Ngày 1/6, các cửa hàng thuộc các nhãn hiệu thời trang lớn ở Thụy Điển bắt đầu tính tiền túi nilon đối với khách hàng nhằm giảm lượng nhựa sử dụng tại châu Âu theo chỉ thị mới của Liên minh châu Âu (EU).
Kênh truyền hình SVT của Thụy Điển cho biết từ ngày 1/6, những khách hàng đến với các cửa hàng của Lindex, KappAhl, Gina Tricot hày H&M và một loạt nhãn hiệu khác sẽ phải trả tiền mua túi đựng sản phẩm hoặc có thể tự mang theo túi. Khoản tiền thu được từ việc bán túi này sẽ được cấp cho các sáng kiến thúc đẩy phát triển bền vững. Sau các cửa hàng quần áo, quy định này sẽ dần áp dụng cho các cửa hàng khác.
Quy định mới của EU cũng yêu cầu các hãng thời trang thông tin với khách hàng về tác hại của túi nilon đối với môi trường đồng thời báo cáo về lượng túi nilon các hãng này mua. Mục tiêu của biện pháp mới này là giảm lượng túi nilon trung bình mỗi người dân Thụy Điển sử dụng xuống dưới 40 chiếc mỗi năm vào năm 2025, tương đương 400 triệu túi mỗi năm cho toàn bộ số dân nước này.
Hiện mỗi năm, người dân Thụy Điển sử dụng khoảng 1,3 tỷ túi nilon. Năm 2016, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Thụy Điển đề xuất thu khoảng 55 cent Mỹ cho mỗi túi nilon lấy từ cửa hàng, song mức giá này cũng tùy thuộc vào quy định của từng nhãn hiệu.
Còn tại Việt Nam, cho rằng khung thuế bảo vệ môi trường với túi nilon tại Việt Nam là rất thấp so với các nước, lãnh đạo Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh khung này từ mức 30.000-50.000 đồng/kg hiện tại lên mức 40.000-200.000 đồng/kg. Đây là một phần đáng chú ý trong Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường đang được Bộ Tài chính công bố lấy ý kiến. Theo đại diện ngành tài chính, mức thuế bảo vệ môi trường với túi nilon hiện là 40.000 đồng/kg, tương đương khoảng 200-400 đồng/túi (1kg túi nilon có thể có từ 100-200 túi). Với khung thuế hiện tại với mặt hàng này là 30.000-50.000 đồng/kg, lãnh đạo Bộ Tài chính tính toán, nếu nâng mức thuế lên tối đa là 50.000 đồng/kg thì cũng chỉ tương đương từ 250-500 đồng/túi.
Dẫn kinh nghiệm các nước khác, đại diện Bộ Tài chính cho rằng, nhiều nước trên thế giới đang áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường cao hoặc thậm chí cấm sản xuất, bán, sử dụng túi nilon. Cụ thể, ở Anh, mức thuế với túi nilon là 15cent/túi, tương đương 4.500 đồng/túi; tại Iceland là 15cent/túi, tương đương 4.500 đồng/túi; ở Hong Kong, mức thuế là 0,05USD/túi, tương đương 1.050 đồng/túi,…