7 năm sau khi khai trương tuyến xe buýt đường sông đầu tiên ở TP Hồ Chí Minh tới nay, hàng loạt tuyến giao thông đường thủy khác đã được lên kế hoạch, chuẩn bị nhưng vẫn chỉ nằm trên giấy.
Trong 7 năm qua TPHCM dự kiến triển khai gần 10 dự án giao thông đường thủy với mục tiêu kết nối hạ tầng, thay thế một phần giao thông đường bộ quá tải và kích thích du lịch. Rất nhiều kỳ vọng đã được đặt vào những dự án này nhưng đến nay người dân vẫn mòn mỏi ngóng chờ. Trong thời gian này, chỉ có tuyến phà biển Cần Giờ đi TP Vũng Tàu và tàu cao tốc đi huyện Củ Chi là hoạt động được, còn lại hầu hết gặp khó vì nguồn vốn, thủ tục.
Cụ thể, ngoài tuyến buýt số 1, TPHCM dự kiến mở tuyến buýt số 2 từ bến Bạch Đằng đi Lò Gốm (quận 8), buýt số 3 từ bến Bạch Đằng đi Mũi Đèn Đỏ (quận 7) và buýt số 4 từ bến Bạch Đằng đi Phú Mỹ Hưng (quận 7). Ngoài ra, ngành giao thông thành phố cũng có kế hoạch mở 3 tuyến tàu cao tốc từ TPHCM đi Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang), đi Bến Tre và Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) hay phà biển từ trung tâm TPHCM đi Vũng Tàu, Cần Giờ... Điểm chung của các dự án giao thông này là đều quan trọng, có nhiều tiềm năng để phát triển do không tốn chi phí xây dựng đường sá như đường bộ. Trong khi đó chi phí xây dựng cầu cảng ít hơn rất nhiều, thậm chí nhiều tuyến đã có sẵn cầu cảng có thể khai thác ngay. Tuy nhiên vì nhiều lý do khác nhau, dù nhận được nhiều ưu đãi từ các chính sách nhưng những doanh nghiệp nhận triển khai các dự án này vẫn chưa thể thực hiện.
Có thể dễ dàng nhận ra hầu hết các tuyến vận tải đường thủy ở TPHCM, dù tàu cao tốc hay phà, buýt đường sông đều tập trung vào khai thác nhóm đối tượng là khách du lịch. Đây vừa là ưu điểm, vừa là nhược điểm của các dự án này nếu có thể đi vào hoạt động. Trong đó, ưu điểm là địa bàn TPHCM có số lượng dân đông, khách du lịch qua địa bàn, chủ yếu là sân bay Tân Sơn Nhất. Đưa những hành khách này đi tới các địa điểm du lịch lân cận bằng đường thủy là mục tiêu khả dĩ, có thể dễ dàng khai thác bởi lợi thế cảnh quan sông nước trên lộ trình khai thác. Tuy nhiên, nhược điểm của các tuyến giao thông này là đều tập trung vào khu vực bến Bạch Đằng (quận 1) với áp lực giao thông đường bộ thường xuyên ùn tắc, kẹt xe. Để đón một lượng lớn hành khách sử dụng đường thủy, khu vực bến Bạch Đằng sẽ cần thêm nhiều bến bãi đậu xe, phương tiện giao thông kết nối. Hiện nay những điều kiện phụ trợ này vẫn chưa đáp ứng đủ.
Trên thực tế, giao thông đường thủy ở TPHCM vẫn khá đơn điệu, dù có phà, buýt và cả tàu cao tốc. Anh Nguyễn Văn Lượng (42 tuổi) trú tại quận Gò Vấp cho biết, cách đây mấy năm, gia đình anh đã tham gia tour du lịch buýt đường sông và rất thích thú. “Ngắm cảnh quan đường phố từ dưới sông Sài Gòn là trải nghiệm thú vị, nhiều người rất thích cả ban đêm lẫn ban ngày. Tôi mong muốn có thêm nhiều tuyến đường thủy như vậy nhưng mấy năm qua tôi có theo dõi mà chưa thấy. Còn phà biển thì xa quá, tới Cần Giờ nên không đi được, trong khi tàu cao tốc không thể ngắm cảnh quan hai bên bờ do tàu kín, di chuyển tốc độ cao” - anh Lượng chia sẻ.
Ông Bùi Hòa An - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TPHCM nhận định, vận tải đường thủy ở TPHCM có nhiều ưu thế nhưng chưa được khai thác xứng tầm, nhất là mảng vận tải hành khách. TPHCM hiện có gần 90 tuyến đường thủy nội địa và liên vùng, có tổng chiều dài 500km nhưng chưa tuyến đường thủy vận tải hành khách nào đáp ứng được kỳ vọng. “Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên, trong đó chủ yếu là thói quen của người dân, kết nối đường bộ - đường thủy chưa nhiều, hệ thống cầu cảng, bến bãi chưa đủ” - ông An nói.
Với lợi thế lớn và nhiều kỳ vọng nhưng để vận tải hành khách đường thủy ở TPHCM phát triển xứng tầm là bài toàn nan giải, cần nhiều thời gian và sự đồng thuận, chung tay của các cơ quan, ban, ngành.