Những năm qua, vi phạm bản quyền sách trên không gian mạng trở thành vấn nạn nhức nhối. Ở đó, với sách điện tử dù mới định hình và trên đà phát triển nhưng đã xuất hiện nhiều vi phạm, gây ảnh hưởng tiêu cực.
Vui buồn lẫn lộn
Sau hơn 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, không thể phủ nhận ngành xuất bản đối diện với những thách thức to lớn. Song “cái khó ló cái khôn”, toàn ngành vẫn nỗ lực và đạt được những thành quả đáng khích lệ. Trong năm 2022, tổng doanh thu ngành xuất bản đạt gần 4.000 tỷ đồng (tăng 33,3%), nộp ngân sách 414,842 tỷ đồng (tăng 59,1%), lợi nhuận (sau thuế) đạt 429,483 tỷ đồng (tăng 11,8%). Đặc biệt, báo cáo tổng kết năm 2022 của Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho thấy những chỉ số đáng mừng khi lần đầu tiên, ngành xuất bản cán mốc 6 bản/người/năm.
Song, bên cạnh những thành quả trên, người làm xuất bản vẫn đau đáu với vấn nạn mang tên xuất bản phẩm lậu, xuất bản phẩm giả chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Thay vì xuất hiện trên các sạp sách báo, một số địa điểm bán sách giả, sách lậu trên vỉa hè thì nay sách lậu, sách giả đã len lỏi cả vào các sàn thương mại điện tử có uy tín, nhiều sách được rao bán trên TikTok, Facebook…
Giám đốc Công ty cổ phần sách điện tử Waka Đinh Quang Hoàng cho biết, một nhà phân phối tư nhân nhỏ lẻ có thể đăng ký mua một vài đầu sách từ các đơn vị Nhà xuất bản (NXB) chính thống để mở gian hàng, vượt qua vòng “thẩm định” đơn giản của sàn, rồi sau đó mặc sức đăng bán các tựa sách, đến khi có khách hàng liên hệ mua/đặt hàng thì không ai giám sát quá trình đóng gói hàng của đơn vị phân phối này nữa. NXB không giám sát được, khách hàng không dám chắc, sàn thương mại điện tử lại càng không… Và một con đường cho xuất bản phẩm lậu đến tay người tiêu dùng đã trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.
Cũng theo ông Hoàng, hiện rất nhiều website chuyên tìm cách tải, số hóa, thậm chí “đóng vai” người dùng sách điện tử của các đơn vị phân phối chính quy, từ đó trộm đi những bản điện tử và ngang nhiên đóng gói thành sản phẩm đem bán trên website riêng của họ. “Tâm lý ham rẻ và sẵn sàng mua sách giả, xuất bản phẩm giả với chất lượng thấp hơn sẽ dần tạo thói quen coi thường chất xám và công sức của các tác giả, NXB. Người đọc sách giả, sách lậu về lâu dài sẽ dễ dàng chấp nhận sự kém chất lượng, kể cả những lỗi sai về hình thức tới nội dung - do tâm lý “tiền nào của nấy”, từ đó vô hình chung sẽ tự hạ thấp thẩm mỹ, nhu cầu thưởng thức của bản thân”, ông Hoàng bày tỏ.
Nâng cao ý thức từ độc giả
Có thể nói, với sách điện tử, việc làm giả, làm lậu diễn ra với tốc độ quá nhanh. Nhiều đơn vị phản ánh, sáng sách vừa bán ra, chiều sách giả đã được sao chụp tràn lan trên không gian mạng. Chất lượng sao chép ở mức thấp, nguy cơ sai lệch nội dung rất lớn. Một số cuốn sách giả, sách lậu không được biên tập, thẩm định nội dung, thậm chí có nội dung vi phạm các quy định của pháp luật.
Theo bà Nguyễn Kim Thoa - CEO của Tân Việt Books, người làm sách chân chính hiện nay đang điêu đứng vì nạn sách lậu tràn lan trên thị trường, các fanpage sách lậu mọc lên như nấm. Dù có cố gắng, nhưng chúng ta vẫn chưa có biện pháp thích đáng để ngăn chặn. Một số đơn vị khi phát hiện đã gửi đơn trình báo đến các cơ quan chức năng vẫn chưa giải quyết được triệt để; các trang đăng tải sách lậu vẫn ngang nhiên hoạt động, thậm chí còn đăng bài và chạy quảng cáo bằng chính những nội dung và ấn phẩm truyền thông của đơn vị xuất bản đó. “Mới đây, chúng tôi đã phát hiện và liên hệ với một số trang bán sách lậu như: “Sách hay cho con”, “Mọt sách Book”, “Kho sách”, “Kingbook”… để thử đặt mua sách với số lượng lớn. Kết quả cho thấy số lượng đầu sách lậu lên đến hơn 40 cuốn, trong đó bộ “Kể chuyện cuộc đời các thiên tài” và bộ truyện tranh “Giáo dục giới tính” của Tân Việt Books đều đang bị in lậu trái phép với mức giá bán rẻ hơn rất nhiều so với giá bìa niêm yết”, bà Thoa cũng dẫn chứng.
Có thể nói, thời gian qua, dù đã có nhiều giải pháp từ phía cơ quan chức năng, NXB, đơn vị kinh doanh, người làm sách, Hội Xuất bản… nhưng dường như chưa đủ để ngăn chặn nạn sách giả, sách lậu. Có một thực tế quan trọng đó là sự phối hợp, chung tay của người tiêu dùng. Bởi người tiêu dùng là người lựa chọn, quyết định cuối cùng bỏ tiền ra mua xuất bản phẩm, cho nên họ đóng vai trò then chốt trong việc có tiêu thụ “sản phẩm lỗi, độc hại” hay không.
Nếu người tiêu dùng trở nên cẩn trọng, thông thái hơn thì sách giả, sách lậu ngày càng không có chỗ đứng, sẽ dần bị triệt tiêu với sự phối hợp xử lý chặt chẽ của các cơ quan chức năng liên ngành, của đơn vị xuất bản và kinh doanh xuất bản phẩm. Tuy nhiên, thái độ ứng xử của người tiêu dùng phải được dần hình thành qua quá trình nhận thức lâu dài, chính vì thế việc truyền thông về tác hại của sách giả, sách lậu cần được truyền bá một cách bài bản từ nhà trường, trong gia đình, cộng đồng và vai trò định hướng quan trọng của truyền thông. Nhà trường, gia đình và cộng đồng giúp độc giả hình thành thái độ quyết liệt nói không với sách giả, sách lậu, phải có tinh thần phê phán trước những hành vi vi phạm pháp luật.
Độc giả, người tiêu dùng có thể xem truyền thông là kênh tiếp nhận các thông tin phản ánh vi phạm pháp luật, phát hiện hành vi làm giả, bán xuất bản phẩm giả. Truyền thông và nhà xuất bản góp phần tạo nên mạng lưới thông tin chính xác, đáng tin cậy của độc giả, giúp nâng cao sức đề kháng cho độc giả trong quá trình tìm hiểu, nghiên cứu và mua xuất bản phẩm có giá trị đích thực.