Chỉ chưa đầy nửa tháng sau khi Cục CSGT ra quân xử lý, các vi phạm đi vào làn dừng khẩn cấp tại tuyến đường Vành đai 3 trên cao đã giảm mạnh.
Xử nghiêm phạt nặng
Theo quy định, xe được phép di chuyển ở làn dừng khẩn cấp là các xe thuộc dạng ưu tiên (xe cảnh sát, chữa cháy, cứu thương...). Các phương tiện khác không được phép chạy trên làn đường này, chỉ được dừng ở làn khẩn cấp trong những trường hợp như xe bị hư hỏng, thủng lốp, cần trợ giúp y tế...
Tuy nhiên, suốt thời gian qua, các phương tiện ngang nhiên nối đuôi nhau đi vào làn dừng khẩn cấp, gây mất trật tự, ATGT trên tuyến đường Vành đai 3 trên cao. Trước thực trạng ngày càng lộn xộn, gây bức xúc cho nhiều người dân tăng cao. Cục CSGT đã ban hành Kế hoạch tăng cường thực hiện các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phòng ngừa, giải quyết ùn tắc giao thông trên tuyến cầu Thanh Trì - Vành đai 3.
Bên cạnh đó, để xử lý nghiêm các trường hợp trên, Cục CSGT đã phối hợp với Phòng CSGT - Công an TP Hà Nội đã huy động lực lượng tuần tra liên tục, ghi hình xử phạt vi phạm này.
Theo ghi nhận của PV Báo Đại Đoàn Kết Online, chỉ sau 13 ngày ra quân, hiện trên tuyến đường Vành đai 3 trên cao nhiều tài xế đã bắt đầu chấp hành nghiêm, đi đúng hàng lối, nề nếp dần hình thành ý thức.
Theo chị Nguyễn Thị Huyền trú tại Cầu Giấy chia sẻ, nếu Cục CSGT không ra quân, tuyên truyền, xử lý các phương tiện di chuyển vào tuyến đường Vành đai 3 thì chị nghĩ đây chỉ là một làn xe có thể lưu thông bình thường.
“Do không biết đây là làn dừng khẩn cấp, tôi cũng đã đi vào một vài lần. Nhưng sau khi biết đi vào làn đường này sẽ gây mất ATGT, ảnh hưởng đến các phương tiện khác tôi sẽ không bao giờ đi vào nữa nếu không phải trong trường hợp khẩn cấp”, chị Huyền chia sẻ.
Đồng quan điểm, anh Nguyễn Văn Hoàng trú tại Đống Đa cho hay: “Do tuyến đường Vành Đai 3 trên cao liên tục ùn ứ, trong khi đang có việc gấp nên tôi đã buộc phải đi vào làn dừng khẩn cấp. Nhưng từ khi Cục CSGT ra quân, tôi thấy các tài xế đã bắt đầu di chuyển chậm hơn không lấn làn vượt ẩu nữa”.
Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 123/2021/NĐ-CP), hành vi điều khiển xe chạy ở làn dừng xe khẩn cấp hoặc phần lề đường của đường cao tốc, không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ bị phạt tiền 3-5 triệu đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn bị tước quyền sử dụng GPLX từ 1 đến 3 tháng.
Lượng phương tiện tăng nhanh
Theo Sở GTVT Hà Nội cho biết, tính đến ngày 14/5/2022 Hà Nội có 7.671.551 phương tiện (trong đó: 1.034.510 ô tô, 6.458.009 mô tô, 179.032 xe máy điện). Ngoài ra còn các phương tiện mang biển ngoại giao, biển quốc tế, biển số xe của các cơ quan Trung ương do Bộ Công an quản lý, xe quân đội, xe tỉnh ngoài, xe đạp,... hoạt động trên địa bàn thành phố.
Được biết, TP Hà Nội hiện cũng đang có 8 triệu dân, trong khi chỉ có khoảng 2.000 CSGT là rất ít, áp lực công việc của cán bộ, chiến sĩ vô cùng lớn. Do đó, việc xử lý vi phạm là vô cùng khó khăn. Chính vì vậy, nhiều người hình thành thói quen xấu trong việc tham gia giao thông chỉ đến khi bị lực lượng chức năng xử lý thì tình trạng này mới bắt đầu giảm dần.
Nhìn vào thực tế trên tuyến đường Vành đai 3 những ngày qua có thể khẳng định việc CSGT ra quân cũng khiến một số bộ phận tham gia giao thông đi vào nề nếp hơn, tình trạng vượt ẩu cũng đã giảm. Tuy nhiên để xử lý triệt để được vấn đề trên thì CSGT cần mạnh tay hơn nữa.
Nhiều người dân bày tỏ, sau khi hết tháng cao điểm ra quân xử lý trên tuyến đường Vành đai 3, CSGT cũng nên đột xuất tuần tra, ghi hình, phạt nguội các phương tiện ngang nhiên di chuyển vào tuyến đường này. Từ đó, mới thể hiện được rõ sự kiên quyết xử nghiêm nếu các phương tiện tiếp tục vi phạm để dần thay đổi thói quen cho người tham gia giao thông.
Trước đó, Thượng tá Lê Quang Hòa, Trưởng phòng Hướng dẫn, điều khiển giao thông và dẫn đoàn (Cục CSGT) cho biết, chỉ sau 5 ngày tập trung nhắc nhở, tuyên truyền, hướng dẫn người tham gia giao thông trên tuyến, tình hình đã có chuyển biến tích cực. Số lượng xe đi vào làn khẩn cấp giảm đáng kể so với trước. Đặc biệt tình trạng tắc đường đã không xảy ra, chỉ còn tình trạng các phương tiện bị ùn, phải di chuyển chậm.
Việc xử phạt vi phạm là chuyện cực chẳng đã, là biện pháp mạnh buộc phải dùng khi tuyên truyền không mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, việc tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông không thể có hiệu quả nếu thiếu đi các biện pháp cứng rắn để tạo nề nếp xây dựng văn hóa giao thông cho xã hội.
Vừa qua, Quốc hội đã đồng thuận sửa Luật, tăng nặng mức phạt, Chính phủ, các bộ, ngành đã làm mọi cách để cụ thể hóa Luật, tạo hành lang pháp lý hữu hiệu cho việc xử phạt. Hiệu quả cuối cùng phải trông chờ vào công tác trên thực địa của CSGT.
Duy trì xử lý nghiêm vi phạm vừa giúp ổn định trật tự, ATGT, được người dân hoan nghênh, góp phần tích cực xây dựng văn hóa giao thông; lại vừa có tác dụng giảm bớt những khó khăn vất vả hàng ngày cho lực lượng CSGT.