Giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống - Phát huy vai trò của người có uy tín

Phương Nguyên 10/10/2023 07:15

Tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng có vai trò hết sức quan trọng trong tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; vận động nhân dân làm kinh tế, xóa bỏ hủ tục… Nhận thức rõ điều này, các tỉnh vùng núi phía Bắc đã phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng để ngăn chặn nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Người có uy tín tại tỉnh Cao Bằng tuyên truyền, vận động người dân phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Tỉnh Tuyên Quang hiện có 1.115 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Với khả năng “nói dân tin, làm dân theo”, người có uy tín luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp tin tưởng bởi sức ảnh hưởng lớn trong công tác vận động đồng bào.

Tại huyện Na Hang, nơi đồng bào DTTS chiếm phần lớn số dân, người có uy tín là nòng cốt trong tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thay đổi nếp nghĩ, cách làm từ đó giảm thiểu tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống trong khu dân cư. Thôn Nà Ngoãng, xã Côn Lôn, nơi có 80 hộ dân là một ví dụ. Trước đây, thôn vẫn có nhiều trường hợp tảo hôn. Nhưng hiện nay, đã không còn trường hợp nào tảo hôn hay kết hôn cận huyết thống. Có được kết quả đó, không thể không nhắc đến sự đóng góp của ông Nguyễn Văn Bình - người có uy tín của thôn.

Ông Bình chia sẻ: “Khi được bầu làm người có uy tín, tôi đã tích cực tuyên truyền đến bà con trong các buổi họp thôn, ngày đại đoàn kết ở khu dân cư. Bên cạnh đó, phối hợp với cán bộ thôn, xã đến từng hộ dân kiểm tra việc đăng ký kết hôn, mạnh tay xử lý theo hương ước, lập biên bản các cặp đôi chưa đủ tuổi chuẩn bị kết hôn và báo cáo với chính quyền để can thiệp kịp thời”.

Cũng giống như ông Bình, ông Phương Văn Chăng (thôn Nặm Cằm, xã Thượng Giáp) cũng là người chứng kiến không ít nỗi đau vì tục tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Khi được bầu làm người có uy tín trong thôn, ông tâm niệm phải bằng mọi giá ngăn chặn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống bằng cách nêu những tác hại, hệ lụy. Ông Chăng nhớ lại: “Thoạt đầu, bà con không nghe, bỏ về hoặc không quan tâm; song tôi nhận thấy phải kiên trì bằng phương pháp “mưa dầm thấm lâu”. Nói mãi rồi bà con cũng nghe. Nếu trước kia trong thôn có 4 đến 5 cặp tảo hôn thì nay con số này đã giảm đáng kể”.

Ông Hoàng Hùng Chảnh - Trưởng Phòng Dân tộc huyện Na Hang cho biết, thực hiện Tiểu dự án 2 về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS, bên cạnh sự vào cuộc của các cấp, ngành, huyện cũng đã tăng cường phát huy vai trò “mũi nhọn” của người có uy tín ở cơ sở. Số cặp vợ chồng tảo hôn qua các năm có xu hướng giảm dần.

Cũng giống như Tuyên Quang, đội ngũ người có uy tín ở tỉnh Cao Bằng không chỉ gương mẫu trên các mặt công tác mà còn là lực lượng nòng cốt, gắn kết giữa cấp ủy đảng, chính quyền với nhân dân ở cơ sở. Toàn tỉnh hiện có 1.462 người có uy tín trong đồng bào DTTS.

Hà Quảng là huyện vùng cao, biên giới với 99,5% đồng bào DTTS, đã từng có thời gian, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống “hoành hành” trên địa bàn. Trong các đợt truyền thông, huyện luôn chú trọng tuyên truyền đến già làng, trưởng bản, người có uy tín.

Ông Trương Văn Thắng - Trưởng xóm Làng Lỷ, xã Nội Thôn cho biết: “Xóm tôi có 37 hộ, 198 nhân khẩu. Do làm tốt công tác tuyên truyền, xóm không có hôn nhân cận huyết thống. Bản thân tôi cũng tích cực vận động bà con, họ hàng không kết hôn sớm”.

Tính rộng hơn trên địa bàn huyện Hà Quảng, thời gian qua, 100% già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng đều được tham gia các buổi truyền thông về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống để từ đó người có uy tín trong cộng đồng vận động nhân dân.

Tại huyện Trùng Khánh, người có uy tín trong cộng đồng là nòng cốt của phong trào ngăn chặn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Xã Quang Vinh là một trong những điển hình của phong trào này. Xã đã thành lập các tổ tuyên truyền tại 100% các xóm. Thành viên của tổ tuyên truyền luôn có mặt những người có uy tín, am hiểu phong tục, tập quán của đồng bào DTTS, gần gũi, dễ tiếp cận các đối tượng có nguy cơ cao về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Qua đó, việc đưa chủ trương, chính sách pháp luật đến với bà con được thuận lợi hơn.

Vì thế, theo ông Hoàng Văn Phương - Trưởng xóm Minh Khai (xã Quang Vinh), từ năm 2019 đến nay, xóm không còn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống - Phát huy vai trò của người có uy tín

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO