Kinh tế

Giãn, hoãn nợ để hỗ trợ doanh nghiệp

T.Hằng 20/05/2024 09:34

Trong bối cảnh hiện tại doanh nghiệp chưa hết khó khăn, việc kéo dài hỗ trợ cơ cấu nợ đến hết năm 2024 được đánh giá là cần thiết.

anh-bai-duoi.jpg
Doanh nghiệp mong muốn được kéo dài thời gian trả nợ. Nguồn: DT&PT.

Theo quy định hiện hành của Thông tư 02/2023 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ được thực hiện đến hết ngày 30/6/2024. Theo dự thảo Thông tư sửa đổi, thời hạn cơ cấu nợ được kéo dài thêm 6 tháng. Theo đó, tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài được xem xét quyết định cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ gốc và/hoặc lãi của khoản nợ phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi đến hết ngày 31/12/2024.

Phân tích của NHNN, mặc dù kinh tế vĩ mô 2 tháng đầu năm 2024 cơ bản ổn định, kinh tế tiếp tục xu hướng phục hồi nhưng vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, dự báo tiếp tục kéo dài trong năm 2024. Chủ trương của Quốc hội và Chính phủ là tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô trong năm 2024. Do vậy, việc kéo dài thời gian cơ cấu nợ theo Thông tư 02 sẽ góp phần hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn, góp phần hỗ trợ phục hồi phát triển nền kinh tế.

Đối với hệ thống TCTD, Thông tư 02 quy định TCTD phải xác định số tiền dự phòng cụ thể phải trích đối với toàn bộ dư nợ của khách hàng như trong trường hợp không áp dụng quy định giữ nguyên nhóm nợ và phải thực hiện trích lập bổ sung đầy đủ vào ngày 31/12/2024.

Vì vậy, đến ngày 31/12/2024, TCTD đã có đủ nguồn tài chính để xử lý rủi ro như trong trường hợp TCTD thực hiện phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro theo quy định hiện hành (Thông tư 11/2021 của NHNN).

Theo đó, trường hợp kéo dài thời gian cơ cấu nợ theo Thông tư đến hết ngày 31/12/2024 sẽ không ảnh hưởng đến cơ chế trích lập dự phòng rủi ro do kéo dài thời gian cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với hệ thống.

Ngoài ra, việc kéo dài thời gian cơ cấu nợ theo Thông tư 02 đến 31/12/2024 sẽ góp phần làm giảm mức độ gia tăng nợ xấu nội bảng của TCTD và tạo điều kiện cho TCTD thực hiện hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, góp phần hỗ trợ phục hồi nền kinh tế.

Trên cơ sở này, NHNN đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 4 của Thông tư số 02 ngày 23/4/ 2023 như sau: Phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày Thông tư này có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2024.

Sửa đổi khoản 8 Điều 4 như sau: "Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng theo quy định tại Thông tư này được thực hiện kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2024".

Như vậy, dự thảo Thông tư sửa đổi đề xuất kéo dài thêm 6 tháng thời gian cơ cấu thời hạn trả nợ cho khách hàng. Cụ thể, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được xem xét quyết định cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ gốc và/hoặc lãi của khoản nợ phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi đến hết ngày 31/12/2024.

Bình luận về đề xuất giãn hoãn nợ, chuyên gia kinh tế, GS.TS Hoàng Văn Cường (Đại học Kinh tế quốc dân) cho rằng, đây là đề xuất tốt nhưng còn phụ thuộc vào nhu cầu vay và tiếp cận vốn của doanh nghiệp (DN). Hiện nay có nhiều tác động lên tâm lý của cộng đồng DN, nhất là nhiều tập đoàn lớn bị phát hiện sai phạm. Do vậy bên cạnh việc kéo dài việc trả nợ cho DN thì quan trọng hơn phải bàn cách cải thiện niềm tin của DN, cải thiện niềm tin của thị trường, thúc đẩy khả năng tiếp cận vốn của DN.

Còn chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực phân tích, nhu cầu tiếp cận tín dụng của DN bao giờ cũng đến từ 2 phía. Hệ thống ngân hàng rất muốn cho vay, và mức lãi suất cho vay hiện nay tốt hơn rất nhiều so với thời điểm 1 năm với tính toán, lãi suất cho vay đã giảm bình quân khoảng 3%/năm.

Vẫn theo ông Lực, Thông tư 02 được kỳ vọng giúp hạn chế nợ xấu nội bảng gia tăng, đồng thời tăng khả năng tiếp cận tín dụng của DN. Tuy nhiên cũng cần cảnh báo rủi ro nợ xấu khi Thông tư 02 hết hiệu lực. Khi đó, sẽ phụ thuộc vào môi trường kinh doanh bên ngoài cũng như sự vận động, linh hoạt, thích ứng của mỗi DN. Nếu các DN không phục hồi, không trả được nợ thì nợ xấu sẽ tăng, ảnh hưởng đến cả DN và ngân hàng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giãn, hoãn nợ để hỗ trợ doanh nghiệp