Giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống - Xóa bỏ hủ tục để xây dựng cuộc sống mới

Minh Anh 15/12/2022 07:22

Những năm trước đây, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vẫn tồn tại ở một số bản làng vùng núi cao. Nhưng với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được nâng cao, người dân đã xoá bỏ nhiều hủ tục lạc hậu…

Cán bộ y tế huyện Bắc Hà (Lào Cai) tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện kế hoạch hóa gia đình, không tảo hôn và không hôn nhân cận huyết.

Bản Khoai 1 là bản khó khăn và xa nhất của xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên (Lào Cai) với 100% là đồng bào dân tộc Mông. Trong đó, một số hộ từ huyện Si Ma Cai, huyện Bắc Hà di cư về. Cuộc sống của đồng bào nơi đây quanh năm gắn bó với núi rừng, nương rẫy.

Hơn chục năm về trước, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết vẫn diễn ra. Anh Giàng Seo Thề, người dân trong bản Khoai 1 cho biết: Khoảng 10 năm trước, chính anh trai của mình lấy con gái của dì ruột. Nhưng đó là chuyện trước đây, giờ bản Khoai 1 đã không còn tảo hôn và hôn nhân cận huyết nữa.

Anh Nguyên Vũ Văn Nguyên, cán bộ văn hóa xã Bảo Hà cho biết, bản Khoai 1 có những thay đổi từ năm 2005, được tuyên truyền bà con đã tự giác từ bỏ những hủ tục lạc hậu. Thông qua các buổi tuyên truyền vận động của chính quyền địa phương, nhận thức của bà con về vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết đã được nâng cao.

Còn đối với buôn H’Mông, xã Ea Kiết Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk trước đây tình trạng tảo hôn cũng thường xuyên xảy ra. Toàn buôn có hơn 240 hộ với 1.110 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào Mông di cư từ các tỉnh phía Bắc vào. Buôn H’Mông được thành lập năm 1996. Năm 2009, Nhà nước xây dựng khu tái định cư, đưa người dân ra gần trung tâm xã sinh sống. Cuộc sống người dân đang dần thay đổi từng ngày.

Học sinh huyện Cư M’gar (tỉnh Đắk Lắk) với Chương trình truyền thông “Nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết”.

Ông Hoàng Văn Páo - Trưởng buôn cho biết, trước đây, buôn còn nhiều phong tục, tập quán lạc hậu, trong đó, tình trạng tảo hôn diễn ra khá phổ biến. Nhiều trẻ em bỏ học giữa chừng, lập gia đình sớm, sinh đông con, đẩy người dân rơi vào vòng luẩn quẩn của đói nghèo. Trước đây, có những cặp vợ chồng tuổi đời còn rất trẻ, nhưng đã có 2-3 con, tay bồng, tay bế. Điển hình vợ chồng Lò Văn Hùng (sinh năm 1997) và Hoàng Thị Nhi (sinh năm 1998) năm 2012, khi Hùng tròn 16 tuổi, còn Nhi mới tuổi 15 tuổi đã về sống với nhau. Mới hơn 20 tuổi, nay vợ chồng Hùng đã có với nhau 2 mặt con, đứa lớn lên 8 tuổi. Lập gia đình, tách hộ, vợ chồng Hùng không có đất sản xuất, cả hai phải đi làm thuê để có thu nhập trang trải cuộc sống. Vì vậy mà gia đình trẻ cứ luẩn quẩn trong nghèo khó.

Ông Páo bảo, trước đây, có nhiều đôi yêu nhau, cưới nhau khi tuổi còn rất trẻ. Rồi người dân dần hiểu rõ và nhận thức được kết hôn sớm không chỉ vi phạm pháp luật, mà còn mang đến nhiều hệ lụy, nên tình trạng tảo hôn đã giảm đi rất nhiều.

Để ngăn chặn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết, chính quyền địa phương đã vào cuộc quyết liệt, cấp ủy và các ngành, đoàn thể bám sát đời sống dân cư, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và vận động người dân mà đến nay, tình trạng tảo hôn đã giảm nhiều. Theo số liệu thống kê, từ năm 2020 đến nay, buôn H’Mông chỉ còn 3 trường hợp tảo hôn.

Ông Nguyễn Đình Hiệp - Chủ tịch UBND xã Ea Kiết cho biết: Để đẩy lùi được hủ tục tảo hôn và hôn nhân cận huyết, Đảng bộ xã đã ban hành nghị quyết chuyên đề, tập trung thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, đặc biệt là Luật Hôn nhân và Gia đình đến từng hộ dân. Cán bộ chuyên trách xã cùng Ban tự quản buôn bám sát đời sống người dân để kịp thời tuyên truyền, vận động người dân cương quyết xóa bỏ các tập tục lạc hậu như hôn nhân cận huyết, tảo hôn, thách cưới...

“Chúng tôi đã cử cán bộ đến từng nhà phân tích để người dân hiểu về hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, giải thích để bà con hiểu kết hôn khi chưa đủ tuổi là vi phạm pháp luật. Còn đối với những thuần phong mỹ tục tốt đẹp thì khuyến khích đồng bào phát huy, gìn giữ để nhân lên nét đẹp văn hóa trong đời sống của cộng đồng” - ông Hiệp nói và cho biết hiện nay tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã được đẩy lùi, người dân đã chí thú làm ăn, đời sống từng bước được nâng cao, con em được học hành đầy đủ.

Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 9 thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, từ tháng 11 đến nay UBND huyện Bắc Hà (tỉnh Lào Cai) đã tăng cường tổ chức Hội tuyên truyền về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho 400 đại biểu là trưởng thôn, bản, người có uy tín, thanh niên, phụ nữ thôn và nhân dân ở các xã trên địa bàn huyện. 4 hội nghị đã được tổ chức tại các xã Cốc Lầu, Cốc Ly, Lùng Phình và Hoàng Thu Phố.

Còn tại thành phố Pleiku (tỉnh Gia Lai), UBND thành phố cũng vừa tổ chức Hội nghị tuyên tuyền pháp luật về hôn nhân, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, sức khỏe sinh sản năm 2022. Phấn đấu giảm bình quân 2%-3%/năm số cặp tảo hôn và duy trì không phát sinh kết hôn cận huyết thống. Từ đó, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và đẩy mạnh công cuộc giảm nghèo bền vững tại địa phương.

Minh Quân

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống - Xóa bỏ hủ tục để xây dựng cuộc sống mới