Nhiệm kỳ này, Chính phủ đã cắt giảm 68,2% danh mục dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành và 25% thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành. Tuy vậy, còn 1.500 danh mục dòng hàng vẫn đang chồng chéo, đòi hỏi các bộ, cơ quan tiếp tục cải cách, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, người dân – Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Doanh nghiệp vẫn kêu khó
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã cắt giảm 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh (62,8%) và 6.776/9.926 danh mục dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành (68,2%) và 30/120 thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành. Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khoảng hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng.
Tuy nhiên, những thủ tục hành chính trong kiểm tra chuyên ngành vẫn gây khó cho doanh nghiệp (DN). Phó Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Nguyễn Hoài Nam cho biết, nhiều DN phản ánh những vướng mắc trong quy định đăng ký sử dụng mã số, mã vạch (MSMV) nước ngoài trên bao bì các lô thủy sản xuất khẩu (XK).
“Để có được đầy đủ các giấy tờ, nhiều khi DN phải mất 20 - 30 ngày mới xuất được lô hàng. Trong thời gian này, DN vẫn phải trả lãi suất vay ngân hàng và chi phí kho bãi, trong khi có rất nhiều đơn hàng đòi hỏi cần hoàn tất trong thời gian chưa đến một tuần”, Phó Tổng Thư ký VASEP cho biết.
Đại diện Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) thì cho rằng, nên bớt gánh nặng cho DN. Như kiểm định an toàn lao động thang máy lại quy định kiểm định khi đang rời rạc là một sự phi lý, không phù hợp với thực tiễn cuộc sống.
Thừa nhận, dù đã nỗ lực cải cách nhưng thủ tục vẫn còn gây khó cho DN, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thông tin, vẫn còn 1.501 danh mục dòng hàng chồng chéo, được các bộ, cơ quan tiếp tục chỉ đạo cải cách. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng lưu ý thủ tục nhập khẩu hàng hóa vẫn là rào cản gia nhập thị trường; làm tăng chi phí, thời gian, tốn kém cho xã hội.
Giảm thủ tục, đẩy mạnh sang hậu kiểm
Để đẩy mạnh cắt giảm những thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì xây dựng Đề án cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu. Mục tiêu Đề án hướng tới là cắt giảm chi phí, thời gian và tạo thuận lợi cho DN.
Theo Đề án, cơ quan Hải quan là đầu mối kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu tại cửa khẩu, bao gồm: Tiếp nhận hồ sơ kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm; quyết định phương thức kiểm tra; thông báo kết quả kiểm tra; xây dựng cơ sở dữ liệu và hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin để bảo đảm việc điện tử hóa trình tự, thủ tục kiểm tra, công khai minh bạch thông tin, kết nối, chia sẻ thông tin với bộ, ngành.
Đề án cũng áp dụng đồng bộ 3 phương thức kiểm tra: Kiểm tra chặt, kiểm tra thông thường và kiểm tra giảm để cắt giảm đối tượng phải kiểm tra trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin. Thực hiện kiểm tra theo mặt hàng nhằm giảm tối đa lô hàng phải kiểm tra nhưng vẫn bảo đảm hiệu quả quản lý nhà nước.
Triển khai Đề án sẽ giúp tiết kiệm 399 triệu USD/năm, nhưng lợi ích của Đề án không chỉ nằm ở cắt giảm chi phí mà còn hơn thế nữa, Cục trưởng Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ Ngô Hải Phan nhận định.
Theo ông Ngô Hải Phan: Đề án đã đưa ra những định hướng cải cách theo hướng lấy DN làm trung tâm, giảm phiền hà, phức tạp, chuyển tiền kiểm sang hậu kiểm, tăng thời gian thông quan, giảm phiền hà, cắt giảm chi phí… những điều này sẽ tạo môi trường thông thoáng, nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN Việt.
Giảm nhiều thủ tục và chỉ để một cơ quan lãnh trách nhiệm kiểm tra hàng hóa tại cửa khẩu là lực lượng hải quan nhưng các bộ phải đẩy mạnh hậu kiểm, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói và nhấn mạnh rằng: Kiểm tra nhưng phải bảo đảm hiệu quả về công tác quản lý nhà nước, nếu chỉ “nặng” vì lý do hiệu quả công tác quản lý nhà nước mà thêm các thủ tục kiểm tra là không được.