Giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu xuống còn 15 năm

Việt Thắng 17/08/2023 18:24

Ngày 17/8, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Tại phiên họp, trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Lao động thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, Nghị quyết số 28-NQ/TW có nêu: “Sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia BHXH thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH”.

Ông Dung lý giải thêm rằng: Theo nguyên lý BHXH và thông lệ quốc tế, người lao động để được hưởng lương hưu thì phải đáp ứng đồng thời hai điều kiện là đủ tuổi nghỉ hưu và đủ thời gian đóng BHXH tối thiểu. Riêng điều kiện về thời gian đóng BHXH tối thiểu, theo quy định của Luật BHXH hiện hành là phải đủ 20 năm đóng BHXH. Việc quy định thời gian đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu là phải đủ 20 năm như hiện hành đã gây khó khăn, giảm cơ hội được hưởng lương hưu của một số đối tượng do không đóng BHXH đủ 20 năm.

“Do vậy Điều 71 dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã sửa đổi theo hướng quy định người lao động khi đủ tuổi nghỉ hưu mà có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm trở lên thì được hưởng lương hưu hằng tháng. Quy định này nhằm tạo cơ hội cho một số nhóm đối tượng bắt đầu tham gia BHXH muộn (45-47 tuổi mới bắt đầu tham gia) hoặc tham gia không liên tục hoặc làm công việc đặc thù có thời gian làm nghề ngắn dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH cũng có cơ hội được hưởng lương hưu hằng tháng và được bảo đảm bảo hiểm y tế. Quy định này cũng góp phần giảm số người hưởng BHXH một lần do đủ điều kiện hưởng lương hưu”-ông Dung nói, và cho hay đối với người lao động có thời gian đóng BHXH dài hơn thì vẫn được hưởng lương hưu với tỷ lệ hưởng lương hưu cao hơn không thay đổi so với quy định hiện hành.

Thẩm tra dự án luật trên, liên quan đến vấn đề này, Uỷ ban Xã hội của Quốc hội nêu có 2 loại ý kiến. Cụ thể, loại ý kiến thứ nhất tán thành với đề xuất của Chính phủ việc giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm vì sẽ hấp dẫn người lao động hơn, tỷ lệ bao phủ đối tượng thụ hưởng BHXH sẽ tăng trong trung và dài hạn, cải thiện tính công bằng, đặc biệt với lao động có thu nhập thấp và không thường xuyên.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng, đề nghị giữ nguyên quy định 20 năm như hiện hành để đảm bảo tiền lương hưu được nhận không quá thấp và cũng tạo sự hấp dẫn cho chế độ hưu trí về mức hưởng, bảo đảm mức sàn an sinh xã hội nhất định. Việc giảm số năm đóng BHXH tối thiểu chỉ là 15 năm để được hưởng lương hưu là đi ngược so với xu hướng các lần sửa đổi Luật BHXH trước đây và có phần chưa phù hợp với mô hình BHXH hiện nay của Việt Nam, thực chất chỉ giảm số năm đóng BHXH đối với nam từ 20 năm xuống 15 năm và mức hưởng (mức hưởng 15 năm đối với nam chỉ còn 33,75%, trong khi đó nữ vẫn là 15 năm và mức hưởng là 45%). Thậm chí, việc điều chỉnh tỷ lệ về mức hưởng lương hưu đối với nam khi giảm thời gian đóng xuống 15 năm có phải là thay đổi về phương thức tính lương hưu hay không? Tính phù hợp với và bảo đảm công bằng, chia sẻ trong hệ thống BHXH? Bên cạnh đó, khi thông qua Bộ luật Lao động năm 2019, tuổi nghỉ hưu đã được tăng theo lộ trình để đạt nam 62 tuổi vào năm 2028 và nữ đạt 60 tuổi vào năm 2035, khi đó, Chính phủ giải trình và cho rằng để nhằm đạt mục tiêu bù đắp suy giảm lực lượng lao động do xu hướng già hóa dân số đang diễn ra rất nhanh ở Việt Nam, đồng thời góp phần tăng thời gian tham gia BHXH, giúp bảo đảm cân bằng Quỹ BHXH trong dài hạn. Ngoài ra, Điều 30 của dự thảo Luật đã bổ sung chế độ đối với người lao động không đủ điều kiện hưởng lương hưu mà chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.

Theo bà Nguyễn Thuý Anh, Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Xã hội cho rằng, quy định về việc giảm số năm tối thiểu đóng BHXH xuống còn 15 năm là phù hợp với quan điểm định hướng của Nghị quyết số 28 và cũng là ý kiến của một số cơ quan của Quốc hội khi tham gia thẩm tra dự án luật.

Bên cạnh đó, nhằm tạo điều kiện, thu hút nhóm người lao động cao tuổi (từ 45 tuổi đến 55 tuổi), thậm chí kể cả đối với một số nhóm đối tượng đã hưởng chế độ BHXH một lần có thể tham gia hoặc quay lại tham gia BHXH để được hưởng lương hưu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu xuống còn 15 năm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO