Trước đây, tình trạng tảo hôn vẫn diễn ra ở vùng cao, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Hòa Bình. Để hạn chế tình trạng trên, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh Hòa Bình đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức cho cộng đồng.
Những câu chuyện buồn
Sinh con đầu lòng, đảm nhận thiên chức làm vợ, làm mẹ khi chưa đủ 18 tuổi, với em Lò Thị Trang (tên nhân vật thay đổi), ở huyện Kim Bôi với biết bao khó khăn nhọc nhằn. Ở tuổi của em, so với bạn bè cùng trang lứa sẽ là học tập, vui chơi thì Trang lại giành toàn bộ thời gian của tuổi trẻ để chăm sóc cho đứa con gái nhỏ chưa đầy 1 tuổi. Làm mẹ khi chưa trưởng thành, thiếu đi kiến thức về chăm sóc trẻ nhỏ thế nên con gái của Trang cũng vì thế còi cọc, kém phát triển về chiều cao và cân nặng so với bạn bè cùng trang lứa.
Dù làm mẹ đã được gần 10 tháng nhưng 2 vợ chồng Trang vẫn chưa thể đăng ký kết hôn, vẫn chưa thể tổ chức một đám cưới theo đúng quy định của pháp luật và phong tục cưới hỏi truyền thống.
Sau khi sinh con, Trang cũng nghỉ việc ở nhà chăm sóc con nhỏ, còn chồng thường xuyên phải đi làm xa để nuôi 2 mẹ con. Hiện giờ, cuộc sống của 2 mẹ con phụ thuộc hoàn toàn vào nhà chồng. Thiếu tự tin, mặc cảm với bản thân vì những thiệt thòi khi sớm làm vợ, làm mẹ ở độ tuổi chưa trưởng thành, những khó khăn về kinh tế, thiếu kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản, Lò Thị Trang cho biết, em cảm thấy lo sợ vì mình chưa có kiến thức cũng như không có đủ kinh tế để nuôi con. Khi có gia đình rồi em mới nhận ra thì đã quá muộn màng.
Hay như trường hợp tảo hôn khác của đôi vợ chồng trẻ Giàng A Sung và Khà Thị Mùa, ở huyện Mai Châu cũng gây khó khăn cho chính quyền cơ sở. Sung và Mùa để ý, thích nhau từ khi đang ở độ tuổi vị thành niên. Khi Khà Thị Mùa mới 13 tuổi đã thuận tình để Giàng A Sung “bắt” về làm vợ. Khi Mùa đã được Sung “bắt” về nhà mình nghĩa là Mùa đã trở thành người nhà của Sung. Vì vậy, gia đình Mùa phải thuận tình cho con gái mình sang làm dâu nhà người ta khi con còn chưa đủ tuổi kết hôn. Mùa trở thành mẹ khi mới 15 tuổi. Do cơ thể chưa trưởng thành cộng với chưa có kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, kiến thức nuôi con nên đứa trẻ sinh ra bị còi cọc, suy dinh dưỡng. Còn người “mẹ nhí” thì phải gánh vác rất nhiều công việc nặng nhọc của người phụ nữ làm dâu trong khi đang ở độ tuổi trăng tròn...
Chung tay vào cuộc
Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống để lại nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội. Do đó, đòi hỏi sự chung tay vào cuộc của các cơ quan, đơn vị, các địa phương và bà con nhân dân trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Thời gian qua, Hội LHPN tỉnh đã xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tới Hội LHPN các huyện, thành phố, các xã và các tổ, hội phụ nữ trong toàn tỉnh. Hàng năm, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức tuyên truyền mang lại hiệu quả tích cực như tìm hiểu kiến thức bổ ích về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống thông qua nghiên cứu tủ sách pháp luật tại cơ quan, đơn vị; trung tâm học tập cộng đồng; xây dựng các hội thảo tuyên truyền, vận động, tư vấn, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cộng đồng trong hôn nhân, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Bà Hà Thị Bình - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Hòa Bình cho biết, Hội LHPN tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai tuyên truyền, giáo dục pháp luật đến người dân thông qua các câu lạc bộ như câu lạc bộ “Phòng, chống tảo hôn”; câu lạc bộ “Hạnh phúc gia đình”, thông qua các hình thức như tổ chức hội thảo, hội thi, tập huấn tuyên truyền để người dân có thêm kiến thức về pháp luật, đặc biệt là Luật Hôn nhân và gia đình. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền cũng được triển khai đến các Chi hội, tổ hội phụ nữ trong toàn tỉnh.
Xác định tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống xảy ra chủ yếu ở địa bàn các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, Hội LHPN các huyện đã tập trung tuyên truyền, lồng ghép trong các buổi sinh hoạt của hội viên phụ nữ hàng tháng; in ấn, phát tờ rơi, truyền thông trực tiếp tới hội viên phụ nữ. Tập trung truyền thông cho phụ nữ khái niệm về tảo hôn, tác hại của tảo hôn, việc chung tay phòng, chống và đẩy lùi nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong cộng đồng.
Với sự vào cuộc quyết liệt và tích cực, vấn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thông trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở Hòa Bình được đẩy lùi và chấm dứt.