốn là những nơi tập trung đông người thường xuyên sử dụng thực phẩm. Đội Quản lý thị trường số 14 thời điểm cuối tháng 8/2024 đã đồng loạt kiểm tra hai điểm kinh doanh tạp hóa tại quận Tân Phú (TPHCM).

Qua đó, phát hiện, kiểm tra vi phạm về ATTP, đã tạm giữ gần nửa tấn đường cát trắng không rõ nguồn gốc xuất xứ, sau đó đã xử phạt vi phạm hành chính đơn vị vi phạm.

Trước đó, Cục Quản lý thị trường TPHCM cho biết, Đội Quản lý thị trường số 3 đã kiểm tra, tạm giữ hơn 20 tấn thực phẩm đông lạnh không rõ xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ tại thời điểm kiểm tra, trị giá số hàng hơn 2 tỷ đồng. Trên môi trường thương mại điện tử, lực lượng quản lý thị trường TPHCM cũng đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, giám sát các hoạt động thương mại trên môi trường thương mại điện tử, thông qua các website, sàn giao dịch, Facebook, Tiktok, Zalo…Qua khai thác thông tin trên các nền tảng này, cơ quan chức năng TPHCM cũng đã liên tục phát hiện những sai phạm trong kinh doanh hàng hóa, thực phẩm và dịch vụ liên quan. Các vi phạm chủ yếu về quy định kinh doanh online, nhãn mác thực phẩm, hàng hóa, thiết lập kênh thương mại điện tử bán hàng, kinh doanh hàng hóa, thực phẩm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ. Sở ATTP TPHCM trong 6 tháng đầu năm nay đã triển khai kiểm tra tại 4.473 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống. So với cùng kỳ năm trước, số lượng cơ sở kiểm tra giảm 4,8% (năm 2023 kiểm tra gần 4.700 cơ sở) và số cơ sở có vi phạm cũng giảm rõ rệt.

Có thể nói, là thị trường tiêu thụ lớn nhất phía Nam và cả nước nên công tác phối hợp giữa các Sở, ban, ngành về công tác đảm bảo vệ sinh ATTP là đặc biệt quan trọng.

Ngoài ra, sự vào cuộc giám sát, quản lý địa bàn, giám sát các hoạt động ATTP của HĐND và MTTQ các địa phương giúp kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm về ATTP. Từ đó, góp phần chấn chỉnh, ổn định và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong một lĩnh vực đầy tiềm năng nhưng cũng đang ẩn chứa nhiều bất cập, rủi ro về ngộ độc thực phẩm hàng năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giám sát thực phẩm 'bẩn'