Giao dịch mua bán sáp nhập: Chờ đón sự bùng nổ

Thanh Giang 09/08/2015 09:25

Tại diễn đàn M&A Việt Nam 2015 diễn ra mới đây tại TP HCM, đại diện nhiều tổ chức, các nhà đầu tư, cũng như các nhà quản lý nhìn nhận hoạt động mua bán sáp nhập đang diễn ra khá sôi động và dự báo sẽ tiếp tục duy trì ở đà tăng trưởng cao trong thời gian tới. Nói như ông Bùi Ngọc Hồng - Luật sư thành viên LNT & Partners thì giao dịch M&A sôi động với giá trị giao dịch của các thương vụ ngày càng lớn và “chờ đón sự bùng nổ”- đúng với chủ đề của diễn đàn.

Giao dịch mua bán sáp nhập: Chờ đón sự bùng nổ

Sẽ có thêm nhiều cái bắt tay trong việc mua bán sáp nhập (M&A).

Không chỉ chờ đón mà còn là “cưỡi sóng”

Nhóm thương vụ M&A tiêu biểu 2014 - 2015 gồm: Thương vụ hợp nhất - sáp nhập Ngân hàng Sacombank và Ngân hàng Phương Nam; BIDV và MHB. Thương vụ mua lại tiêu biểu: Vingroup và OceanGroup (Ocean mart) & Vinatex Mart; Mondelèz International và Công ty CP Kinh Đô (Kinh do Bakery); Power Buy (Tập đoàn Central Group) và CTCP Thương mại Nguyễn Kim; Công ty Giống cây trồng Trung ương và Công ty Giống cây trồng Miền Nam; Tập đoàn Aeon (Nhật Bản) và Citimart, Fivimart; Ngân hàng TMCP Sài Gòn và Bảo hiểm Bảo Long.

Theo ông John Ditty- Phó Tổng giám đốc KPMG Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm nay lượng giao dịch các thương vụ M&A ở thị trường trong nước chiếm khoảng 75% tổng lượng giao dịch của cả năm ngoái 2014 và chiều hướng cho thấy các giao dịch mua bán sáp nhập sẽ còn tiếp diễn.

“Không phải bắt đầu bùng nổ mà là đang trong giai đoạn cưỡi trên ngọn sóng M&A”- ông John Ditty nhận định.

Theo đó, những giao dịch mua bán sáp nhập nổi trội đều liên quan đến phục vụ người tiêu dùng gồm hàng hóa tiêu dùng, khu mua sắm, bán lẻ, sản xuất và bất động sản...

Ở một góc khác, ông Masataka Yoshida- Giám đốc điều hành cấp cao của Recof Corporation (Nhật Bản) cho rằng, Việt Nam với lợi thế dân số đông, trẻ tuổi và thị trường còn tiềm tàng sẽ là mục tiêu M&A của các tập đoàn từ Nhật Bản trong các lĩnh vực như ăn uống, bán lẻ, tài chính, tiêu dùng nhanh, logistics. Được biết, trong vòng 6 tháng của năm 2015, đã có 12 thương vụ M&A đến từ Nhật Bản, và dự báo cuối năm nay con số thương vụ sẽ là 30.

Với những chính sách thông thoáng, các nhà đầu tư từ bên ngoài sẽ vào Việt Nam nhiều hơn. Ông Bùi Ngọc Hồng phân tích, trước đây, nếu các nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào các doanh nghiệp Việt Nam dù chỉ 1% cũng phải xin phép, nhưng với các điều kiện thông thoáng theo quy định mới thì các nhà đầu tư nước ngoài mua dưới 49% không còn phải xin phép như trước.

Đó là điều kiện tích cực đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong việc tìm kiếm cơ hội ở các doanh nghiệp Việt Nam thông qua hình thức M&A.

Còn theo ông Vũ Bằng- Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước thì các nhân tố thúc đẩy M&A tại Việt Nam chính là quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu ngành ngân hàng cùng với Nghị định 60 chính thức mở room cho nhà đầu tư nước ngoài.

Đánh giá tình hình, theo ông Đặng Huy Đông- Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cùng với quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, chủ động hội nhập quốc tế, mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài và khuyến khích đầu tư trong nước, hoạt động M&A tại Việt Nam đã không ngừng gia tăng.

Những động lực thúc đẩy hoạt động M&A bùng nổ là do gần đây Quốc hội đã thông qua nhiều luật quan trọng nhằm đổi mới và hoàn thiện thể chế kinh tế, như Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi)... “Một yếu tố khác đang thúc đẩy hoạt động M&A là tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của Chính phủ”- ông Đông nói.

Ý kiến tại diễn đàn cũng cho rằng, một yếu tố được coi là “thực tế” chính là là xu hướng trỗi dậy mạnh mẽ của khối doanh nghiệp tư nhân trong nền kinh tế, trong đó nhiều doanh nghiệp lựa chọn M&A như một chiến lược quan trọng để tái cấu trúc, hướng tới tăng trưởng bền vững; do đó hoạt động M&A đã và sẽ tiếp tục sôi nổi, với tổng giá trị dự báo chảy vào thị trường này lên tới 20 tỷ USD trong giai đoạn 2014 - 2018.

Các tổ chức tín dụng sôi nổi M&A

Thời gian qua nhiều tổ chức tín dụng (TCTD) ra đời đáp ứng yêu cầu thị trường, tuy nhiên theo thời gian một số đã hoạt động không hiệu quả. Mong muốn hệ thống ngân hàng ngày càng lớn mạnh và phát triển, Chính phủ mạnh tạy tái cấu trúc ngành này. Cùng đó, kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng nên TCTD buộc phải cơ cấu để có nội lực tài chính, phát triển công nghệ, tăng cường quản trị…

Ngay tại “sân chơi chung” ASEAN, Việt Nam phải thực hiện mở cửa ngành tín dụng, cho nên không thể tồn tại những TCTD yếu kém.

Khi còn tồn tại nhiều ngân hàng nhỏ lẻ, thiếu độ chuyên sâu sẽ dễ dẫn đến rủi ro tài chính. Cơ cấu và sáp nhập là tất yếu. Nói về diễn biến tình hình M&A của ngành ngân hàng trong thời gian qua, ông Nguyễn Kim Anh- Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho hay, sau 3 năm (2012 - 2015) thực hiện tái cơ cấu đến nay giảm được 12 TCTD yếu kém, góp phần lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng. NHNN chủ động xử lý hệ thống, thậm chí còn áp dụng cả biện pháp mạnh: với những ngân hàng hoạt động thua lỗ, ăn thâm vào vốn buộc bán lại với giá 0 đồng. Tuy nhiên, các ngân hàng 0 đồng này tiếp tục duy trì hoạt động dựa trên sự hỗ trợ tài chính, thanh khoản… của NHNN.

Trước đó, một số ngân hàng yếu kém cũng tự “xe duyên” với nhau. Còn lại các ngân hàng nằm trong danh sách “nguy cơ cao” không ngừng thực hiện đề án tái cấu trúc để nâng cao năng lực tài chính, tuy rằng việc thực hiện mục tiêu tái cơ cấu bằng nội lực hoàn toàn không đơn giản. Chỉ xét riêng việc tăng vốn điều lệ để tăng sức cạnh tranh cũng khiến nhiều ngân hàng mệt mỏi.

Các chuyên gia tài chính ngân hàng dự báo, thời gian tới làn sóng M&A đối với ngành ngân hàng diễn ra mạnh mẽ hơn vì thị trường, chính sách đang hội đủ các yếu tố cần và đủ. Đặc biệt, sau 3 năm đẩy mạnh thực hiện chương trình tái cơ cấu ngành tài chính ngân hàng thông qua các hoạt động tự chấn chỉnh quản lý, phát huy tối ưu hiệu quả, cải tiến về công nghệ… Kết quả, các TCTD ổn định được hệ thống, giảm nợ xấu, tăng vốn điều lệ.

Điều kiện đầu tư thông thoáng hơn cho nhà đầu tư nước ngoài khi Nghị định 60 được ban hành, quy định tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam được Chính phủ ban hành (có hiệu lực vào tháng 9/2015). Trong đó, quy định bỏ trần sở hữu nước ngoài ở một số lĩnh vực với mức 49%. Riêng một số ngành trọng yếu như ngân hàng thì duy trì sở hữu nước ngoài ở mức 30%.

Những quy định pháp luật này đang mở rộng cửa để các nhà đầu tư nước ngoài tham gia sâu hơn về quá trình M&A của Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giao dịch mua bán sáp nhập: Chờ đón sự bùng nổ