Gian nan tìm chữ mùa nước lũ

Hạnh Nguyên 02/10/2015 08:25

Hàng chục năm nay, biết bao thế hệ học sinh ở “ốc đảo” Liên Hòa, Liên Châu (Đức Liên, Vũ Quang, Hà Tĩnh) phải vượt con sông Ngàn Sâu hung dữ tìm con chữ để trang bị cho hành trang vào đời. Hành trình ấy càng gian nan, vất vả hơn mỗi khi mùa nước lũ kéo về. 

Một ngày học bình thường của học sinh ở Đức Liên là hai chuyến đò đi về.

Xã Đức Liên có 6 xóm thì 2 xóm với 216 hộ, hơn 1.300 nhân khẩu sống tách biệt ở bên kia sông Ngàn Sâu. Cuộc sống của người dân nơi đây gặp rất nhiều khó khăn do việc giao thương, đi lại gặp trắc trở bởi phụ thuộc hoàn toàn vào chiếc đò ngang. Mỗi xóm thuê một chiếc đò để đi lại, 2 xóm ở bên này sông cũng phải qua sông để làm ruộng, làm màu. Việc kiếm cái ăn của người dân cực khổ đã đành, những em học sinh lại càng khó khăn hơn.

Sau đợt lũ do bão số 3 ít ngày, chúng tôi về xã Đức Liên, chứng kiến cảnh tượng hàng chục em học sinh chen nhau bước lên chiếc đò ngang để đến trường mà thấy rợn người. Một chuyến đò chở các em qua sông không chỉ gánh niềm hy vọng được đến trường, được học cái chữ mà còn phải gánh thêm bao hiểm nguy rình rập.

Đa phần các em học sinh còn nhỏ tuổi, ý thức chưa cao, mỗi khi thấy đò các em chen chúc nhau chạy lên, rồi mang thêm nào là xe đạp, cặp sách, có khi là cả dụng cụ lao động. Vào thời điểm nông vụ, người nông dân còn đem theo cày, bừa, phân bón…dắt thêm trâu, bò “bơi” theo, bởi vậy chuyến đò trở nên cồng kềnh, hiểm nguy hơn.

Lò dò dắt xe đạp lên dốc, em Lê Thị Thư học sinh lớp 10 Trường THPT Cù Huy Cận vừa thở hổn hển vừa nói: “Từ nhà em đến trường có 3 đến 4 km nhưng em phải thức dậy từ 5h sáng để trực đò, nếu không sẽ muộn học, rầy (xấu hổ) với các bạn lắm”.

Làm nghề chèo đò ở thôn Liên Hòa 30 năm nay nhưng hai chị em bà Nguyễn Thị Vân (sinh năm 1968) và ông Nguyễn Văn Ca (sinh năm 1972) lại mong muốn mình…thất nghiệp. Bởi nếu không làm việc này thì họ có thể làm việc khác nhưng tính mạng con người rất đáng quý, hàng ngày phải đối mặt với việc đánh cược tính mạng của mình và hàng trăm người khác trên mỗi chuyến đò dường như là những thách thức quá lớn đối với họ.

Thầy Trần Văn Minh, Hiệu trưởng trường tiểu học Đức Liên cho biết: Trường có gần 40 em học sinh phải đi học bằng đò ngang. Các em đi học rất vất vả, phải đi trước cả tiếng đồng hồ nhưng nhiều hôm vẫn bị muộn học. Vào mùa mưa lũ thường các em phải nghỉ học. Như đợt lũ vừa rồi các em nghỉ 3 ngày, nhà trường phải tổ chức học bù.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó chủ tịch UBND xã Đức Liên cho biết: Hai xóm Liên Hòa và Liên Châu có gần 300 em học sinh từ mầm non đến cấp 3 phải đi học bằng đò ngang. Vũ Quang là rốn lũ nên đến mùa mưa lũ các em chưa đáng nghỉ đã phải nghỉ học vì nếu nước sông lên cao sẽ rất nguy hiểm, có khi đi học nhưng không về nhà được. Việc sản xuất của người dân ở đây cũng hết sức khó khăn, đến mùa thu hoạch họ phải bọc bạt quanh xe bò rồi buộc trâu, bò bơi theo đò để kéo xe sang bờ bên kia, việc trôi cả xe trâu, bò theo dòng nước thường xuyên xẩy ra.

Những câu chuyện cách đây mấy chục năm rằng đã có lúc chiếc thuyền bị lật khiến hàng chục người rơi xuống nước chết đuối, hay năm 2011 có 3 chiến sĩ công an lên thuyền qua sông làm nhiệm vụ cũng bị đuối nước hi sinh... vẫn ám ảnh các em học sinh nơi đây. Thế nhưng, vì tương lai, các em phải cố gắng đến trường tìm con chữ.

Cây cầu nối liền hai bờ Đức Liên trở thành ước vọng bấy lâu và ngày càng thôi thúc hơn khi một mùa mưa lũ nữa đã đến. Thực tế, đã có một số đoàn về khảo sát xây cầu nối hai bờ Đức Liên nhưng đến nay vẫn chưa có hồi âm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gian nan tìm chữ mùa nước lũ