Kinh tế

Giãn, hoãn nợ để hỗ trợ doanh nghiệp

T.Hằng 26/02/2024 12:34

Các ngân hàng thương mại đồng loạt kiến nghị Ngân hàng Nhà nước gia hạn thêm Thông tư 02/2023 về cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ thêm từ 6 tháng đến 1 năm, khi thông tư này hết hạn vào ngày 30/6/2024.

anh-bai-duoi-6.jpg
Nhiều ngân hàng đề xuất gia hạn thêm Thông tư 02 về cơ cấu nợ. Ảnh: Ngọc Thắng.

Thông tư 02 được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành tháng 4/2023, quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn. Theo NHNN, các nội dung liên quan đến cơ cấu lại thời hạn trả nợ, phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro không quy định tại Thông tư này thực hiện theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Các khoản nợ được cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là các khoản cho vay và cho thuê tài chính. NHNN trao quyền chủ động cho các ngân hàng trong việc xem xét, đánh giá khó khăn của khách hàng để quyết định việc cơ cấu lại khoản nợ vay của khách hàng.

Theo quy định tại Thông tư 02, các ngân hàng phải trích lập dự phòng tối thiểu 50% trong năm 2023 và 100% trong năm 2024.

Một trong những nội dung đáng chú ý trong Thông tư 02 là thời hạn thực hiện văn bản này. Theo đó, Thông tư quy định việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng được thực hiện kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực đến hết ngày 30/6/2024. Như vậy, việc giãn, hoãn nợ theo Thông tư 02 sẽ chấm dứt sau 30/6/2024.

Ông Hồ Nam Tiến - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LPBank) cho biết, đến nay LPBank cơ cấu được khoảng 2.500 tỷ đồng dư nợ theo Thông tư 02. Tuy nhiên, việc trả nợ đến khi Thông tư 02 đến hạn vào 30/6 tới cũng là khó khăn, do đó các ngân hàng mong muốn được NHNN gia hạn thêm.

Đó cũng là ý kiến của VietinBank, Techcombank, BIDV và nhiều ngân hàng khác.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, nên gia hạn Thông tư 02 từ 6 tháng đến 1 năm để người vay có thời gian trả nợ trong bối cảnh khó khăn, đồng thời có biện pháp để xử lý các hội nhóm "bùng nợ" công khai hiện nay.

Giới chuyên gia cũng phân tích, tổng trị giá bất động sản (BĐS) thế chấp tại các ngân hàng hiện chiếm khoảng 70% tổng tài sản đảm bảo cho các khoản vay, thậm chí tại một vài ngân hàng lên đến 80 - 90%. Do đó, BĐS thường là tài sản được các ngân hàng đem ra phát mãi nhiều nhất, nhưng việc xử lý nợ xấu đang gặp khó khăn vì thị trường BĐS chưa "rã băng".

Liên quan đến việc gia hạn Thông tư 02, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cũng nhận thấy cần thiết gia hạn thêm, nhưng gia hạn thêm 6 tháng hay 1 năm thì cần được xem xét kỹ.

“Tinh thần là sẽ giãn Thông tư này, nhưng phải xem xét xem những vấn đề nội hàm của Thông tư có phải thay đổi không hay chỉ thay đổi về mặt thời gian. Phải làm sao hài hòa giữa hỗ trợ nền kinh tế doanh nghiệp, nhưng cũng phải đảm bảo an toàn, đảm bảo chất lượng nợ của các ngân hàng thương mại không để nợ xấu phát sinh, dẫn đến hậu quả sau này” - ông Tú nói.

Lãnh đạo NHNN cũng nhấn mạnh, mặc dù tín dụng có chậm lại trong tháng đầu năm nay, các ngân hàng cũng không nên cho vay bằng mọi giá, nhưng cũng không thể thắt chặt tín dụng. Tín dụng cần được hướng vào lĩnh vực ưu tiên, đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp khó khăn, nhưng có điều kiện phục hồi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giãn, hoãn nợ để hỗ trợ doanh nghiệp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO