Theo Luật sư Đặng Văn Cường (Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư Hà Nội), trong vụ án gian lận thi cử tại Hòa Bình, có đối tượng thừa nhận đã nhận 550.000.000 đồng để sửa điểm. Điều đó đồng nghĩa với việc có dấu hiệu của hành vi đưa hối lộ và nhận hối lộ. Bởi vậy cần làm rõ hành vi này để xử lý theo quy định pháp luật tất cả các đối tượng có liên quan.
Ảnh minh họa.
Làm rõ động cơ, mục đích nâng điểm
Nhìn nhận vụ việc sửa điểm thi ở Hòa Bình, Hà Giang, Lạng Sơn… Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng đã thi cử thì sẽ phát sinh gian lận, vì thế mới sinh ra giám thị. Nhưng trước nay chỉ là thí sinh gian lận thôi. Để xảy ra trường hợp người gian lận ở đây là người cầm cân nảy mực, quản lý kỳ thi là hết sức nguy hiểm.
Thứ hai, việc sửa điểm nâng điểm không chỉ xảy ra ở 1 trường, 1 địa phương mà xảy ra ở nhiều nơi như vậy thì chứng tỏ về công tác quản lý trong giáo dục đang có vấn đề.
Thứ ba, dưới góc độ công lý xử lý thế nào? Pháp luật quy định các tội danh, tội phạm. Có các nhóm tội về tham khũng, thứ hai về xâm phạm quyền sử hữu, nhóm tội xâm phạm quản lý kinh tế, trật tự công cộng… Các hành vi vi phạm của những người có quyền hạn thường sẽ vào nhóm tội liên quan đến chức vụ, chẳng hạn hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ…
Hiện nay cơ quan điều tra mới chỉ khởi tố các đối tượng nâng điểm thi tại Hòa Bình, Sơn La về một tội danh là lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo quy định tại điều 356 Bộ luật hình sự năm 2015 mà chưa làm rõ được động cơ, mục đích nâng điểm và những quyền lợi mà những đối tượng này có được khi thực hiện hành vi nâng điểm cho một loạt thí sinh ở nhiều địa phương như vậy.
“Nếu các đối tượng trên nâng điểm vì thành tích của trường, của địa phương mà không vì lợi ích cá nhân thì phải có chỉ đạo của lãnh đạo nhà trường, lãnh đạo địa phương và ngành Giáo dục... Cách thức nâng điểm và kết quả nâng điểm cũng sẽ khác với những trường hợp ở các tỉnh này và nếu như vậy thì phải xử lý tất cả những người có liên quan. Còn nếu nâng điểm cho một số em để có điểm số cao ngất ngưởng như vậy thì cũng cần làm rõ những thí sinh đó là con em của các gia đình nào? Có phải là con em nông dân, công nhân, đồng bào dân tộc thiểu số? Hay chỉ là các con em của các gia đình có điều kiện kinh tế khá giả, con nhà quan chức? Việc nâng điểm như vậy có vì lợi ích vật chất hay không thì mới giải quyết triệt để được vấn đề này, đảm bảo công bằng, bình đẳng và giải quyết những bức xúc, bất bình trong xã hội” – Luật sư Đặng Văn Cường nêu quan điểm.
Truy trách nhiệm phụ huynh
TS Lê Thống Nhất, người sáng lập hệ thống Bigschool cho rằng việc các cán bộ có trọng trách “dính” vào gian lận bị phát giác ở Hòa Bình là đương nhiên. Những người không giữ trọng trách thì điều kiện gian lận là rất khó nên dễ hiểu khi những ai định gian lận thì đều tìm đến người giữ trọng trách. Tuy nhiên, đến nay mới bắt giữ một số đối tượng để điều tra, làm rõ hành vi gian lận.
Trong khi đó, dư luận đặt câu hỏi là với sai phạm ở Hòa Bình, có bao nhiêu thí sinh được nâng điểm từ năm 2017 hay chỉ một thí sinh như đối tượng đã thừa nhận? Hoặc có hay không chỉ có 3 đối tượng liên quan? Trách nhiệm của người đứng đầu ở đâu…? TS Lê Thống Nhất cho rằng để xảy ra sai phạm, vấn đề trách nhiệm không chỉ nằm ở giám đốc Sở GDĐT. Bởi Chủ tịch hội đồng thi địa phương là Phó chủ tịch tỉnh, đủ thẩm quyền để lãnh đạo các ngành nội chính tham gia vào kỳ thi, kể cả vấn đề bảo mật. Vì vậy, liên đới trách nhiệm thì không chỉ là Giám đốc Sở GDĐT.
“Đến thời điểm này tôi chưa thấy vị lãnh đạo nào nhận trách nhiệm. Tôi rất mong vị Phó chủ tịch phụ trách văn xã cũng cần có trách nhiệm kiểm điểm trong vụ việc này” – TS Lê Thống Nhất nói.
Đồng quan điểm này, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GDĐT) cho rằng, trong vụ việc này cần quy trách nhiệm đối với Ban Chỉ đạo thi THPT Quốc gia. “Bộ trưởng Bộ GDĐT đã nhận thiếu sót nhưng người giúp việc cho bộ trưởng không chu đáo thì cũng nên kiểm điểm trách nhiệm để khỏi có sự việc tương tự xảy ra” – TS Vinh nói.
TS Vinh cũng nhấn mạnh, ngoài trách nhiệm của những người liên quan, cần phải làm rõ trách nhiệm của cả những người đã nhờ vả, chạy chọt, những phụ huynh đã dùng đồng tiền để tạo ra lợi thế cho con em mình. Cần thiết phải công khai danh sách thí sinh, gia đình và cán bộ có liên quan đến gian lận thi cử.
Cũng theo TS Vinh, việc công bố danh tính không phải coi là sự bôi nhọ đối với người được nâng điểm mà là sự răn đe cho hàng ngàn người khác có toan tính gian lận, để nền giáo dục sạch hơn và lấy lại lòng tin giáo dục.
Dưới góc độ phụ huynh, TS Lê Thống Nhất cho rằng một phần nào đó chúng ta có thể hiểu, cảm thông được với phụ huynh vì con mình mà sinh ra tiêu cực. Nhưng đứng về mặt pháp luật, mọi sự vi phạm đều phải bị xử lý. Nếu coi đây là một vụ án thì tất cả các nhân vật liên quan đều phải đưa ra xét xử. Những phụ huynh dùng tiền để chạy điểm cho con em mình kiểu này, phá rối sự công bằng trong xã hội thì tôi đề nghị công an cảnh sát điều tra vẫn cần xét đến các phụ huynh này. Nếu xử án thì phải công khai, minh bạch nhằm xử đúng người, đúng tội và có tác dụng làm gương với xã hội.
Luật sư Đặng Văn Cường cho biết, đối với việc đối tượng đã được nhận hơn 500 triệu đồng để nâng điểm, trường hợp này có căn cứ để khởi tố về tội nhận hối lộ theo quy định tại Điều 354 bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017.
Khi đó, những phụ huynh, người thân của các học sinh này là những người đưa tiền, lợi ích vật chất để các đối tượng đó sửa điểm cũng phải bị xử lý về tội đưa hối lộ theo quy định tại điều 364 Bộ luật hình sự năm 2015. Tùy vào mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cụ thể, cần xem xét xem có hành vi đưa hối lộ hay không? Chẳng hạn sửa điểm để nâng chức vụ, thay đổi vị trí công tác, hoặc để cầu lợi… từ một ai đó thì cũng là tội nhận hối lộ, không chỉ là vật chất nhìn thấy được. Muốn vậy, phải công khai xác định những học sinh được nâng điểm là ai? Con em nhà nào? Thế mới có cơ sở để nhận xét, phán đoán nâng điểm vì thành tích chung hay vì lợi ích cá nhân. Làm rõ động cơ mục đích, từ đó để xác định cho đúng tội danh,
Minh bạch để hạn chế vi phạm
Luật sư Đặng Văn Cường cũng cho rằng những thí sinh không đủ năng lực, trình độ, phẩm chất để theo học trường đại học, nhất là những trường thuộc lực lượng vũ trang như công an, quân đội là rất nguy hiểm. Do yếu kém như vậy nên trong quá trình học có thể sẽ tiếp tục có những tiêu cực trong việc chạy chọt điểm… Đến khi ra trường cũng sẽ rất dễ thực hiện các hành vi tiêu cực một cách có hệ thống khi thực hiện nhiệm vụ - một sản phẩm hình thành từ một chuỗi những sai phạm. Trong khi đó những lực lượng vũ trang đòi hỏi phải có đủ tài, đức và bản lĩnh chính trị để gìn giữ hòa bình, ổn định trật tự xã hội.
TS Lê Thống Nhất thì cho rằng việc sửa điểm thi THPT quốc gia ở ba địa phương đã được phát hiện không chỉ tạo ra sự lộn xộn trong thi cử, làm suy giảm niềm tin của phụ huynh, học sinh và xã hội đối với một kỳ thi quan trọng, và để lại hậu quả nặng nề, kéo theo hàng loạt các hệ quả tiêu cực khác. Đó là 64 em gian lận, nghĩa là có 64 em bị trượt oan. Các em hết cơ hội vào đại học hoặc phải học những trường không đúng nguyện vọng. Bên cạnh việc hủy kết quả của 64 em vi phạm thì chúng ta phải xem lại, các trường ĐH cũng phải xem lại, thậm chí có em trượt oan từ 2017 thì cũng phải trả lại quyền lợi cho các em. Đấy là việc Bộ GDĐT cần chỉ đạo các trường làm nghiêm việc này. Tuy nhiên, để bù đắp lại những tổn hại về mặt tinh thần mà các em phải chịu là rất khó…
Nhìn nhận mức độ vụ việc là hết sức nghiêm trọng, TS Hoàng Ngọc Vinh cho rằng đối với những hành vi gian lận trong thi cử không diệt tận gốc sẽ tạo ra một vòng luẩn quẩn. “Mọi việc không còn gì phải dấu diếm vì đây là vụ án tham nhũng điển hình trong thi cử. Thượng tôn pháp luật đòi hỏi xử lý nghiêm và việc xử lý, nêu danh tính sẽ không có vùng cấm và có tác dụng răn đe những bậc cha mẹ nào “cậy” nhiều tiền, ỷ thế vào quyền chức sẽ phải sợ”, TS Vinh nhấn mạnh.