Trước tình trạng ô nhiễm không khí ngày một gia tăng, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, xây dựng, triển khai nhiều nhiệm vụ trọng tâm nhằm khắc phục, giải quyết và quản lý chất lượng không khí.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Lê Công Thành nhận định, ô nhiễm không khí đang là một trong những thách thức môi trường nghiêm trọng tại Việt Nam. Đặc biệt tại các đô thị lớn như Thủ đô Hà Nội, TPHCM thì nồng độ bụi mịn PM2.5 thường vượt so với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí xung quanh và vượt nhiều so với khuyến cáo của WHO.
Tình trạng ô nhiễm không khí không chỉ kéo dài theo mùa, lan rộng về mặt không gian, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe - tình hình phát triển kinh tế xã hội và sinh hoạt của người dân. Còn theo bà Ramla Khalidi - Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, chất lượng không khí tại Hà Nội giảm 7%; TPHCM giảm 3% trong những năm qua.
PGS.TS Nguyễn Thị Trang Nhung (Trường Đại học Y tế công cộng Hà Nội) - chuyên gia của Viện Đào tạo và Nghiên cứu sức khỏe trẻ em (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, tại Việt Nam, không có tỉnh, thành phố nào đạt mức quy chuẩn của WHO (5µg/m3). Ô nhiễm không khí có liên quan đến số ca trẻ em nhập viện vì nhiễm trùng hô hấp ngày càng gia tăng. Sự gia tăng nồng độ PM10, NO2 và SO2 trong mùa khô (tháng 11 đến tháng 4) có liên quan đến việc gia tăng số ca nhập viện do nhiễm trùng đường hô hấp ở trẻ nhỏ.
Nguyên nhân của ô nhiễm không khí đến từ nhiều nguồn: khác nhau, gồm: phát thải từ phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch; hoạt động xây dựng, cải tạo hạ tầng đô thị chưa được kiểm soát tốt; phát thải từ các cơ sở sản xuất công nghiệp; hoạt động đốt rơm rạ, chất thải và sinh khối ngoài trời…
Trước tình hình ô nhiễm không khí có chiều hướng gia tăng, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, đầu mối là Cục Môi trường đã và đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp triển khai nhiều nhiệm vụ trọng tâm như: xây dựng nhiệm vụ, dự án kiểm kê phát thải tại khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam phục vụ cho công tác phân tích, đánh giá dữ liệu, xây dựng các mô hình hóa và kịch bản dự báo ô nhiễm không khí…
Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng đang hoàn thiện Kế hoạch hành động quốc gia khắc phục ô nhiễm và quản lý chất lượng không khí, đề ra các mục tiêu cụ thể đến giai đoạn 2026 - 2030, với từng nhóm giải pháp như năng lượng, nguồn thải, giao thông, xây dựng. Hiện tại, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang chạy thử nghiệm mô hình dự báo chất lượng không khí trong 48 giờ tại Trung tâm quan trắc môi trường miền Bắc.
Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam Ramla Khalidi cho rằng, giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí tại Việt Nam là rất quan trọng trong nỗ lực đạt được các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030. Bà Ramla Khalidi cho rằng, việc giải quyết ô nhiễm không khí phải là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Trong thời gian qua, UNDP và WHO đã phối hợp xây dựng một gói hỗ trợ toàn diện để giúp các cơ quan quản lý từ cấp trung ương đến địa phương tăng cường năng lực quản trị và hệ thống dữ liệu phục vụ quản lý chất lượng không khí; giải quyết các tác nhân gây ô nhiễm và thúc đẩy sự tham gia của người dân.
Bà Ramla Khalidi kêu gọi tất cả các bên liên quan bao gồm các cơ quan Chính phủ, đối tác khu vực tư nhân, tổ chức xã hội, cộng đồng quốc tế, địa phương và toàn thể người dân cùng đẩy nhanh các hành động chống ô nhiễm không khí. Thời gian tới, các cơ quan liên quan cần củng cố cơ sở nghiên cứu khoa học, cải thiện công tác nghiên cứu và dự báo…
Về những giải pháp nhằm cải thiện, cũng như giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường không khí, ông Lê Hoài Nam - Phó Cục trưởng Cục Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đề xuất các giải pháp trọng tâm: Rà soát tham mưu xây dựng chính sách lớn, có tầm quan trọng vĩ mô liên quan đến chất lượng không khí, trong đó cần xây dựng Luật không khí; thực hiện kiểm kê, giám sát chặt chẽ nguồn phát sinh khí thải; ưu tiên bố trí nguồn lực cho hệ thống quan trắc môi trường; siết chặt các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.