Với “thế mạnh” là sự lắng nghe, sẻ chia trong tuyên truyền, vận động, nhiều chị em đã phát huy lợi thế này nhằm ngăn chặn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Nhờ sự xông pha của các chị mà công tác phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở nhiều địa bàn tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên có những chuyển biến tích cực.
A Nông là một trong 5 xã vùng biên giới của huyện Tây Giang (tỉnh Quảng Nam). Phần lớn đồng bào ở đây là người Cơ Tu. Những năm trước đây, đời sống nhiều khó khăn, phong trào phụ nữ hoạt động thiếu sôi nổi và tình trạng tảo hôn vẫn còn phổ biến. Nhưng 3 năm trở lại đây, với tâm huyết của chị Yđêl Thị Mlát - Chủ tịch Hội LHPN xã A Nông mà phong trào đã có nhiều chuyển biến.
Chị Mlát tâm sự: “Hủ tục là một trong những yếu tố cản trở sự tiến bộ của bà con. Xã hội ngày càng văn minh thì mình cũng phải nghĩ khác đi, cần phát huy những cái hay, cái đẹp, còn những gì lạc hậu thì mình xóa bỏ dần”. Từ suy nghĩ ấy, chị Mlát đã tự học, tự trau dồi kiến thức, kỹ năng để có thể thay đổi nhận thức, lối sống của bà con. Bất kể ngày đêm, nắng mưa, vượt qua bao dốc cao, suối sâu, chị đến từng thôn để tuyên truyền, vận động chị em tham gia phong trào
Với sự quyết tâm của chị Yđêl Thị Mlát, năm 2020, mô hình “Chi hội phụ nữ nói không với tảo hôn” đã ra đời và từng bước phát huy hiệu quả. Nhờ thường xuyên đồng hành cùng chị em mà chị Mlat nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của từng hội viên để có cách hỗ trợ phù hợp. Nếu trước đây hủ tục tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, trọng nam khinh nữ còn ăn sâu trong nhận thức của đồng bào thì nay hủ tục đó gần như được xóa bỏ, chị em phụ nữ đã đóng góp tiếng nói trong việc tự bảo vệ quyền lợi cho mình. Không chỉ có vậy, chị còn là người “lĩnh xướng” gây dựng phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao, dân vũ của xã. Từ việc tham gia các hoạt động này đã giúp chị em xa rời các hủ tục. Đến nay, trên địa bàn xã A Nông đã không còn tình trạng hôn nhân cận huyết thống và cơ bản xoá bỏ tảo hôn.
Khu vực miền Trung - Tây Nguyên là nơi cư trú của nhiều đồng bào các dân tộc. Đây cũng là địa phương tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống còn tồn tại dai dẳng. Song, ở nhiều địa phương, tình trạng tảo hôn đang từng bước được ngăn chặn. Trong đó, không thể không kể đến vai trò “chủ công” của những cán bộ đoàn thể phụ nữ giàu nhiệt huyết.
Những năm gần đây, xã Ðăk Ruồng, huyện Kon Rẫy (tỉnh Kon Tum) đã không còn tình trạng hôn nhân cận huyết thống. Khi nói đến thành tích này, không ai không nhắc đến chị Y Gar - Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn 12 (làng Kon Slak). Lâu nay, cán bộ Mặt trận cơ sở thường gắn với hình ảnh những nam giới trung niên. Nhưng chị Y Gar là một “ngoại lệ”. Trong vai trò là Trưởng Ban công tác Mặt trận, các thông tin về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống được chị lồng ghép trong các buổi họp thôn hay Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững”. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền vận động, những năm gần đây, việc chấp hành pháp luật về hôn nhân và gia đình trên địa bàn xã đã có sự thay đổi theo hướng tích cực. Mỗi cá nhân, gia đình, dòng họ đã tự giác chấp hành và thường xuyên vận động người thân trong gia đình cùng thực hiện tốt chính sách, pháp luật liên quan đến vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Đó còn là những người cán bộ tuổi đời còn rất trẻ như chị Hồ Thị Hồng (sinh năm 1987) công tác tại xã Cư San, huyện M’Drắk (Đắk Lắk). Nhiều năm gắn bó với phòng, chống tảo hôn ở địa phương, chị Hồng khi trong vai trò là Chủ tịch Hội LHPN xã Cư San trong nhiệm kỳ 2016-2021 đã xây dựng và duy trì các mô hình “Phụ nữ nói không với tảo hôn” cũng như các mô hình, “5 không, 3 sạch”, “Phụ nữ an toàn”. Và khi làm Bí thư Chi bộ thôn 8, xã Cư San, chị Hồng lại tiếp tục phát huy những kinh nghiệm đã tích luỹ được để xây dựng khu dân cư văn hóa, đẩy lùi tảo hôn.
Với nhiệt huyết kết hợp với sự kiên trì, mềm dẻo, biết lắng nghe, những cán bộ phụ nữ đã và đang xung kích trên “tuyến đầu” để từng bước giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.