Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp với Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) vừa khởi động dự án giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch Việt Nam.
Dự án kéo dài từ ngày 1/1/2023 đến ngày 30/6/2024, được thực hiện với sự phối hợp của Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch, Sở Du lịch Ninh Bình, Sở VHTTDL Quảng Nam, Hiệp hội Du lịch Ninh Bình, Quảng Nam, chính quyền các xã triển khai dự án. Dự án hướng đến việc thúc đẩy các hoạt động giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch, góp phần bảo vệ môi trường, phát triển du lịch cũng như kinh tế bền vững. Dự án gồm 3 hợp phần. Đó là truyền thông nâng cao nhận thức về giảm rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch; thí điểm áp dụng các giải pháp, sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa tại một số khu, điểm du lịch ở 2 tỉnh Ninh Bình, Quảng Nam; xây dựng kế hoạch hành động giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành du lịch và ứng dụng (app) quản lý rác thải nhựa đối với doanh nghiệp du lịch.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết, ô nhiễm rác thải nhựa đang là thách thức toàn cầu cũng như tại Việt Nam, trong đó có ngành du lịch. Ô nhiễm rác thải nhựa đang là vấn đề thách thức lớn trên toàn cầu, gây ra tác động rất nguy hại tới môi trường, đặc biệt là môi trường biển. Nhằm quản lý hiệu quả và giảm thiểu ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa, các quốc gia trên thế giới, tổ chức quốc tế đã có chiến dịch, sáng kiến ở nhiều cấp độ khác nhau nhằm sớm hiện thực hoá các mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về phát triển bền vững... Các chiến dịch truyền thông, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi hướng tới giảm rác thải nhựa trong du lịch sẽ được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, doanh nghiệp, người dân, khách du lịch.
Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho biết, năm 2019, với hơn 61 triệu lượt khách du lịch (cả quốc tế và nội địa), lượng rác thải nhựa tại Việt Nam là 116.144 tấn/năm. Nhiều khu du lịch đã và đang phải đối phó với hiện tượng ô nhiễm rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa như: Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Sầm Sơn (Thanh Hóa), Đà Nẵng, Phú Quốc (Kiên Giang)... Nếu không có các biện pháp giảm thiểu, lượng phát sinh rác thải nhựa từ hoạt động du lịch năm 2030 sẽ cao gấp khoảng 3 lần so với năm 2019.