Thời gian qua, để giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, tỉnh Sơn La đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, phấn đấu đến năm 2025 ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng này.
Sơn La là tỉnh miền núi với trên 80% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Bằng nhiều nỗ lực, giai đoạn 2015-2020, tình trạng tảo hôn tại tỉnh Sơn La giảm, tuy nhiên vẫn chưa chấm dứt hoàn toàn.
Vân Hồ là huyện điều kiện kinh tế khó khăn của tỉnh Sơn La với 90% dân số là đồng bào DTTS, đời sống của một bộ phận người dân còn gặp nhiều khó khăn, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết vẫn còn.
Nguyên nhân được xác định là do phong tục tập quán lạc hậu, một bộ phận người dân vẫn còn thích đông con và thích có con trai; nhận thức của các bậc phụ huynh có con trong độ tuổi tiền hôn nhân và bản thân các em trong độ tuổi vị thành niên, thanh niên vẫn còn e ngại, xấu hổ nên chưa nhiệt tình tham gia khám sức khỏe trước khi kết hôn, chế tài xử lý những trường hợp vi phạm tảo hôn, lựa chọn giới tính thai nhi chưa đủ sức răn đe...
Triển khai thực hiện Tiểu dự án 2 Dự án 9, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, huyện Vân Hồ đã triển khai nhiều giải pháp đến những bản có tình trạng tảo hôn cao để tuyên truyền, vận động với nhiều mô hình, cách làm linh hoạt, phù hợp.
Ông Nguyễn Mạnh Cường - Trưởng Phòng Dân tộc huyện Vân Hồ cho biết: Triển khai thực hiện Tiểu dự án 2 của Dự án 9, huyện đã tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm, hoạt động ngoại khóa bằng hình thức sân khấu hóa, thi tìm hiểu nói chuyện chuyên đề về pháp luật về hôn nhân, về kết hôn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại các trường phổ thông vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cụ thể tại Trường PTDT Nội trú THCS-THPT Vân Hồ; Trường TH&THCS Chiềng Xuân; Trường TH&THCS Tân Xuân; Trường TH&THCS Chiềng Yên; Trường THCS Lóng Luông…
Còn tại huyện Sông Mã, để ngăn chặn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết, từ năm 2021 đến hết tháng 6/2022, các cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội, UBND các xã, thị trấn của huyện Sông Mã, đã tổ chức lồng ghép nhiều hoạt động truyền thông, các cuộc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về Luật Hôn nhân và Gia đình, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS, với tổng số 392 hội nghị, thu hút 23.297 người tham dự.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS ở Sông Mã, đã có sự chuyển biến tích cực. Từ năm 2021 đến hết 6 tháng đầu năm 2022, toàn huyện có 43 vụ (năm 2020 có 45 vụ); không có kết hôn cận huyết thống (năm 2020 có 1 vụ).
Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Sơn La tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp thiết thực như: Ban Dân tộc tỉnh chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố tổ chức các hoạt động tuyên truyền nhằm hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong vùng DTTS trên địa bàn tỉnh như: Tổ chức các hội nghị, hội thảo, giao lưu văn hóa, lễ hội... biên soạn tờ rơi, tờ gấp, tài liệu và các sản phẩm truyền thông tuyên truyền về tảo hôn và hôn nhân cận huyết.
Một trong những giải pháp quan trọng trong việc thực hiện là tổ chức các hoạt động ngoại khóa tuyên truyền về tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong vùng đồng bào DTTS tại các trường Phổ thông Dân tộc nội trú, Phổ thông Dân tộc bán trú; các trường phổ thông đóng trên địa bàn các xã vùng DTTS.
Bên cạnh đó, tỉnh Sơn La cũng tổ chức các hoạt động giao lưu học tập, trao đổi kinh nghiệm nâng cao năng lực về chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức, kỹ năng truyền thông, vận động, tư vấn pháp luật liên quan về hôn nhân và gia đình; Phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong vùng DTTS tuyên truyền, vận động đồng bào xóa bỏ hủ tục lạc hậu và phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết. Từ đó góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi.
Ông Đinh Trung Dũng - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sơn La cho biết, để triển khai thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 9 giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, tỉnh đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có trên 90% cán bộ làm công tác dân tộc các cấp, cán bộ văn hóa - xã hội xã được tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng vận động, tư vấn, truyền thông thay đổi hành vi về tảo hôn và hôn nhân cận huyết; đến năm 2025 cơ bản ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết.