Với một đất nước mà “xứ thiêng liêng, rừng núi đã anh hùng” như Việt Nam, nơi đâu cũng có di tích lịch sử, cách mạng, kháng chiến. Trải qua hơn 4.000 năm dựng nước và giữ nước, các di tích lịch sử còn lại như một chứng tích của thời gian và được đưa vào thi ca, sử sách. Những di tích ấy còn có giá trị giáo dục lòng yêu nước, tri ân tiền nhân.
Đi, để sống tốt hơn
Năm nào cũng có từ 1,5 đến 1,8 triệu người hành hương, thăm viếng Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Kim Liên, huyện Nam Đàn (Nghệ An), bởi từ lâu nơi đây đã đi vào tâm thức và quen thuộc với triệu triệu người dân Việt Nam. Đây là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ra, nơi hội tụ tình cảm của đồng bào, chiến sĩ cả nước và bầu bạn năm châu; là địa chỉ đỏ trong việc giáo dục truyền thống yêu nước và ý chí cách mạng.
Về đây, du khách được tham quan quê nội và quê ngoại của Bác Hồ, nơi lưu giữ những hiện vật gắn với cuộc sống sinh hoạt bình dị hằng ngày của Người thời thơ ấu. Với chất giọng đầm ấm, sâu lắng, các cán bộ thuyết minh ở khu di tích Kim Liên đã truyền tải tới du khách về hình ảnh một vĩ nhân, để lòng kính yêu Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi lan tỏa. Chính các anh chị là những người góp phần làm sống động khu di tích.
Là thuyết minh viên Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên, chị Phùng Thị Hương Giang với giọng kể đằm thắm, lúc trầm, lúc bổng, chất chứa đầy cảm xúc đã khiến những du khách trong đoàn tham quan cựu chiến binh đến từ tỉnh Bắc Ninh trào dâng niềm xúc động. Nhiều người không thể kìm được nước mắt khi nghe những câu chuyện rất đời thường về Bác. Chị Hương Giang tâm sự, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Vinh, dù đã có việc làm ổn định, nhưng vì say mê những câu chuyện về Bác, mong muốn được tìm hiểu nhiều hơn về Người, chị quyết định thi tuyển làm thuyết minh viên tại Khu di tích Kim Liên. Niềm khát khao ấy trở thành hiện thực khi chị vượt qua hơn 100 thí sinh, trúng tuyển.
Các thuyết minh viên bảo rằng, thông qua các câu chuyện về di tích, về Bác Hồ, anh chị em làm việc nơi đây cũng được học rất nhiều điều từ Bác, có kiến thức chuyên sâu. Sau đó có thể truyền lan tinh thần học tập Bác cho người hành hương, thăm viếng qua các câu chuyện: “Bác Hồ với quân đội”, “Bác Hồ với công an”, “Bác Hồ với thiếu niên, nhi đồng”, "Bác Hồ với ngành y”, “Bác Hồ với các tỉnh thành”…
Bà Nguyễn Thị Hằng, trú huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, một du khách, chia sẻ: “Đợt này gia đình chúng tôi vào tham quan quê Bác. Vào đây, được chứng kiến lối sống giản dị, gần gũi của Bác và người thân, được nghe những câu chuyện về thời thơ ấu của Bác, chúng tôi vô cùng xúc động”. Còn anh Nguyễn Thế Thục, du khách đến từ Gia Lai chia sẻ: “Năm nào cũng vậy cứ đến dịp lễ gia đình tôi đều bắt xe về Nghệ An để đến Khu di tích Kim Liên thắp hương viếng Bác, đây cũng là dịp để các con của tôi thăm nơi Bác đã sinh ra và lớn lên. Hy vọng các con sẽ hiểu hơn về Bác để rồi chú tâm học tập, sống tốt hơn, yêu đất nước hơn”.
Những người nông dân làm nên lịch sử
Lạ lắm, chỉ đặt chân đến đèo Pha Đin - một trong tứ đèo nổi tiếng quanh co hiểm trở vùng Tây Bắc là tôi lại thấy nao lòng. Không chỉ bởi con đèo hùng vĩ này vẫn trở thành tuyến huyết mạch giao thông chính lên Điện Biên, chẳng phải vì cuộc sống đã vô cùng khởi sắc, mà trong tâm khảm và hồi tưởng của tôi là hàng vạn bước chân, như vẫn dồn dập năm xưa bước lên phía trước, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Trong khi đó, bom cứ dội, đạn cứ xối, thời tiết cứ trút hết cả sự khắc nghiệt lên những đoàn quân…
Và cũng bởi tôi đã gặp không ít những cựu chiến binh, dân công hỏa tuyến là nông dân lành hiền đóng góp sức người, sức của, thồ gạo, gánh hàng vượt hàng trăm cây số đường mòn lên Điện Biên, góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại. Trèo đèo lội suối mấy chục cây số, tôi tìm đến bản Suối Mau xã Mường Lý, Mường Lát (tỉnh Thanh Hóa), gặp được ông Hà Thanh Thế và ông Ngân Văn Thúy, là những người ở tận miệt rừng sâu, vậy mà khi được vận động chở hàng ra tiền tuyến đã chẳng tiếc công sức. Trở về cuộc sống đời thường, các ông vẫn làm ruộng nương, trồng rừng. Hễ có điều kiện thì lại gom tiền, đưa các cháu, con trở về thăm Điện Biên, thăm lại các di tích để giáo dục, ôn lại những kỷ niệm trong suốt những năm tháng anh dũng.
Phải thừa nhận những nỗ lực trong phát triển kinh tế, văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần của người dân. Hơn nửa thế kỷ qua đi, nhiều người yêu Điện Biên đã ở lại cùng bà con các dân tộc nơi đây xây dựng, cải tạo đất, khai hoang đất đồi sỏi đá, cùng làm nên cuộc sống ấm no hôm nay. Ngay như xã Tỏa Tình (huyện Tuần Giáo), địa điểm đầu tiên khi đặt chân đến tỉnh Điện Biên, cuộc sống đã khởi sắc. Xưa nơi đây là túi bom đạn, sau năm 1954 và mãi cho đến năm 2000, đời sống bà con vô cùng khó khăn. Song, với những nỗ lực của các cấp chính quyền, của chính người dân đã hăng say sản xuất, nâng cao đời sống kinh tế. Họ đã xây dựng được đội văn nghệ bản, xã, để giao lưu, làm cho văn hóa Điện Biên càng trở nên đặc sắc.
Hay như xã Mường Phăng (huyện Điện Biên), nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp chọn làm Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ, những năm trước còn nghèo lắm. Hơn chục năm trở lại đây, nhiều cựu chiến binh trở lại thăm, đã nhận thấy sự thay đổi vượt trội của mảnh đất anh hùng lịch sử. Bí thư Đảng ủy xã Mường Phăng Trần Văn Hải cho biết: “Đường lớn từ thành phố vào đây đã được xây dựng xong. Hai bên đường là rừng nguyên sinh tuyệt đẹp. Khách đến du lịch cội nguồn về Mường Phăng ngày một tăng lên. Mường Phăng đã kết nối, xây dựng được các tuyến tham quan là những điểm di tích trên địa bàn, kết hợp với các bản văn hóa với nhiều cảnh sắc tuyệt đẹp”.
Khắp lòng chảo Điện Biên, đâu đâu cũng là chứng tích lịch sử ghi lại chiến thắng oanh liệt của quân và dân ta. Cũng tại nơi này, còn có những nhân chứng lịch sử đã lặng lẽ cống hiến và nay vẫn tiếp tục làm đẹp thêm cho địa phương. Từng đoàn người tham quan, gặp gỡ và chia sẻ. Những lời nhắn nhủ với cháu con mai sau đã được cất lên, để muôn đời sau “đêm đêm rì rầm trong tiếng đất, những buổi ngày xưa vọng nói về”.
Hiểu hơn về lòng kiên trung, bất khuất
Trong quá trình hoạt động cách mạng, rất nhiều chí sĩ, nhà hoạt động cách mạng bị địch bắt, tù đày ở nhà giam, nhà tù. Rất nhiều bạn trẻ cũng đã tìm đến các di tích này để hiểu hơn về lòng kiên trung, bất khuất của cha ông ta trong quá trình hoạt động cách mạng. Có thể kể đến nhà tù Côn Đảo, nhà tù Sơn La, nhà tù Hỏa Lò…
Nằm trên phố Hỏa Lò (phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm), di tích Nhà tù Hỏa Lò được biết đến là “địa ngục trần gian” ngay giữa lòng Hà Nội. Nhà tù được người Pháp xây dựng năm 1896, từng là nơi giam cầm hàng ngàn chiến sĩ, nhà hoạt động cách mạng của Việt Nam. Những năm gần đây, di tích Nhà tù Hỏa Lò đón nhận được sự ủng hộ và quan tâm của nhiều đối tượng du khách, đặc biệt là các bạn trẻ tìm đến với di tích với mong muốn được tìm hiểu lịch sử và “sống lại” một thời quá khứ vẻ vang của dân tộc.
Hay Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) hôm nay không còn là “Địa ngục trần gian” mà trở thành một điểm du lịch tâm linh, một trong những di tích lịch sử quốc gia mà bất kỳ ai cũng muốn đến để tìm hiểu. Mỗi năm đón hơn nửa triệu du khách, con em gia đình liệt sĩ, đồng bào cả nước đến tham quan, học tập, tưởng nhớ các liệt sĩ, đồng bào yêu nước đã ngã xuống tại đây. Em Vũ Thị Mỹ (quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: “Mỗi lần em được bố mẹ đưa đi tham quan các di tích nhà tù trong em đều dâng lên những ý nghĩ, cảm xúc rất lạ. Sâu thăm trong tim, em nghĩ về lòng biết ơn và hiểu hơn về ý chí và nghị lực của con người Việt Nam”.