Trong những năm qua, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tỉnh Gia Lai đã chú trọng phát hiện học sinh giỏi nhằm hướng đến phát triển giáo dục toàn diện và bồi dưỡng nhân tài.
Trong từng năm học, Sở GDĐT tỉnh Gia Lai luôn duy trì và tổ chức ba Kỳ thi quan trọng: Kỳ thi học sinh giỏi lớp 12 (bảng A) - chọn những học sinh có điểm cao nhất để lập đội tuyển tham dự kỳ thi cấp quốc gia; Kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 12 THPT cấp tỉnh (bảng B); Kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 9 THCS. Tuyển chọn học sinh xuất sắc, thành lập Đội tuyển học sinh giỏi của tỉnh tham dự các Kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia THPT.
Mục tiêu mà tỉnh Gia Lai hướng đến là góp phần thúc đẩy, nâng cao chất lượng dạy và học, phát hiện người học có năng khiếu để tạo nguồn bồi dưỡng, góp phần thực hiện mục tiêu đào tạo nhân tài cho đất nước, cho địa phương. Từ đó, phát huy vai trò của giáo dục và đào tạo đối với sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Gia Lai.
Các môn học được tổ chức thi trong các kỳ thi bao gồm: Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Tin học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí và Tiếng Anh. Ngoài hình thức thi viết, các hình thức thi khác cũng được áp dụng để thí sinh quen dần với các hình thức thi quốc gia như môn Tiếng Anh có phần nghe hiểu và phần thi nói; các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học có phần bài tập thực hành; môn Tin học thi lập trình trên máy vi tính.
Nội dung thi nằm trong phạm vi Chương trình giáo dục phổ thông do Bộ GDĐT ban hành và nội dung dạy học các môn chuyên trong trường trung học phổ thông chuyên do Bộ GDĐT hướng dẫn tại Công văn số 10803/BGDĐT-GDTrH ngày 16/12/2009. Đối tượng dự thi gồm học sinh đang học lớp 9 và cấp THPT đã qua kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp trường, cấp phòng GDĐT.
Nhận thức được nhiệm vụ quan trọng trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, cán bộ quản lý và giáo viên của các trường THCS, trường THPT, phòng GDĐT đã thực hiện có hiệu quả và đã đạt được những thành công nhất định. Sở GDĐT luôn quan tâm, chỉ đạo sâu sát đến cán bộ, giáo viên trong việc lập kế hoạch cụ thể cho công tác bồi dưỡng học sinh giỏi.
Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên có trình độ chuyên môn vững vàng, nhiều thầy giáo, cô giáo có kinh nghiệm đặc biệt là rất tâm huyết trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi; học sinh có nhiều đam mê, hứng thú, có ý thức nỗ lực phấn đấu vươn lên.
Với sự kiên trì và bền bỉ, tỉnh Gia Lai trở thành tỉnh đứng thứ hai trong các tỉnh Tây Nguyên (sau Đắk Lắk) và đứng thứ tư khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên (sau Đắk Lắk, Bình Định, Quảng Nam) về số lượng giải học sinh giỏi quốc gia.
Đây là sự nỗ lực phấn đấu của đội ngũ cán bộ, giáo viên ở một số tỉnh miền núi, với dân số đông, trong đó đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm 44,46%. Tỷ lệ dân số trẻ, số dân từ 0 đến 15 tuổi chiếm 40,3%; trình độ dân trí chưa cao, tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên biết chữ chiếm 85,4%; mật độ dân cư phân bố không đều; giao thông đi lại khó khăn. Tỷ lệ giáo viên/lớp còn thấp, thiếu để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; giáo viên thiếu nhiều nhưng còn tiếp tục thực hiện việc cắt giảm cơ học, rất khó khăn trong triển khai các hoạt động giáo dục.
Trong tương lai, với sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh; của Bộ Giáo dục và Đào tạo; sự phối hợp của các cấp, các ngành, các đoàn thể, các địa phương, sự nỗ lực của cán bộ, giáo viên của các cơ quan, đơn vị.
Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT còn chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện Kế hoạch thực hiện Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục mầm non giai đoạn 2021-2025”; Kế hoạch thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên năm 2022 theo Nghị định số 71/2020/NĐ-CP. Chất lượng đội ngũ giáo viên được nâng lên là nguồn lực quan trọng để tăng số lượng và chất lượng giải học sinh giỏi quốc gia, vì giáo viên không chỉ là người định hướng, gợi mở giúp học sinh tự chiếm lĩnh tri thức mà còn phải giúp các em ổn định tâm lý.
Bồi dưỡng học sinh giỏi có ý nghĩa ươm mầm, định hướng phát triển theo thế mạnh của các em trong những năm cắp sách tới trường. Bồi dưỡng học sinh giỏi là công việc khó khăn, vất vả, nhưng cũng đầy vinh quang, trách nhiệm và niềm tự hào, đòi hỏi giáo viên thường xuyên tự bồi dưỡng nâng cao trình độ, cập nhật kiến thức. Song song với đó là sử dụng các phương pháp mới phù hợp với xu thế thời đại, đồng thời cần được các cấp quản lý ngành giáo dục và cấp ủy, chính quyền các cấp thường xuyên quan tâm, đầu tư, đáp ứng nhu cầu đổi mới toàn diện và căn bản nền giáo dục mà Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã đề ra.
Qua các năm, tỉnh Gia Lai đều có đầy đủ các đội tuyển tham dự Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT gồm 9 đội tuyển: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Tiếng Anh, Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học và Tin học. Kết quả đạt được tăng cả về số lượng và chất lượng giải, cụ thể:
- Năm học 2017-2018 có 14/54 học sinh của tỉnh Gia Lai đạt giải (1 giải Nhì, 5 giải Ba và 8 giải Khuyến khích);
- Năm học 2018-2019 có 13/54 học sinh của tỉnh Gia Lai đạt giải (5 giải Ba và 8 giải Khuyến khích);
- Năm học 2019-2020 có 28/54 học sinh của tỉnh Gia Lai đạt giải (2 giải Nhì, 12 giải Ba và 14 giải Khuyến khích);
- Năm học 2020-2021 có 29/56 học sinh của tỉnh Gia Lai đạt giải (1 giải Nhất, 9 giải Nhì, 9 giải Ba và 10 giải Khuyến khích);
- Năm học 2021-2022 có 28/58 học sinh của tỉnh Gia Lai đạt giải (1 giải Nhất, 4 giải Nhì, 7 giải Ba và 16 giải Khuyến Khích).