Mặt trận

Giáo sư Đặng Lương Mô với khát vọng cống hiến cho quê hương

Thành Luân 08/05/2025 08:05

Hơn 50 năm trước, sau khi bôn ba xứ người, mang trong mình nỗi nhớ quê hương, nhà khoa học Việt kiều GS.TS Đặng Lương Mô đã quyết định trở về nước cống hiến. Khi đó, ông là chuyên gia hàng đầu tại Trung tâm R&D của Toshiba và Đại học Hosei (Nhật Bản). Khát vọng đóng góp trí tuệ trong lĩnh vực vi mạch và công nghiệp bán dẫn đã thôi thúc ông đưa ra quyết định này.

bai tren
GS.TS Đặng Lương Mô (bên trái) tại chương trình vinh danh “Ra biển lớn”, ngày 26/4/2020. Ảnh: Trần Quốc Sơn.

Ngay khi hay tin GS.TS Đặng Lương Mô qua đời vào chiều 6/5 tại Bệnh viện Quân y 175 - TPHCM, bà Hồng Quân - giảng viên tại Đại học Quốc gia TPHCM, là một trong những học trò của GS Đặng Lương Mô, đã gọi điện báo tin với chúng tôi. Bà Quân nói, nhà khoa học kiều bào đáng kính đã qua đời sau thời gian dài chống chọi với bệnh tật, hưởng thọ 89 tuổi. Có hai con số rất xúc động được người học trò chia sẻ: Gần 40 năm bôn ba ở xứ người để tích lũy kiến thức khoa học, kinh nghiệm phát minh và hơn 50 năm cống hiến cho đất nước, là những đóng góp rất lớn của GS.TS Đặng Lương Mô.

Thật may mắn, chỉ vài tuần trước khi mất, Đảng bộ, chính quyền TPHCM đã kịp tổ chức Lễ vinh danh nhà khoa học kiều bào trong top 60 cá nhân tiêu biểu vì có thành tích đặc biệt xuất sắc, nhiều đóng góp, cống hiến nổi bật cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển TPHCM trong 50 năm. Đồng thời, vào đúng dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), GS Đặng Lương Mô cũng đã được Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM vinh danh vào tốp 50 kiều bào tiêu biểu có đóng góp cho đất nước.

Những đóng góp của GS.TS Đặng Lương Mô trong lĩnh vực vi mạch điện tử và công nghiệp bán dẫn là rất đáng kể. Từ năm 1971, ông trở về Việt Nam và bắt đầu giảng dạy tại các trường thành viên của Đại học Quốc gia TPHCM, góp phần đào tạo hàng trăm thạc sĩ chuyên ngành thiết kế vi mạch. Sau đó, ông được bổ nhiệm làm Cố vấn cao cấp cho Đại học Quốc gia TPHCM, đồng thời giữ chức Chủ tịch Hội Vi mạch Bán dẫn TPHCM.

Là người trực tiếp mời GS.TS Đặng Lương Mô tham gia vào chương trình “Ra biển lớn” vào ngày 26/4/2020, đạo diễn Trần Quốc Sơn – Hãng phim Đài Truyền hình HTV còn nhớ như in cảm xúc lúc “bấm máy” cách đây hơn 5 năm về cuộc đời nhà khoa học kiều bào đầy tài năng và tâm huyết. “Cuộc đời của ông, với những lát cắt đan cài giữa yếu tố dự định và tính bất ngờ, giữa thành công rực rỡ và thất bại, giữa hi vọng và thất vọng, như một bức tranh thú vị lột tả ẩn dụ sâu xa về ý chí của mỗi một công dân yêu nước đối với vận mệnh và sự phát triển của dân tộc” - đạo diễn Trần Quốc Sơn nói.

Đối với một người làm nghề, đạo diễn Trần Quốc Sơn đã thực hiện nhiều bộ phim về các chính khách, nhân vật có tầm ảnh hưởng trên các lĩnh vực, thế nhưng câu chuyện về hơn 40 năm bôn ba ở nước ngoài của GS.TS Đặng Lương Mô, sau đó là quyết định trở về nước cống hiến đã khiến một đạo diễn lão luyện phải rơi lệ xúc động. Khi về nước chưa lâu, GS.TS Đặng Lương Mô đã tạo tiếng vang lớn, khi được bầu làm Hội viên chính Viện Hàn lâm khoa học New York từ năm 1992; hội viên thượng cấp của Hội Kỹ sư điện - Điện tử - Tin học (IEEE) của Hoa Kỳ. Năm 1984, GS.TS Đặng Lương Mô nhận thêm Bằng khen thành tích xuất sắc của Công ty Toshiba (Nhật Bản). Năm 1991, ông nhận bằng khen về sự đóng góp xuất sắc cho Hội nghị Quốc tế ICCAD.

Rất nhiều phát minh sáng chế của GS.TS Đặng Lương Mô được quốc tế công nhận, không chỉ có ý nghĩa học thuật mà còn có tính ứng dụng cao trong sản xuất vi mạch bán dẫn. Đặc biệt, công trình khoa học mang tên ông “Mô hình Transistor Mosfet” (còn gọi là “Dang Model”) đăng trên tạp chí của Hội IEEE (Hội kỹ sư Điện - Điện tử - Tin học Hoa Kỳ) năm 1979 đã được Đại học California ở Berkeley (Mỹ) phát triển và được sử dụng trong công nghiệp và giáo dục trên khắp thế giới. Điều đặc biệt nhất là ông đã đặt nền móng cho sự ra đời của Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC), sản xuất thành công nhiều dòng chip vi xử lý đầu tiên tại Việt Nam. “ICDREC đã sử dụng những con chíp này để tạo ra trên 50 sản phẩm công nghiệp, từ hộp đen giám sát hành trình cho xe ô tô và xe gắn máy, đến điện kế thông minh. Sự thành công những con chíp “made in Vietnam” mang dấu ấn rất lớn của GS.TS Đặng Lương Mô đã khiến Chính phủ quyết định công nghệ vi mạch ở vị trí hàng đầu trong số 46 ngành công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển tại Việt Nam cho đến ngày nay” - đạo diễn Trần Quốc Sơn chia sẻ.

Sau khi Giáo sư qua đời, phu nhân ông – bà Trần Thị Ánh Xuân đã lặng lẽ chia sẻ trên trang cá nhân những bài viết về chồng. Bà xúc động cho biết, ngay cả trên giường bệnh, GS Mô vẫn khát khao đất nước huy động trí tuệ của đội ngũ khoa học kiều bào khắp năm châu trở về cống hiến, góp phần làm giàu cho đất nước và đưa trí tuệ Việt vươn tầm thế giới.

GS.TS Đặng Lương Mô sinh năm 1936 tại Hải Phòng. Sau khi tốt nghiệp Đại học Tokyo năm 1962, ông tiếp tục theo đuổi con đường học thuật và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khoa học tại Nhật Bản vào năm 1968. Năm 1971, ông quyết định trở về nước để cống hiến. Trong suốt hơn 60 năm sự nghiệp, ông đã công bố hơn 300 công trình khoa học và sở hữu hơn 10 bằng sáng chế. Ông được vinh danh trong nhiều danh sách uy tín và nhận giải thưởng “Vinh danh nước Việt” năm 2004. Trong dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, GS.TS Đặng Lương Mô được Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tôn vinh là cá nhân tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển thành phố (1975 - 2025).

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giáo sư Đặng Lương Mô với khát vọng cống hiến cho quê hương