Giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống - Hà Giang nỗ lực đẩy lùi tảo hôn

Phương Nguyên 13/09/2023 08:07

Nằm ở cực Bắc của Tổ quốc, thời gian qua Hà Giang là một trong những tỉnh có tỷ lệ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cao. Với những nỗ lực không ngừng nghỉ trong công tác tuyên truyền, vận động, Hà Giang từng bước ngăn chặn nạn tảo hôn và phấn đấu chấm dứt tình trạng hôn nhân cận huyết thống.

Huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Xã Phương Tiến, huyện Vị Xuyên trước đây có nhiều tập tục lạc hậu, trong đó có vấn nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Để xóa bỏ những tập tục lạc hậu này, tháng 7/2022, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Phương Tiến đã thành lập câu lạc bộ (CLB) “3 không” tại thôn Nà Màu với sự tham gia của 25 hội viên. “3 không” gồm: “Không ăn, ở mất vệ sinh; Không vi phạm chính sách dân số; Không mê tín dị đoan”. CLB ra đời có nhiệm vụ tuyên truyền, vận động hội viên và nhân dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là chính sách về dân số và xóa bỏ hủ tục. Từ đó, nhiều thông tin về công tác dân số đã được chuyển tải kịp thời đến chị em.

Chủ tịch Hội LHPN xã Phương Tiến Nguyễn Thị Hường cho biết: “Trong năm 2022, thôn Nà Màu không có người sinh con thứ 3, không còn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Thói quen, tập quán sinh hoạt lạc hậu được xóa bỏ, gia súc được đưa ra khỏi gầm sàn, nhiều phong tục tập quán lạc hậu trong việc cưới, việc tang được giảm bớt. Phụ nữ, trẻ em được chăm sóc y tế và tiếp cận đầy đủ hơn các dịch vụ xã hội cơ bản, chất lượng cuộc sống được nâng lên”. Đây là một trong những điển hình về thực hiện công tác dân số trên địa bàn huyện Vị Xuyên.

Theo điều tra của tỉnh Hà Giang, tỷ lệ hôn nhân cận huyết thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn cứ 1.000 người kết hôn hoặc chung sống với nhau như vợ chồng thì có gần 11 người có quan hệ huyết thống trong vòng 3 thế hệ với vợ hoặc chồng của mình. Tỷ lệ này của Hà Giang cao gấp 2,1 lần so với vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Đây là thách thức lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Hà Giang trong nhiều năm qua.

Xác định đây là nhiệm vụ khó khăn, Hà Giang đã huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, trong đó, chú trọng công tác truyền thông đến “đúng người, đúng việc”, chú trọng vai trò của người có uy tín trong cộng đồng, Hội LHPN và Đoàn Thanh niên, phối hợp chặt chẽ với lực lượng Bộ đội Biên phòng tại các huyện có đường biên. Chính nhờ những biện pháp tổng hợp này, tại nhiều địa bàn, vấn nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết đang từng bước bị đẩy lùi.

Trong thời gian qua, các cấp hội phụ nữ đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thế tổ chức 36 hội thi tìm hiểu văn hóa các dân tộc, bài trừ các hủ tục lạc hậu tại cơ sở. Cùng với các hoạt động tuyên truyền, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội tổ chức 100% cán bộ, chuyên viên ký cam kết gương mẫu, đi đầu trong việc xóa bỏ các hủ tục, phong tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang.

Bên cạnh đó, phối hợp với chính quyền, các tổ chức đoàn thể vận động, can thiệp hoãn hôn thành công 159 cặp có ý định tảo hôn, tổ chức cho 48.920 hộ gia đình ký cam kết không cho con tảo hôn. Đồng thời, các cấp Hội đã thành lập nhiều mô hình, CLB về bài trừ các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu như: Hội LHPN huyện Mèo Vạc với mô hình “Nói không với tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống” tại thôn Bản Trang, Xín Cái với 32 người tham gia; Hội LHPN huyện Xín Mần thành lập CLB “Phụ nữ phòng, chống tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu” với 1.381 thành viên tham gia tại 18 xã, thị trấn... Trong đó, hoạt động của các mô hình tại xã Yên Hà, huyện Quang Bình đã đem lại hiệu quả cao nhất.

Hội Phụ nữ xã Yên Hà đã ra mắt “Hội nàng dâu họ Giàng tham gia xóa bỏ hủ tục lạc hậu” tại thôn Khuổi Cuốm. Tham gia Hội, các hộ gia đình và chị em dâu trong dòng họ Giàng đều nhất trí 100% thực hiện theo “Nghị quyết” của dòng họ là không tổ chức cho con cháu kết hôn khi chưa đủ tuổi theo pháp luật quy định; đăng ký kết hôn theo đúng quy định pháp luật; không thách cưới quá 20 triệu đồng; không tổ chức linh đình, không gả con cho anh em trong dòng họ có cùng dòng máu trực hệ; thực hiện nghiêm túc việc đưa người nhà bị ốm đến khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế; không làm lễ cúng để chữa bệnh…

Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng Hà Giang đang phấn đấu đến hết năm 2025 có 75% trở lên các gia đình nhận thức được tác hại, hệ lụy của các phong tục, tập quán lạc hậu, sự cần thiết tham gia bài trừ các hủ tục, tập quán lạc hậu của gia đình, dòng họ. Đến năm 2030 cơ bản xóa bỏ được các hủ tục, xây dựng nông thôn mới nâng cao và nếp sống văn minh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống - Hà Giang nỗ lực đẩy lùi tảo hôn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO