Giáo dục giới tính học đường không chỉ giúp học sinh nâng cao hiểu biết về sức khỏe sinh sản mà còn góp phần ngăn chặn tình trạng tảo hôn, đặc biệt là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Trong những năm qua, giáo dục giới tính học đường không chỉ giúp các em vùng dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Sơn La nâng cao hiểu biết về sức khỏe sinh sản mà còn góp phần ngăn chặn tình trạng tảo hôn.
Ông Vũ Đại Thanh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Tân Xuân, huyện Vân Hồ (tỉnh Sơn La) cho biết, hiện nay trường có 100% học sinh DTTS, điều kiện để các em tiếp cận thông tin đại chúng còn hạn chế. Vì vậy, ngoài tích hợp giáo dục giới tính vào các môn học chính khóa, nhà trường còn tổ chức các buổi học ngoại khóa bằng hình thức sân khấu hóa, tuyên truyền về tảo hôn, kết hôn cận huyết thống. Hàng năm, huyện còn tổ chức ký cam kết xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái, giảm tỷ lệ tảo hôn, nhất là với trẻ em gái từ 14 đến dưới 18 tuổi.
Theo ông Phạm Thanh Hải - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vân Hồ, cùng với công tác dạy và học, những năm qua, các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho học sinh về vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản; hệ lụy của nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Theo đó, các trường học không ngừng đổi mới hình thức tuyên truyền với nhiều cách làm phong phú, sáng tạo như: sân khấu hóa, thi vẽ tranh với các hình ảnh trực quan, sinh động; phát tờ rơi, tập huấn kỹ năng truyền thông về giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống…
Tại tỉnh Gia Lai, những năm qua, các trường phổ thông dân tộc nội trú của tỉnh đã tăng cường giáo dục kỹ năng sống, giáo dục giới tính, chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên… cho các em thông qua hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt nội trú và lồng ghép trong các tiết học. Riêng năm học 2023-2024, nhà trường còn tổ chức cho học sinh ký cam kết chấp hành Luật Hôn nhân và Gia đình.
Ông Trần Bá Công - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai cho biết, Sở đã ban hành Kế hoạch số 1276 về triển khai Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS giai đoạn 2021-2025” trong toàn ngành. Những năm qua, các trường học đã thực hiện tốt công tác truyền thông, tổ chức tư vấn, giáo dục giới tính cũng như diễn đàn giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên cho học sinh.
“Đối với các đơn vị có đông học sinh người DTTS, bên cạnh việc tăng cường công tác tuyên truyền, nhà trường còn tổ chức cho học sinh và phụ huynh ký cam kết không bỏ học giữa chừng để lấy vợ, lấy chồng, không kết hôn khi đang còn là học sinh THCS và THPT. Nhiều trường còn thành lập tổ tư vấn tâm lý học đường nhằm hỗ trợ kịp thời những học sinh có nguy cơ tảo hôn; cung cấp cho các em những ấn phẩm truyền thông liên quan đến pháp luật hôn nhân và gia đình, về những phong tục, tập quán tốt đẹp của các dân tộc trong hôn nhân cũng như những hủ tục không còn phù hợp cần xóa bỏ” - ông Công cho biết.
Cũng giống như nhiều địa phương khác, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu là huyện vùng cao đặc biệt khó khăn nên nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vẫn xảy ra. Để ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng này, ngành giáo dục huyện Phong Thổ đã chỉ đạo các trường học, phối hợp với cấp ủy chính quyền địa phương, các cơ quan chuyên môn đưa nội dung giáo dục giới tính vào trường học và coi như một môn học phụ.
Theo ông Nguyễn Vương Hùng - Phó Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phong Thổ, hiện nay các trường trên địa bàn huyện đã tăng cường truyền thông giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản cho học sinh và phát động phong trào nói không với nạn tảo hôn ngay trong trường học. Cùng với đó là chú trọng phổ biến, giáo dục chính sách pháp luật về bình đẳng giới, pháp luật về hôn nhân gia đình đến các em.
Với việc tích cực đưa nội dung giáo dục giới tính vào trường học, mà “vấn nạn” tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống đã có những chuyển biến tích cực. Nhờ đó, tình trạng bỏ học giữa chừng để lấy vợ, lấy chồng ngày càng có xu hướng giảm mạnh ở nhiều địa phương.