Chỉ vì phụ huynh có ý kiến với Ban Giám hiệu về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, yêu cầu đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ, mà bếp của trường từ chối cung cấp bữa ăn bán trú cho con em họ. Dư luận cho rằng, không nên trút giận như vậy.
Những ngày qua, trên diễn đàn của các phụ huynh xôn xao việc 39 học sinh của Trường Tiểu học Newton Goldmark bị bếp ăn của trường này từ chối cung cấp bữa ăn bán trú từ ngày 1/11. Đơn vị ký hợp đồng cung cấp suất ăn với Trường Newton Goldmark là Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Hải Thành. Lý do bếp ăn của Trường Newton Goldmark đưa ra để “cắt suất” của trẻ là do các phụ huynh phát ngôn không đúng.
Sự việc xuất phát từ việc, phụ huynh lớp 2C1 có đơn kiến nghị với nhà trường về việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong bữa ăn của trẻ, bởi có tới hơn 10 cháu trong lớp bị đau bụng sau khi ăn. Trước đó, trong buổi làm việc giữa Ban Giám hiệu nhà trường và phụ huynh về vấn đề dinh dưỡng của trẻ, 39 phụ huynh đã ký tên vào biên bản làm việc. Sau sự việc trên, con em của 39 phụ huynh này lập tức bị bếp của trường “cắt cơm”.
Các phụ huynh hết sức bức xúc trước việc bếp ăn của Trường Newton Goldmark từ chối cung cấp bữa ăn bán trú cho con em họ. Nhiều người đặt vấn đề: Vì sao Công ty Hải Thành lại có thể có danh sách những phụ huynh “dám có ý kiến” để có thể “cắt suất” các cháu là con em số phụ huynh này? Về nguyên tắc, danh sách phụ huynh và nội dung buổi làm việc với nhà trường phải được bảo mật, không được phép tiết lộ ra ngoài.
Việc Công ty Hải Thành có thể “cắt cơm” chuẩn những cháu là con em của 39 phụ huynh có ý kiến, liệu có phải do Ban Giám hiệu Trường Newton Goldmark “phím” trước? Dù kiến nghị của các phụ huynh không phải là đơn tố cáo, nhưng việc Ban Giám hiệu Trường Newton Goldmark cố ý làm lộ danh sách người có ý kiến, nội dung buổi làm việc ra ngoài cũng là vi phạm quy định của pháp luật.
Thôi thì tạm bỏ qua chưa bàn đến hành vi làm lộ lọt thông tin của Ban Giám hiệu Trường Newton Goldmark, chỉ riêng việc vì không hài lòng với phụ huynh mà trút giận lên trẻ nhỏ là điều không thể chấp nhận được. Trẻ nhỏ nào có tội tình gì. Dù các phụ huynh có lỗi đi chăng nữa thì Trường Newton Goldmark cũng không được phép từ chối bữa ăn bán trú của con em họ, nếu gia đình các cháu vẫn có nhu cầu.
Đằng này ý kiến của các phụ huynh không phải là sự “gây rối”, mà họ đang bảo vệ quyền lợi của con em mình. Nếu bếp ăn của Trường Newton Goldmark thực sự đảm bảo dinh dưỡng, an toàn về vệ sinh thực phẩm, tại sao phải “xoắn” trước ý kiến của các phụ huynh? Người ta thường nói “cây ngay không sợ chết đứng”, nếu thực sự không có gì khuất tất vì sao Trường Newton Goldmark phải chột dạ?
Với những học sinh lớn còn có thể tạm chấp nhận được rằng, chúng sẽ tự xoay xỏa bằng cách về nhà ăn cơm. Vậy những đứa trẻ lớp 1, lớp 2 thì làm sao chúng có thể về nhà nếu không có phụ huynh đến đón, chúng sẽ ăn ở đâu, không lẽ nhà trường bắt chúng nhịn đói? Ngay cả với những đứa trẻ lớn, nếu các phụ huynh phải đi làm cả ngày, ai là người nấu để chúng có thể về nhà ăn khi bị nhà trường từ chối ăn bán trú?
Thày cô không chỉ là người truyền đạt kiến thức mà còn là bố mẹ thứ hai của con trẻ để dạy dỗ chúng những điều hay lẽ phải làm người. Làm sao có thể dạy những đứa trẻ thành người, trở thành công dân có ích, lương thiện nếu chính thày cô và nhà trường lại đang làm những điều chưa tốt? Việc giận phụ huynh vì họ dám có ý kiến về suất ăn rồi trút sự bực tức lên đầu trẻ bằng cách “cắt cơm” đã phải là việc làm tốt hay chưa?
Đáng buồn, thực trạng không ít thày cô giáo, một số nhà trường đang vì tiền, vì lợi nhuận, thậm chí chỉ vì cái danh hão mà có thái độ cư xử không đúng mực với phụ huynh và học sinh lại đang dần trở nên phổ biến. Vì thế mà họ không còn “uy” với đứa trẻ, không thể dạy dỗ chúng nên người, làm lệch lạc nhân cách của chúng khi lớn lên. Đó là lý do mà trẻ em hư, tội phạm vị thành niên ngày càng xuất hiện nhiều trong xã hội.
Trở lại trường hợp cụ thể của Trường Newton Goldmark từ chối cung cấp suất ăn bán trú cho con em 39 phụ huynh dám có ý kiến với nhà trường. Nếu các phụ huynh vẫn có nhu cầu cho trẻ ăn bán trú, Ban Giám hiệu nhà trường cần yêu cầu bếp ăn tiếp nhận, không được từ chối với bất cứ lý do gì. Đây không chỉ thuần túy là vấn đề đạo đức, mà còn là vấn đề quy định pháp lý của ngành giáo dục. Hãy cho xã hội thấy thày cô giáo là những tấm gương, nhà trường là nơi giáo dục con trẻ thành người. Đừng giận cá chém thớt!