Gian nan cuộc chiến chống ‘giặc đói’

Phan Quang Vũ 01/08/2021 14:23

Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) cảnh báo, hàng trăm triệu người tại ít nhất 20 quốc gia sẽ đối diện với nạn đói.

FAO kêu gọi hành động khẩn cấp để ngăn chặn tình trạng này đang gia tăng do các yếu tố như xung đột, khí hậu khắc nghiệt và nhất là từ đại dịch toàn cầu Covid-19. Chúng ta đừng quên rằng, bên cạnh “giặc dịch” còn có “giặc đói”.

Vào tháng 3 năm nay, FAO đưa ra cảnh báo: Hơn 34 triệu người trên toàn thế giới đang đối mặt nạn đói. Yemen, Nam Sudan và miền Bắc Nigeria đứng đầu danh sách các quốc gia có nguy cơ xảy ra nạn đói và đang phải đối mặt với mức độ nghiêm trọng của vấn nạn này.

Tổng Giám đốc FAO, ông Qu Dongyu, kêu gọi thế giới hãy hành động ngay và nhanh chóng để cứu nhiều mạng sống, bảo vệ sinh kế, ngăn chặn tình huống xấu nhất. Cần biết rằng bên cạnh cuộc chiến chống Covid-19 thì còn đó cuộc chiến chống “giặc đói”. Chúng ta phải chạy đua với thời gian và không để lỡ cơ hội gia tăng sản lượng lương thực, chỉ có như vậy mới cùng lúc vượt qua được “giặc dịch” và “giặc đói”.

Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, thêm một năm rưỡi, tình hình đã rất khác khi mà “giặc dịch” hoành hành và “giặc đói” cũng tác oai tác quái dữ dội hơn ở nhiều quốc gia.

Cảnh báo nguy cơ thế giới bị “chệch hướng”

Trên phạm vi toàn cầu, nền kinh tế châu Phi đang trải qua giai đoạn khó khăn bởi chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, xung đột, biến đổi khí hậu. Cảnh báo châu Phi phải đối mặt khoản thâm hụt lên tới gần 300 tỷ USD vào cuối năm 2023, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã xem xét một đề xuất kêu gọi thành lập quỹ hỗ trợ thanh khoản trị giá 30 tỷ USD nhằm giúp các nền kinh tế châu Phi phục hồi sau đại dịch.

IMF cũng đang xem xét đề xuất thiết lập một quỹ khác trị giá 100 tỷ USD nhằm giúp giảm nghèo và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở các nước châu Phi.

Các đối tác phát triển và ngân hàng ở châu Phi cũng đã cam kết tài trợ 17 tỷ USD để giải quyết nạn đói ngày càng tăng và cải thiện an ninh lương thực ở châu vlục. Ngân hàng Phát triển châu Phi cho biết sẽ tài trợ 10,4 tỷ USD trong 5 năm để tăng cường chuỗi giá trị nông nghiệp và sản xuất lương thực ở châu Phi, trong đó, 1,6 tỷ USD sẽ được dùng để hỗ trợ 10 sản phẩm nông nghiệp chiến lược.

Vào thời điểm giữa năm 2020, khi đại dịch Covid-19 chưa thực căng thẳng, nhiều tổ chức quốc tế đã đưa ra cảnh báo đại dịch Covid-19 sẽ tàn phá các nền kinh tế, khiến cho cuộc chiến chống đói nghèo trên thế giới bị thụt lùi một thập niên. Thậm chí ở một số khu vực trên thế giới như châu Phi, Mỹ Latinh và Trung Đông, sự phát triển có thể bị tụt hậu 30 năm.

Báo cáo từ Cơ quan Các vấn đề kinh tế xã hội (UNDESA) của Liên hợp quốc cũng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ thế giới bị “chệch hướng” trong những nỗ lực suốt 15 năm qua nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân; đánh dấu lần đầu tình trạng nghèo đói trên toàn cầu gia tăng kể từ năm 1998.

Còn theo Tổ chức Oxfam (Liên minh quốc tế gồm 20 tổ chức cùng phối hợp hoạt động tại nhiều quốc gia trên thế giới với những nỗ lực trong xóa đói giảm nghèo và đấu tranh cho bình đẳng) thì ước tính đại dịch Covid-19 sẽ khiến nửa tỷ người (khoảng 8% dân số thế giới) lâm vào cảnh nghèo đói. Còn theo Chương trình lương thực thế giới (WFP), số người phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực có thể tăng gần gấp đôi do suy thoái kinh tế vì đại dịch Covid-19.

Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), đại dịch Covid-19 đã thực sự trở thành cuộc khủng hoảng lớn tác động mạnh mẽ đến người lao động có thu nhập thấp và người nghèo lại càng chìm sâu vào nghèo khổ. Như vậy, mục tiêu xoá đói và suy dinh dưỡng trên thế giới đến năm 2030 của Liên hợp quốc khó có thể đạt được do đại dịch Covid-19 và sự lây lan của biến thể mới đã làm trầm trọng hóa thực trạng hiện nay.

Cuộc chiến “2 trong 1”

Thực tế cho thấy, đại dịch Covid-19 đã đẩy nhiều quốc gia lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế và xã hội sâu sắc. Thời gian qua, biến chủng Delta hoành hành với mức độ lây lan khủng khiếp đã khiến nhiều quốc gia đã nghèo lại nghèo hơn do phải vật vã chống lại đại dịch. Người ta cho rằng, đó là cuộc chiến “2 trong 1”, đại dịch và đói nghèo, mà trước hết trong đó suy cho cùng là cuộc chiến sống còn của người nghèo.

Khi mà đại dịch tung hoành, hệ thống y tế suy sụp thì đối tượng “chịu khổ” đầu tiên và sau cùng chính là người nghèo. Họ có thể là những người kiếm ăn từng bữa trong lòng các đô thị; hoặc là một bộ phận người nông dân không có tích lũy, trong khi sản phẩm không tiêu thụ được do nền kinh tế suy thoái, sức mua giảm và các biện pháp phong tỏa bắt buộc để chống dịch đã khiến nông sản khó tìm được đường vào thành phố.

Nanan M’Buki, một người dân Kenya cho biết, trước kia anh đã bỏ nông thôn vào thành phố làm thuê kiếm sống, với hy vọng đổi đời. Nhưng rồi dịch bệnh càn quét, không thể trụ lại thành phố, M’Buki tìm đường về quê.

“Nhưng quê tôi cũng nhiều người đói như tôi, nên bây giờ tôi không biết mình đi đâu về đâu. Nếu đại dịch không chấm dứt thì cái nghèo cũng sẽ không chấm dứt. Chúng tôi cùng một lúc phải chiến đấu chống lại bệnh tật và chống lại cái đói. Chúng là hai loại giặc sinh đôi” - M’Buki nói.

Quyền tiếp cận lương thực an toàn

Trong 3 ngày, từ 26-28/7, với trên 50 phiên họp trực tuyến, các đại biểu nhiều quốc gia đã chia sẻ kinh nghiệm, đưa ra các kiến nghị, cam kết và đặc biệt là khởi động các giải pháp và hành động mạnh mẽ nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi và xây dựng một Hệ thống lương thực thực phẩm bền vững, đảm bảo an ninh lương thực và dinh dưỡng, góp phần thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs).

Hội nghị trù bị có mục tiêu củng cố những tiến bộ đã đạt được sau gần một năm tham vấn rộng rãi trên toàn cầu dưới nhiều hình thức để chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 9/2021 bên lề khóa họp Đại hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 76 tại New York, Mỹ.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh, thế giới đang đứng trước thách thức bị “chệch hướng” và chậm trễ trong việc đạt các mục tiêu phát triển bền vững đến 2030. Nghèo đói, bất bình đẳng trong thu nhập và giá lương thực tăng cao, môi trường bị phá hoại tiếp tục đe dọa quyền tiếp cận lương thực an toàn của khoảng 3 tỷ người dân.

Biến đổi khí hậu, xung đột, và đại dịch Covid-19 càng làm trầm trọng thêm thách thức khi số người bị nạn đói đe dọa đã tăng từ 160 triệu trong năm 2019 lên đến hơn 800 triệu năm 2020.

Với tư cách chủ nhà của Hội nghị trù bị này, Thủ tướng Italy Mario Draghi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết vấn đề an ninh lương thực. Theo đó, cần tích cực thúc đẩy chuyển đổi nền nông nghiệp, chuỗi giá trị bền vững và lối sống lành mạnh hơn trong nỗ lực toàn cầu về bảo vệ môi trường.

Trong khi đó, Tổng Giám đốc FAO cho biết, FAO đã và đang hỗ trợ công tác chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh và cam kết sẽ đi đầu trong việc điều phối các hành động tiếp theo.

FAO sẽ hỗ trợ Chương trình nghị sự 2030 qua việc chuyển đổi các hệ thống nông sản thực phẩm hiệu quả, toàn diện, linh hoạt và bền vững, hướng tới mục tiêu “4 tốt hơn” (sản xuất tốt hơn, dinh dưỡng tốt hơn, môi trường tốt hơn, cuộc sống tốt hơn), không bỏ lại ai phía sau và mục tiêu lớn là “Zero Hunger”- Không nghèo.

Trong khi hàng trăm triệu người dân trên toàn thế giới đang phải chật vật lo từng bữa ăn, thì lại có những quốc gia “giàu sụ”. Theo một tính toán của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), 10 quốc gia có GDP bình quân đầu người cao nhất thế giới năm 2021 sẽ là Luxembourg 125.923 USD; Ireland 90.478 USD; Thụy Sĩ 90.358 USD; Na Uy 76.408 USD; Mỹ 66.144 USD; Đan Mạch 66.144 USD; Singapore 62.113 USD; Iceland 58.371 USD; Hà Lan 58.029 USD; Thụy Điển 57.660 USD.

Như vậy, theo thống kê này thì Luxembourg giàu hơn 471 lần so với quốc gia nghèo nhất là Burundi. Burundi với 80% dân số làm nông nghiệp; 1 trong 3 người Burundi đang cần hỗ trợ khẩn cấp; các hộ gia đình trung bình chi tới 2/3 thu nhập cho thực phẩm.

Còn 10 quốc gia được dự báo có GDP bình quân đầu người thấp nhất thế giới năm 2021 là: Burundi 267 USD; Nam Sudan 323 USD; Malawi 397 USD; Mozambique 431 USD; Sierra Leone 471 USD; Congo 478 USD; Afghanistan 506 USD; Zimbabwe 516 USD; Cộng hòa Trung Phi 522 USD; Madagascar 544 USD.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gian nan cuộc chiến chống ‘giặc đói’

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO