Cơ quan chức năng cũng như nhiều địa phương đã và đang đi tìm giải pháp hạn chế tối đa việc sử dụng túi nilon, sản phẩm nhựa dùng một lần… nhằm giảm thiểu phát thải ra môi trường, ô nhiễm môi trường sống cũng như hệ sinh thái.
Sống chung với rác thải nhựa
Liên quan tới thực trạng sử dụng túi nilon tràn lan như hiện nay, bà Nguyễn Thị Lệ Thủy - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội chia sẻ, mỗi ngày khi đi chợ, các bà nội trợ thường mang về nhà mình khoảng 10 túi nilon. Và với hệ thống xử lý rác hiện nay chủ yếu là chôn lấp, thì ước tính phải mất gần 100 năm mới có thể phân hủy hết các loại rác thải nhựa này. Bà Nguyễn Thị Lệ Thủy nhận định rằng, khi các địa phương phải tự chi ngân sách cho việc xử lý chất thải rắn (bao gồm bao bì nhựa), thì đây là hiện tượng gây lãng phí tài chính và trái với nguyên tắc “người gây ô nhiễm trả tiền”.
Còn theo số liệu thống kê từ Cục Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho thấy, trung bình mỗi năm người Việt Nam thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác nhựa, trong đó phần lớn là túi nilon. Mỗi hộ gia đình tiêu thụ khoảng 1kg túi nilon mỗi tháng và hơn 80% số túi này bị vứt bỏ ngay sau khi sử dụng. Khối lượng chất thải nhựa và túi nilon chiếm khoảng 8 - 12% tổng lượng rác thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam. Tuy nhiên, chỉ khoảng 11 - 12% trong số đó được thu gom và tái chế, phần còn lại chủ yếu bị chôn lấp, đốt hoặc thải trực tiếp ra môi trường, góp phần gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Ông Albert.T Lieberg - Trưởng Đại diện Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO) tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam là một trong 5 quốc gia hàng đầu phải chịu trách nhiệm cho khoảng 13 triệu tấn nilon rác nhựa thải ra đại dương mỗi năm. Đáng chú ý, công tác phân loại, thu gom và xử lý nilon rác thải nhựa tại Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Đây đã và đang là một thực trạng nhức nhối, bài toán nan giải cho các nhà quản trị, các cơ quan quản lý, cộng đồng doanh nghiệp và trên hết là người dân vì áp lực “chung sống với nilon rác nhựa”.
Cân nhắc việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt
Về thực trạng túi nilon, ống hút, cốc nhựa… dùng một lần, được người dân sử dụng và xả thải ra môi trường sống vô tội vạ như hiện nay, bà Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương thẳng thắn cho rằng, ô nhiễm do rác thải nhựa đang là vấn đề cấp bách đối với Việt Nam. Chính vì vậy mà việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các sản phẩm này sẽ thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào các giải pháp thân thiện với môi trường và thay đổi hành vi tiêu dùng theo xu hướng quốc tế. Song bà Nga cũng cho rằng, cần xây dựng một lộ trình chuyển đổi hợp lý để doanh nghiệp và người dân có thời gian thích ứng.
Còn bà Nguyễn Thị Lệ Thủy - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội nêu quan điểm, việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với bao bì nhựa dùng một lần không chỉ giúp tiết kiệm ngân sách, mà còn có tác dụng điều chỉnh hành vi tiêu dùng, hướng tới phát triển bền vững. Theo lộ trình giảm thiểu nhựa của Việt Nam, được ghi nhận tại Nghị định 08/2022, UBND các tỉnh sẽ phải triển khai các biện pháp quản lý rác thải nhựa một cách triệt để. Cụ thể, sau năm 2025, việc lưu hành và sử dụng túi nilon cùng các sản phẩm nhựa dùng một lần tại các trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn và khu du lịch sẽ bị hạn chế, hướng tới mục tiêu dừng sản xuất và nhập khẩu đồ nhựa dùng một lần sau năm 2030.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Minh Tâm - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình cho rằng, trong bối cảnh thói quen sử dụng túi nilon vẫn phổ biến, nếu không áp dụng chế tài đủ mạnh, các cam kết về bảo vệ môi trường sẽ khó thực hiện. Việc đưa túi nilon và các loại đồ nhựa dùng một lần vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ góp phần thay đổi thói quen sử dụng của người dân và giảm thiểu phát thải gây ô nhiễm.
Chia sẻ dưới góc độ người nội trợ, bà Nguyễn Minh Thu (43 tuổi, ở phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) cho hay: “Giờ ra mua đồ ở một quán cóc trên phố thôi mà cũng được người bán gói gém cho vài cái túi nilon… Điều này phản ánh ý thức bảo vệ môi trường của người dân còn chưa cao. Và khi đánh thuế tiêu thụ đặc biệt vào các loại túi nilon, nhựa… dùng một lần, người dân lo sợ tốn tiền thì sẽ phải tái sử dụng bao bì đựng hàng hóa, chủ động mang theo bao bì để mua hàng. Tôi nghĩ, chỉ có thể là đánh vào túi tiền thì ý thức mới thay đổi được”.