Nhiều giáo viên tại tỉnh Quảng Trị đang từng ngày vượt qua những khó khăn, nguy hiểm để bám bản, bám trường và mang “con chữ” đến cho học trò vùng cao.
Cô Nguyễn Thị Kiều Oanh - giáo viên điểm trường Trỉa thuộc trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học và Trung học cơ sở Hướng Sơn (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) cho biết, vào mỗi sáng thứ 2, cô thường dậy sớm chuẩn bị đồ đạc, lên đường đến trường để bắt đầu một tuần làm việc mới. Sau đó, cô sẽ cùng đồng nghiệp ở lại tại trường cho đến cuối tuần mới về thăm nhà.
“Tôi được phân công giảng dạy tại điểm trường Trỉa từ năm 2019 và phải ở lại trường hầu hết các ngày trong tuần. Mấy năm nay, tôi phải gửi 2 đứa con của mình nhờ mẹ chăm sóc, đưa đi học” - cô Oanh tâm sự.
Bên cạnh việc phải xa gia đình hầu hết thời gian trong tuần, cô Oanh cho biết thêm, con đường đến trường của cô và các đồng nghiệp của mình cũng vô cùng ghập ghềnh, khó khăn.
Thầy Hồ Xuân Sinh - một đồng nghiệp của cô Oanh cho hay, hôm thứ 6 vừa qua (ngày 13/10) do gặp nước suối lên cao và chảy mạnh nên phải mất 7 - 8 giờ đồng hồ các thầy cô đang giảng dạy tại 2 điểm trường Cát, Trỉa (cùng thuộc trường PTDTBT Hướng Sơn) mới về đến nhà. Trong quá trình công tác, đã nhiều lần thầy cô gặp tình huống như vậy. Đặc biệt, có khi ngầm tràn bị ngập sâu, nước chảy xiết, các thầy cô phải vào nhà người dân xin tá túc rồi đợi khi nước rút mới tiếp tục lên đường.
Với kinh nghiệm gần 20 năm công tác tại trường thuộc huyện miền núi, thầy Sinh giải thích, tại đây nước lũ lên nhanh và xuống cũng rất nhanh nên dù có theo dõi thời tiết chặt chẽ thì vẫn có khi sẽ gặp những tình huống như trên.
Thầy Nguyễn Đình Sâm - Hiệu trưởng trường PTDTBT Hướng Sơn thấu hiểu những khó khăn, vất vả mà các giáo viên như thầy Sinh, cô Oanh… đang phải trải qua. Vì vậy, vào các dịp đầu/cuối tuần hay trước và sau những ngày lễ (khi thầy cô hay di chuyển từ trường về nhà và ngược lại) nhà trường thường theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết để hỗ trợ cho giáo viên, đảm bảo an toàn trong quá trình di chuyển.
Dẫu vậy, với sự bất thường của thời tiết ở miền núi nhất là trong mùa mưa lũ, vẫn có thời điểm giáo viên không thể đến trường đúng như kế hoạch đã đề ra. Trong những tình huống này, sau khi tiếp nhận thông tin, nhà trường sẽ đề nghị giáo viên tìm nơi tránh trú, đảm bảo an toàn, mặt khác hỗ trợ giáo viên xây dựng kế hoạch dạy bù cho học sinh để kịp với chương trình.
Bà Nguyễn Thị Thanh Nga - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hướng Hóa cho biết, cơ sở hạ tầng của nhiều điểm trường trên địa bàn còn hạn chế hoặc đã xuống cấp, đường sá ở nhiều nơi còn gian nan, nhất là vào mùa mưa lũ. Thời gian qua, ngành giáo dục huyện đã nhận được sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo địa phương, của các cấp, các ngành chức năng, các tổ chức thiện nguyện, các nhà hảo tâm… Điển hình, sáng 29/9, tại thôn A Ho (xã Thanh), UBND huyện Hướng Hóa phối hợp Tổ chức Cây Hòa bình Việt Nam (Peace Trees Việt Nam) tổ chức khởi công xây dựng 2 phòng học và các hạng mục phụ trợ cho trường Mầm non trung tâm xã Thanh. Hay, ngày 23/9, Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Quảng Trị tổ chức khánh thành và bàn giao nhà công vụ cho giáo viên trường PTDTBT Hướng Lập.
Ngoài ra, việc tổ chức các hoạt động như: Tết Trung thu, chuẩn bị bữa ăn cho các em học sinh, triển khai hoạt động giáo dục bảo vệ môi trường và quy trình xử lý rác thải… tại nhiều trường học trên địa bàn đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành, các tổ chức thiện nguyện, các nhà hảo tâm.
Theo bà Nga, với những sự quan tâm trên và với tinh thần vượt khó của các thầy cô giáo, trong tương lai không xa ngành giáo dục tại huyện miền núi Hướng Hóa sẽ khắc phục được những khó khăn và tiếp tục gặt hái thêm nhiều thành tích.