Ròng rã nhiều năm liền, TP HCM chi ngân sách số tiền lên đến hơn 1.000 tỷ đồng mỗi năm để trợ giá cho hoạt động xe buýt trên địa bàn. Thậm chí có năm, số tiền chi ra xấp xỉ 1.400 tỷ đồng. Mục đích của việc này là để hạ giá thành vận tải của các tuyến xe buýt, qua đó thu hút đông đảo người dân sử dụng đồng thời cũng là một cách giúp đỡ người nghèo, học sinh, sinh viên trên địa bàn sử dụng loại hình vận tải công cộng này.
Tuy nhiên, không những không đáp ứng được mục đích trên, lượng hành khách đi xe buýt thời gian vài năm gần đây liên tục giảm. Và càng ngạc nhiên hơn nữa, dù đã được cấp số tiền khổng lồ nhưng vừa qua, Trung tâm vận tải hành khách công cộng, đơn vị quản lý các hoạt động của xe buýt lại xin đồng loạt tăng vé, đi ngược với xu hướng vì quyền lợi của người tiêu dùng có thu nhập thấp ở thành phố.
So với các loại hình vận tải công cộng khác như taxi, xe đưa đón công nhân, người lao động hay xe điện… thì xe buýt được rất nhiều ưu đãi. Nhiều tuyến đường ở trung tâm có thể cấm các loại xe khác nhưng luôn tạo điều kiện cho xe buýt lưu thông. Nhiều năm qua, nhận thức được vai trò quan trọng của vận tải hành khách công cộng, lãnh đạo TP HCM luôn muốn tăng số lượng người dân sử dụng xe buýt.
Điều này, cũng đồng thời giảm lượng người dân sử dụng các phương tiện cá nhân (như ôtô, xe máy). Và nếu thành hiện thực, tình trạng ùn tắc, kẹt xe, khan hiếm bến bãi đậu xe sẽ phần nào được giảm bớt. Tuy nhiên, gần như trái ngược với kỳ vọng của lãnh đạo và người dân, xe buýt ngày càng trở thành phương tiện bị quay lưng.
Thậm chí, đối tượng đơn giản nhất mà xe buýt nhắm tới, là những học sinh, sinh viên, công nhân có lộ trình di chuyển cố định hàng ngày cũng không sử dụng xe buýt. Có vô vàn nguyên nhân dẫn đến tình trạng này nhưng chỉ nêu một ví dụ nho nhỏ để thấy sự yếu kém của hoạt động quản lý xe buýt.
Đó là việc có hàng trăm trường học, khu công nghiệp, nhà máy trên địa bàn TPHCM bỏ tiền thuê các công ty vận tải tư nhân để có xe để đưa rước học sinh đến trường, người lao động đến công ty hàng ngày. Tất nhiên, đối tượng di chuyển phải bỏ toàn bộ chi phí cho việc này.
Thế nhưng xe buýt của Trung tâm vận tải hành khách công cộng, nơi được ngân sách cấp tiền đều đặn lại không cạnh tranh được với các dịch vụ của tư nhân này. Nói vậy để thấy, hoạt động của xe buýt hiện nay tồn tại vô vàn bất cập và không đáp ứng được nhu cầu người sử dụng.
Có thể thấy rằng, việc tăng đến 20% giá vé thông thường so với mức cũ chỉ là “giọt nước tràn ly”, một hệ quả tất yếu của hệ thống xe buýt hoạt động không hiệu quả. Việc rót tiền trợ giá, dù chiếm tới 5% ngân sách của thành phố nhưng cũng không thể bù đắp các khoản chi phí mà các chủ xe liên kết với Trung tâm gánh chịu. Thế nên, buộc phải tăng giá để duy trì hoạt động của loại hình dịch vụ này, nếu như không muốn gặp khó khăn hơn.