Cũng như nhiều địa bàn có đông dân tộc thiểu số khác, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống kéo lùi những nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Nông. Bởi vậy, Đắk Nông đang tăng tốc thực hiện công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục để người dân từng bước “nói không” với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Đắk Nông vừa mở đợt cao điểm truyền thông, nói chuyện chuyên đề phổ biến kiến thức về dân số - kế hoạch hóa gia đình vùng đồng bào dân tộc thiểu số năm 2023. Các buổi truyền thông lần lượt được tổ chức tại các huyện Đắk G’Long, Tuy Đức, Đắk Song, Đắk Mil, Đắk R’Lấp.
Tại các buổi truyền thông, cán bộ dân số - kế hoạch hóa gia đình chia sẻ với bà con các nội dụng về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình; chăm sóc sức khỏe sinh sản; các biện pháp phòng, tránh thai… Đặc biệt, các cán bộ dành nhiều thời gian nói về vấn nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống đã và đang xảy ra trong đời sống bà con các dân tộc thiểu số ở Đắk Nông.
Việc lấy vợ, lấy chồng sớm khiến nhiều bạn trẻ mất đi cơ hội học tập, tìm việc làm tốt, dẫn đến nghèo đói luẩn quẩn. Trong khi đó, hôn nhân cận huyết thống là nguyên nhân khiến nhiều đứa trẻ mắc bệnh hiểm nghèo, đặc biệt là những bệnh bẩm sinh liên quan đến di truyền, khiến cho các gia đình quanh năm lo việc chạy chữa…
Tại huyện Đắk Glong, Chi cục Dân số đã tổ chức truyền thông tại 2 xã Đắk Plao và Đắk Ha - nơi tập trung nhiều bà con dân tộc thiểu số với nhiều phong tục lạc hậu, trình độ dân trí thấp, điều kiện kinh tế khó khăn, vẫn còn tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống.
Bác sĩ Nguyễn Xuân Lâm - Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cho biết: “Việc triển khai các hình thức truyền thông trực tiếp đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã giúp nhiều người dân nâng cao kiến thức cũng như thay đổi hành vi trong chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình. Qua đó, từng bước giúp bà con thực hiện tốt các chính sách về dân số - kế hoạch hóa gia đình nói chung, ngăn chặn nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống nói riêng”.
Ngoài hoạt động của Chi cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình, các ngành, các địa phương khác trên địa bàn Đắk Nông cũng khẩn trương vào cuộc. Huyện Cư Jút là một trong những địa bàn các hoạt động diễn ra sôi nổi với sự tham gia của Phòng Dân tộc, Hội liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên… Mặt trận Tổ quốc cũng đồng hành với nhân dân trong ngăn chặn, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Thôn 20 xã Đắk Drông hiện có 441 hộ, với gần 2.500. Những năm trước, thiếu niên ở độ tuổi 14 - 15 đã lấy vợ, lấy chồng diễn ra phổ biến. Trước thực trạng này, Ban Công tác Mặt trận thôn 20 đã phối hợp lồng ghép tuyên truyền các quy định của Nhà nước nói chung với chính sách kế hoạch hóa gia đình.
Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các ban, ngành, đoàn thể, các trường học và người có uy tín trong thôn đã tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân nhất là đồng bào dân tộc thiểu số về vấn đề hôn nhân, gia đình, hậu quả của việc tảo hôn và kết hôn nhân cận huyết thống. Song song với đó, còn kết hợp những biện pháp răn đe, xử phạt đối với những trường hợp cố tình vi phạm. Việc kết hợp các biện pháp tuyên truyền, răn đe khiến nhiều bạn trẻ đã thay đổi ý định kết hôn sớm, góp phần kiềm chế tảo hôn.
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Đắk Drông Nông Văn Long cho biết: “Cấp ủy, chính quyền xã Đắk Drông cũng đã xây dựng các mô hình hỗ trợ pháp lý ban đầu tại cộng đồng nhằm hỗ trợ kiến thức pháp luật, hôn nhân, dân số - kế hoạch hoá gia đình ngay tại thôn bản. Riêng đối với ban tự quản các thôn, bản, xã đề nghị đưa các quy định của pháp luật về tuổi kết hôn, quy định người dân không giúp việc, không dự, không tặng quà cho đám cưới tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vào hương ước, quy ước của thôn. Nhờ vậy đến nay, nạn tảo hôn đã giảm đáng kể và không còn tình trạng hôn nhân cận huyết thống”…
Với sự vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ của các ngành, đoàn thể, địa phương, tỉnh Đắk Nông đang từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.