Những năm qua, đội ngũ người có uy tín các địa phương đã phát huy tốt vai trò hạt nhân, nêu gương sáng, tích cực vận động đồng bào từ bỏ các hủ tục lạc hậu, thay đổi tư duy, xây dựng nếp sống văn minh, hiện đại.
Hiểu rõ để vận động tốt
Sinh ra và lớn lên ở bản Sen Thượng (xã Sen Thượng, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên), ông Lò Phạ Dèn chứng kiến không ít nỗi đau vì tục tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống của đồng bào mình. Cho nên, khi được bà con tín nhiệm, bầu là “người có uy tín” ông đã tích cực vận động giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Sen Thượng là bản có 100% đồng bào dân tộc Hà Nhì sinh sống. Trước đây, do đường sá xa xôi, đời sống người dân còn khó khăn, nhận thức còn hạn chế nên người dân vẫn còn cho con em lấy vợ, lấy chồng sớm để có người làm nương, làm rẫy…
Để giảm thiểu tình trạng tảo hôn trên địa bàn, những năm qua ông Lò Phạ Dèn đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân không cho con cái lấy chồng, lấy vợ sớm. Thấy những gia đình nào có con cái chuẩn bị lấy chồng, lấy vợ chưa đủ tuổi đăng ký kết hôn, ông đến từng nhà phân tích rõ những hệ lụy, hậu quả của việc tảo hôn.
Ông Dèn chia sẻ, mình phân tích cặn kẽ cho người dân hiểu, tảo hôn sẽ dẫn đến hệ lụy như cặp vợ chồng sinh con sẽ không biết cách chăm sóc, khiến trẻ bị suy dinh dưỡng. Thứ hai nữa là không làm được các thủ tục cho con theo học các lớp theo độ tuổi. Kinh tế gia đình lại khó khăn, điều kiện không đảm bảo để ổn định cuộc sống, rồi dẫn đến mâu thuẫn và xảy ra tranh cãi trong gia đình.
“Mình phải hiểu rõ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là gì, hệ lụy của nó ra sao thì mới vận động được. Hơn nữa, cần dứt khoát, kiên quyết để đồng bào hiểu đó là hành vi vi phạm pháp luật” - ông Dèn cho biết.
Ông Lỳ Phì Cà - Bí thư Đảng ủy xã Sen Thượng (huyện Mường Nhé) cho biết, là người có uy tín, ông Dèn đã phát huy vai trò của mình vận động người dân không tảo hôn, không kết hôn cận huyết. Nỗ lực của ông Dèn cùng nhiều người có uy tín ở các xã đã góp phần thực hiện hiệu quả Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS” trên địa bàn.
Tìm biện pháp vận động, tuyên truyền phù hợp
Còn thôn Gia Xiêng (xã Rờ Kơi huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) trước đây phong tục của đồng bào vẫn còn giữ các hủ tục lạc hậu như ma chay kéo dài, cúng bái khi đau ốm, đám cưới dài ngày, tảo hôn. Nhưng đó là chuyện trước, giờ đây, người dân ở Gia Xiêng đã nhận thức được tác hại của tảo hôn, con em trong thôn không còn lấy chồng, lấy vợ khi chưa đến tuổi. Đó là nhờ công lao của già làng A Thiu.
Ông A Thiu từng là giáo viên tiểu học. Suốt những năm tháng gắn bó với ngành giáo dục, ông nhận thấy chính những hủ tục, phong tục lạc hậu là một trong những nguyên nhân khiến bà con cứ nghèo mãi. Vậy nên, ông luôn lồng ghép trong những bài giảng cho học sinh về những hậu quả gây ra từ các hủ tục, phong tục lạc hậu như ma chay kéo dài, cúng bái khi đau ốm, đám cưới dài ngày, tảo hôn. Cùng với đó, ông còn tuyên truyền đến phụ huynh các em trong các buổi họp để dần thay đổi nhận thức của bà con.
Năm 2010, ông nghỉ hưu và được người dân tín nhiệm bầu làm già làng Gia Xiêng. Trong vai trò mới, ông vẫn không ngừng tiếp thu những kiến thức mới, cách làm mới để vận động tuyên truyền sao cho phù hợp. Với vai trò già làng, ông tiếp tục vận động người dân bỏ dần các hủ tục, phong tục không còn phù hợp để phát triển cuộc sống.
Để đẩy lùi nạn tảo hôn, già A Thiu cùng chính quyền địa phương phối hợp với cán bộ thôn sâu sát từng gia đình có con ở tuổi thiếu niên, theo dõi để nắm bắt tình hình, nếu phát hiện có vấn đề sẽ nhắc nhở, cùng gia đình can thiệp. Nếu vẫn tiếp tục, ông A Thiu sẽ bàn với thôn trưởng đưa ra hình thức xử phạt, răn đe để làm gương cho thanh thiếu niên trong thôn.
Ông A Thiu bảo, khi đi vận động người dân phải rất kiên trì, nếu nói một lần không nghe thì nói nhiều lần, gặp ở trường nói chưa hết thì đến tận nhà nói tiếp, cứ như thế mưa dầm thấm đất, dần dần bà con cũng bỏ bớt các hủ tục, phong tục không còn phù hợp.
Không chỉ vận động bà con xoá bỏ hủ tục, ông A Thiu còn dặn dò các phụ huynh phải kèm cặp các con, tạo điều kiện để con em được đến trường học tập đầy đủ, không được bắt ép các con nghỉ học sớm, sau này có cái chữ để có kiến thức làm ăn, phát triển sản xuất. Chính sự nhiệt tình, tâm huyết và trách nhiệm của già làng A Thiu , từ chỗ là điểm nóng xảy ra tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, đến nay thôn Gia Xiêng, xã Rờ Kơi đã dần xoá bỏ hủ tục, phong tục lạc hậu, người dân chăm chỉ làm ăn, phát triển kinh tế, cho con em đến trường học tập đều đặn.
Với vai trò của già làng, người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS góp phần rất quan trọng và là nhân tố chính để thực hiện công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho đồng bào. Từng bước xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống mới.