Công tác tuyên truyền đóng một vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Xung quanh vấn đề này, Báo Đại Đoàn kết đã có cuộc trao đổi với bà Bế Hồng Vân - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách (Ủy ban Dân tộc).
PV:Thưa bà, sau gần 3 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia (MTQG) 1719, bà có thể cho biết một số đánh giá bước đầu về hiệu quả của trong việc ngăn chặn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong thời gian vừa qua ở các địa phương?
Bà Bế Hồng Vân : Với mục tiêu chuyển đổi nhận thức, hành vi trong hôn nhân của đồng bào dân tộc thiểu số góp phần giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi (DTTS&MN), nhất là các nhóm dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, dân tộc có khó khăn đặc thù. Tại Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2013 đã thiết kế nội dung Tiểu dự án 2 trong Dự án 9) về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS&MN. Tiểu Dự án đã xác định các đối tượng, thành phần tham gia vào các hoạt động này như: Nhóm vị thành niên, thanh niên, phụ nữ và nam giới là người DTTS; các bậc cha mẹ và học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú; lãnh đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong vùng đồng bào DTTS&MN; người có uy tín trong cộng đồng các DTTS. Điều này khẳng định rõ quan điểm về việc cần có sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong thực hiện nhiệm vụ hạn chế tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào DTTS&MN trong giai đoạn hiện nay.
Việc ngăn chặn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống chủ yếu dựa vào công tác vận động, tuyên truyền. Theo bà, cần có tư duy đột phá và đổi mới ra sao để đạt hiệu quả cao nhất?
- Cần đa dạng hóa các hoạt động truyền thông (qua các phương tiện thông tin đại chúng bằng tiếng dân tộc; truyền thông trực tiếp bằng ngôn ngữ địa phương; trình bày các tiểu phẩm; tổ chức tập huấn...) có hình thức phù hợp với điều kiện và khả năng của người dân; với đặc điểm văn hóa truyền thống của từng địa phương. Xây dựng những thông điệp phù hợp để tuyên truyền, nhân rộng những điển hình tốt, người có ảnh hưởng tại cộng đồng trong thực hiện xóa bỏ những hủ tục lạc hậu trong đời sống. Tăng cường dùng ngôn ngữ DTTS trong truyền thông, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng và khai thác mạng xã hội để truyền thông. Duy trì và triển khai các mô hình tại xã, huyện, trường có tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cao; nhân rộng các mô hình phù hợp nhằm thay đổi hành vi, khả năng tiếp cận thông tin và huy động sự tham gia của cộng đồng thực hiện ngăn ngừa, giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Đặc điểm của một số cộng đồng DTTS là thiếu thông tin, nhận thức không cao, ít tương tác với bên ngoài. Làm thế nào để công tác tuyên truyền, vận động có thể thâm nhập sâu hơn vào những nhóm đối tượng này, thưa bà?
- Công tác vận động, tuyên truyền trong cộng đồng vùng DTTS&MN đến lúc cần phải thay đổi quan điểm người dân là “đối tượng” được hưởng thụ những sản phẩm của các cơ quan truyền thông, mà cần phải để người dân vào vai trò những “chủ thể”, tham gia trực tiếp vào xây các sản phẩm truyền thông trong cộng đồng của họ. Có như vậy, đồng bào không chỉ thụ động tiếp nhận những thông tin về các chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước mà còn trực tiếp được thực hành qua việc tham gia vào những hoạt động truyền thông (như tham gia đóng kịch, tiểu phẩm,...), từ đó họ sẽ trở thành những “tuyên truyền viên” tích cực, lan tỏa những thông tin chính thống trong cộng đồng. Đồng thời qua đó để người dân có thể nói lên tiếng nói của mình, tham gia vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và thể hiện vai trò làm chủ của người dân.
Để hiệu quả được bền vững, không xảy ra tình trạng “tái phát” vấn nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống khi bước đầu đã đẩy lùi, theo bà, ngoài biện pháp tuyên truyền, vận động, còn cần triển khai những nhiệm vụ kinh tế - xã hội nào khác?
- Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong các DTTS ở Việt Nam là một vấn đề mang tính bối cảnh phụ thuộc cả vào bối cảnh lịch sử và các thay đổi trong đời sống chính trị, kinh tế và xã hội. Một số nguyên nhân cụ thể gồm: Khó khăn về kinh tế; ảnh hưởng của quan niệm, phong tục tập quán có hại trong các DTTS; quy định của pháp luật nhằm ngăn ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống chưa thực sự hiệu quả; nhận thức về pháp luật nói chung, Luật Hôn nhân và Gia đình nói riêng và ý thức chấp hành tuân thủ pháp luật của một số bộ phận người DTTS còn hạn chế.
Do vậy, cần áp dụng cách tiếp cận đa chiều, toàn diện để xây dựng một chiến lược can thiệp tổng thể bền vững đối với vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng DTTS&MN bằng cách tăng quyền năng cho trẻ em gái DTTS. Đặt trẻ em gái DTTS là trung tâm của giải pháp can thiệp tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng DTTS&MN. Tăng cường tiếp cận thông tin và giáo dục cho trẻ em ở lứa tuổi từ 13 đến 18 tuổi về sức khỏe sinh sản, nhận thức về hôn nhân phù hợp với đặc điểm văn hóa các dân tộc khác nhau trong nhà trường và trong cộng đồng.Tăng cường tiếp cận của trẻ em (cả nam và nữ) tới cơ hội có chất lượng trong thị trường lao động và trong hoạt động cộng đồng, cụ thể tăng cường cho các em tham gia các khóa học nghề có chất lượng và phù hợp với lứa tuổi, từ đó tạo cơ hội tiếp cận với việc làm phù hợp. Thành lập các trung tâm, cơ sở tư vấn, giáo dục tiền hôn nhân cho vùng DTTS.
Như vậy, song hành với công tác truyền thông là giải pháp căn bản, thường xuyên và lâu dài, để đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở vùng DTTS, việc thực hiện một cách bền bỉ và nhất quán các chính sách và biện pháp thúc đẩy giáo dục, mở rộng cơ hội việc làm, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân có vai trò quan trọng trong việc thay đổi nhận thức và hành động đối với tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở vùng DTTS.
Để làm được những điều trên thì bên cạnh sự nhập cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị; việc sắp xếp lại đội ngũ cán bộ chuyên trách về bình đẳng giới, nâng cao năng lực của họ cũng như có cơ chế phối hợp thực chất giữa các tổ chức nhằm nâng cao nhận thức về tác hại do tảo hôn và hôn nhân cận huyết gây nên tại những vùng có tỷ lệ kết hôn sớm, cưỡng ép kết hôn cao là rất cần thiết.
Trân trọng cảm ơn bà!