Giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống: Đẩy lùi tảo hôn trong đồng bào DTTS tỉnh Phú Thọ

Quỳnh Anh 06/09/2023 15:00

Những năm trước đây, đời sống vùng đồng bào DTTS của huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ còn nhiều khó khăn, phong tục, tập quán còn lạc hậu, trong đó có nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Nhưng mấy năm gần đây, nhận thức của bà con đã thay đổi rõ rệt, nạn tảo hôn trên địa bàn huyện đã giảm. Có được kết quả trên là nhờ sự chung tay, góp sức của chính quyền và các tổ chức đoàn thể đã tích cực vận động gia đình, đồng bào DTTS để bà con tin và nghe theo.

Cháu Chảo Thị Sênh, khu Mỹ Á, xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn năm nay mới 15 tuổi nhưng lấy chồng đã được hơn một năm. Đang ở tuổi ăn, tuổi chơi nhưng giờ đã phải làm mẹ, gánh vác việc gia đình. Cũng có lúc, Sênh ước thời gian quay ngược trở lại để mình lại được đến trường, được vui chơi cùng các bạn. Sênh cho biết, em lấy chồng sớm có con sớm nên cuộc sống rất vất vả, kinh tế gia đình rất khó khăn.

Đẩy mạnh tuyên truyền về nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cho chị em phụ nữ.
Đẩy mạnh tuyên truyền về nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cho chị em phụ nữ.

Được biết, thanh niên ở đây vì lấy chồng, lấy vợ sớm khi ở độ tuổi 14-15 đều đã có con. Nguồn thu nhập của các cặp vợ chồng tảo hôn ở đây hầu hết chỉ biết dựa vào nương rẫy, chăn nuôi, “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Anh Mùa A Tùng sinh ra và lớn lên tại khu Mỹ Á cũng là một trong số đó. Hiện tại, Tùng không đi làm ở đâu mà chỉ loanh quanh ở nhà làm nương rẫy. Học hết cấp 2 nghỉ học nên Tùng rất khó xin việc. Cũng vì ít tiếp xúc với thế giới bên ngoài nên Tùng lấy vợ khá sớm. Giờ đây, cuộc sống quá khó khăn, vất vả nên Tùng mới thấy hối hận vì không đủ khả năng để lo cho vợ, cho con.

Nghèo đói, thiếu ăn, thiếu mặc và không có việc làm, tương lai mờ mịt phía trước là hệ lụy của những gia đình tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Trước năm 2015, trung bình một năm trên địa bàn huyện Tân Sơn có đến 20 cặp vợ chồng tảo hôn. Nguyên nhân do những quan niệm lạc hậu trong hôn nhân, những hủ tục như hứa hôn vẫn còn tồn tại cùng các quan niệm mang tính duy tâm đã dẫn đến nhiều gia đình quyết định dựng vợ, gả chồng cho con em mình khi chưa đến tuổi kết hôn. Nhiều trường hợp có vợ, có chồng sớm với tâm lý để có thêm người lao động trong gia đình. Sự thiếu hiểu biết do trình độ học vấn thấp cùng nhiều yếu tố khác đã làm gia tăng tình trạng tảo hôn. Hoặc nhiều gia đình buông lỏng quản lý con cái nên dẫn tới tình trạng mang thai ngoài ý muốn phải nghỉ học dẫn đến tảo hôn.

Chia sẻ vấn đề này, ông Sùng A Nủ, Trưởng Khu Mỹ Á, xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn cho biết, do sự hiểu biết của bà con trong bản vẫn còn hạn chế nên việc vợ chồng kết hôn khi chưa đủ tuổi vẫn còn xuất hiện. Để giảm thiểu tình trạng này, từ nhiều năm nay chính quyền địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền về nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cũng như phổ biến kiến thức về Luật Hôn nhân và gia đình. Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, đến nay bà con nhân dân đã dần thay đổi suy nghĩ. Nhưng để đạt được kết quả như mong muốn thì vẫn còn một chặng đường dài.

Hiệu quả tích cực từ truyền thông y tế vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.
Hiệu quả tích cực từ truyền thông y tế vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.

Xã Xuân Thủy, huyện Yên Lập, cũng là địa phương có đông đồng bào DTTS sinh sống. Trước đây, do trình độ dân trí thấp, các hủ tục lạc hậu vẫn còn tồn tại nên tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn diễn ra khá phổ biến. Đa số các trường hợp tảo hôn đều là đồng bào DTTS. Nghỉ học sớm, công việc chính là làm nông nghiệp, ít có cơ hội tiếp cận thông tin, nhận thức về hôn nhân, gia đình rất hạn chế, chưa có nhiều kiến thức làm cha mẹ nên hậu quả là những đôi vợ chồng này đều khó khăn về kinh tế, con cái sinh ra dễ mắc bệnh tật, để lại gánh nặng, hệ lụy cho gia đình, xã hội.

Từ thực tế trên, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã nhận thức sâu sắc rằng, giải quyết triệt để tình trạng tảo hôn chính là một trong các giải pháp góp phần giảm nghèo, thúc đẩy bình đẳng giới và quyền con người, cũng như góp phần duy trì sự bền vững trong phát triển kinh tế - xã hội cho cộng đồng. Với sự nỗ lực, quan tâm, đẩy mạnh tuyên truyền của chính quyền và các tổ chức đoàn thể vấn nạn này đã được đẩy lùi. Vài năm trở lại đây, trên địa bàn xã không có trường hợp tảo hôn.

Đánh giá về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh, ông Cầm Hà Chung, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Phú Thọ cho biết, thực hiện Đề án ”Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS”, giai đoạn 2021-2025 (giai đoạn II), tỉnh Phú Thọ đã ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động truyền thông. Theo đó, Phú Thọ tổ chức các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cho đồng bào DTTS; cán bộ cơ sở tham gia tuyên truyền; các tổ chức đoàn thể; già làng, Bí thư Chi bộ, trưởng khu, người có uy tín trong đồng bào DTTS và nhân dân vùng DTTS về pháp luật về dân số, Luật hôn nhân và Gia đình; xử lý các vi phạm hành chính, hình sự liên quan đến tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, đặc biệt là các hành vi bị nghiêm cấm trong Luật hôn nhân và gia đình…

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đưa các nội dung giáo dục giới tính, các quy định pháp luật về hôn nhân và gia đình; tác hại, hậu quả của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống để tuyên truyền, giáo dục ở trường THPT và trường Dân tộc nội trú nhằm nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật về hôn nhân và gia đình đối với học sinh, đặc biệt là học sinh người DTTS.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống: Đẩy lùi tảo hôn trong đồng bào DTTS tỉnh Phú Thọ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO