Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng tại Thái Bình

Duy Hưng 04/05/2023 22:24

Chiều 4/5, tại Thái Bình, Đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có buổi làm việc với UBND tỉnh, giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021” ở địa phương.

Buổi làm việc do Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Phó Trưởng đoàn Đoàn giám sát Bùi Văn Cường chủ trì. Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng tham dự buổi làm việc.

Đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc tại tỉnh Thái Bình chiều nay, 4/5.

Theo báo cáo của chính quyền tỉnh Thái Bình, trong những năm qua, tỉnh bám sát định hướng, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước để ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch trong lĩnh vực phát triển năng lượng trên địa bàn tỉnh.

Về điện năng, địa phương hiện đang được cấp điện 220kv trực tiếp từ 2 trạm biến áp 220kv với công suất 750MVA và 10 đường dây 220kv với tổng chiều dài 210,4km; sản lượng điện thương phẩm trong những năm qua đạt gần 3 tỷ kwh/năm, tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm trung bình giai đoạn 2016 - 2020 đạt 7,94%… bảo đảm ổn định điện cho sinh hoạt nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội.

Về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, hàng năm, các chỉ tiêu này được tỉnh nghiên cứu, xây dựng, đưa vào Kế hoạch năm cũng như chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng phương tiện, thiết bị tiết kiệm năng lượng…

Giai đoạn 2016-2021, tỉnh đã thực hiện kiểm tra về an toàn điện; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; hoạt động điện lực và sử dụng điện; kiểm tra công tác bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp… Qua đó, đã hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật liên quan đến Luật Điện lực, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, cũng như các Nghị định, Thông tư, các văn bản hướng dẫn liên quan đến công tác an toàn điện, bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp, giá bán điện...

Bên cạnh những kết quả, theo chính quyền địa phương, việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng ở tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Trong đó, vẫn còn một số nơi người dân chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, còn tình trạng doanh nghiệp sử dụng các phương tiện, thiết bị, công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng, gây ô nhiễm môi trường; tỷ lệ thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực đến thời điểm hiện tại còn chưa cao, đặc biệt là công trình xây dựng mới lưới điện 110KV...

Tại cuộc làm việc, tỉnh Thái Bình kiến nghị Quốc hội xây dựng và ban hành luật về năng lượng tái tạo hoặc sửa đổi, bổ sung Luật Điện lực để đưa vào các nội dung về năng lượng tái tạo. Đối với Quy hoạch điện VIII, Quy hoạch tỉnh, tỉnh Thái Bình đề nghị các bộ, ngành liên quan sớm thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; có chủ trương về cơ chế, chính sách để giúp tỉnh trong thu hút đầu tư phát triển năng lượng tái tạo…

Thảo luận tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát đề nghị tỉnh cần đánh giá cụ thể hơn về mô hình tổ chức quản lý hiện nay tại tỉnh, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức trong lĩnh vực năng lượng; vai trò, trách nhiệm của các cấp, cơ chế phối hợp giữa Trung ương và địa phương, giữa các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh trong công tác quản lý đầu tư, cung ứng và sử dụng năng lượng đáp ứng được yêu cầu quản lý, bảo đảm an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường và sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.

Thành viên Đoàn giám sát cho rằng tỉnh Thái Bình chưa làm rõ cơ sở để xây dựng quy hoạch đối với việc thu hút các dự án đầu tư phát triển năng lượng; chưa cung cấp được quy hoạch phát triển năng lượng trên địa bàn. Vì vậy chưa có cơ sở để đánh giá về chất lượng quy hoạch; việc điều chỉnh quy hoạch gắn với quản lý, đầu tư các dự án, tránh chồng lấn với các quy hoạch phát triển phân ngành năng lượng; tiến độ xây dựng, nội dung và phương hướng phát triển năng lượng trong giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050…

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng (bên phải) tham dự buổi làm việc.

Kết luận buổi làm việc, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đánh giá cao những kết quả toàn diện mà tỉnh Thái Bình đã đạt được trong thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng. Ghi nhận sự chủ động, phối hợp chặt chẽ của tỉnh với Đoàn giám sát. Theo ông, báo cáo kỹ lưỡng, sâu sát sẽ là nguồn tư liệu quý phục vụ chuyên đề giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời, góp phần để Đoàn giám sát đề xuất các biện pháp, chính sách mới nhằm phát triển năng lượng trong giai đoạn tới để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của lĩnh vực năng lượng đối với phát triển kinh tế - xã hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề nghị, tỉnh Thái Bình tiếp thu đầy đủ ý kiến và các vấn đề được thành viên Đoàn giám sát đặt ra, tiếp tục hoàn thiện, bổ sung Báo cáo, bảo đảm tính tổng hợp, đầy đủ, tập trung, có trọng tâm, tránh trùng lắp, mâu thuẫn. Về kết quả phát triển năng lượng, cần lượng hóa tối đa các kết quả thực hiện, có con số cụ thể, chỉ rõ vướng mắc, trách nhiệm của các bên và đề ra giải pháp khắc phục, tiến độ và thời hạn xử lý.

Đồng thời, yêu cầu tỉnh làm rõ các số liệu cung cầu năng lượng hiện nay, dự báo trong tương lai trên địa bàn tỉnh; làm rõ cơ sở để xây dựng quy hoạch đối với việc thu hút các dự án đầu tư phát triển năng lượng; làm tốt công tác quy hoạch phát triển năng lượng của tỉnh; tiếp tục kiến nghị xác đáng nhằm hoàn thiện thể chế về phát triển năng lượng…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng tại Thái Bình

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO