Triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình MTQG 1719), Gia Lai đang nỗ lực tuyên truyền, vận động, tập trung vào đối tượng phụ nữ, học sinh để nâng cao nhận thức cộng đồng, từ đó xây dựng cộng đồng “nói không” với hôn nhân cận huyết thống.
Tỉnh Gia Lai hiện có khoảng 46 nghìn học sinh bậc THCS và hơn 10 nghìn học sinh bậc THPT là con em các dân tộc thiểu số. Những năm qua mặc dù đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhưng vẫn có tình trạng học sinh bỏ dở học đường để trở thành những cặp vợ chồng… trẻ con.
Trước thực trạng đó, tháng 6/2021, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai đã ban hành Kế hoạch số 1276 về triển khai Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2025” trong toàn ngành.
Một điển hình của việc ngăn chặn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống là các hoạt động của Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Gia Lai. Với đặc thù 100% học sinh là con em các dân tộc, nhà trường luôn tăng cường giáo dục kỹ năng sống, giới tính, chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên… cho các em thông qua hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt nội trú và lồng ghép trong các tiết học.
Riêng năm học 2023 - 2024, nhà trường còn tổ chức cho học sinh ký cam kết chấp hành Luật Hôn nhân và Gia đình. Nội dung cam kết gồm: Không kết hôn trước tuổi quy định; không sống chung, sống thử như vợ chồng với người khác giới khi chưa đủ tuổi kết hôn; bản thân và gia đình kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi các tập tục lạc hậu về hôn nhân; đối với nữ, không để mang thai ngoài ý muốn khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú Gia Lai Tạ Thị Thu Huyền cho biết: Công tác giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản là điều vô cùng cần thiết nhằm giúp các em chủ động bảo vệ bản thân, không biến mình trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội, có được một tương lai tươi sáng hơn. Ngoài các hoạt động ngoại khóa, lồng ghép trong môn học, nhà trường còn có tổ tư vấn tâm lý học đường, giúp các em nâng cao nhận thức về hậu quả của hôn nhân cận huyết thống.
Còn tại huyện Chư Pah, công tác giáo dục giới tính, chăm sóc sức khỏe sinh sản học sinh cũng được chính quyền, đoàn thể và ngành giáo dục quan tâm.
Phó Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Phạm Hồng Thái Đỗ Quang Tuấn chia sẻ: “Nhà trường đã chỉ đạo giáo viên chủ động lồng ghép những nội dung trên vào chương trình, kế hoạch dạy học; đồng thời, phối hợp với Phòng Tư pháp, Ban Dân tộc huyện và các đơn vị liên quan về tuyên truyền, tư vấn pháp luật trực tiếp cho học sinh, nhất là học sinh người dân tộc thiểu số nhằm giúp các em nâng cao nhận thức, ngăn chặn tình trạng này khi còn ngồi trên ghế nhà trường”. Bên cạnh đó, nhiều trường còn tổ chức cho học sinh và phụ huynh ký cam kết không bỏ học giữa chừng để lấy vợ, lấy chồng, không kết hôn khi đang còn là học sinh; tuyên truyền sâu rộng về hôn nhân cận huyết thống trong học sinh và phụ huynh.
Cùng với đối tượng học sinh, phụ nữ cũng là đối tượng mà các cấp, các ngành tỉnh Gia Lai tập trung công tác tuyên truyền, vận động. Trong đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) các cấp tập trung xây dựng các mô hình vận động chị em phụ nữ “nói không” với hôn nhân cận huyết thống; tổ chức các đợt truyền thông tập trung đến các xã có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số. Riêng trong những ngày đầu tháng 10 này, Hội LHPN tỉnh Gia Lai tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho hàng trăm chị em hội viên, phụ nữ dân tộc thiểu số tại xã Ia Băng (huyện Đak Đoa), xã Đak Kơ Ning (huyện Kông Chro), xã Dun (huyện Chư Sê). Tại chương trình, các báo cáo viên đã đưa nhiều ví dụ cụ thể xảy ra tại địa phương trong thời gian qua để chị em dễ dàng nắm bắt, nhất là các vụ việc liên quan đến tảo hôn, hôn nhân cận huyết, các vụ bạo hành, xâm hại trẻ em…
Trong giai đoạn từ đầu năm 2021 đến giữa năm 2023, toàn tỉnh Gia Lai vẫn còn một số cặp tảo hôn, 2 trường hợp hôn nhân cận huyết thống. Một trong những lý do khiến tình trạng này còn cao trong thời gian gần đây là do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, có những giai đoạn công tác vận động bị đình trệ. Do đó, Gia Lai đang tăng tốc các biện pháp để người dân “nói không” với hôn nhân cận huyết thống.