Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang ngày đêm gồng mình chống dịch, quyết tâm trong tháng 9/2021, các tỉnh miền Nam phải kiểm soát được dịch, đó là mệnh lệnh của Chính phủ. Thế nhưng một số tỉnh, thành phố “đẻ” ra nhiều quy định trái với chỉ đạo của Chính phủ trong công tác chống dịch Covid-19.
Ngày 21/8, ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ ký văn bản hướng dẫn: Tất cả các phương tiện vận chuyển hàng hóa tiêu dùng, xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa phục vụ xây dựng, sản xuất, kinh doanh,… từ các địa phương, tỉnh, thành khác đến TP Cần Thơ để giao nhận hàng hóa đều phải đăng ký trước.
Nếu không đăng ký trước thì lực lượng làm nhiệm vụ sẽ không cho phương tiện vào địa bàn TP Cần Thơ.
Vậy là sau khi TP Cần Thơ “đẻ ra giấy phép con”, nhiều doanh nghiệp vận tải chở hàng hóa phải xếp hàng trên quốc lộ 1 để vào TP Cần Thơ.
Lái xe Võ Thành Tân cho biết, xe của ông chở hàng từ thành phố Hồ Chí Minh về Khu công nghiệp Sông Hậu, tỉnh Hậu Giang bị kẹt tại chốt 12 tiếng và được yêu cầu phải đăng ký với Sở Công thương hoặc phải đi vòng xuống thành phố Ngã Bảy. Xe chở hàng đã đăng ký luồng xanh, có mã QR phải chạy đúng tuyến là đi quốc lộ Nam Sông Hậu, mà xe chỉ quá cảnh chứ đâu có vào TP Cần Thơ.
Rất nhiều tài xế cũng bức xúc vì xe chở hàng bị “kẹt” ở TP Cần Thơ.
Ông Lê Trần Huy Hoàng, Công ty CP Dịch vụ chuyển phát nhanh Phương Trang cho biết, đăng ký danh sách theo yêu cầu với Sở Công thương Cần Thơ nhưng nhiều ngày rồi vẫn chưa “thông” được.
Ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ cho biết, số lượng đăng ký nhiều nên giải quyết không kịp và sở đã mở thêm kênh tiếp nhận.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo không kiểm tra xe có mã QR mà chỉ kiểm tra nơi đi, nơi đến tập kết hàng hóa để đảm bảo lưu thông hàng hóa thì TP Cần Thơ đặt ra quy định phương tiện vận tải kể cả có mã QR, tài xế có giấy xét nghiệm âm tính nhưng vẫn không được vào thành phố mà buộc phải trung chuyển hàng hóa là trái ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng.
Trước bức xúc của nhiều doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa, chiều 25/8, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể chủ trì cuộc họp trực tuyến tháo gỡ khó khăn cho vận chuyển nông sản, hàng hóa trong bối cảnh thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đề nghị các địa phương rà soát lại các văn bản đã ban hành. Văn bản nào làm phát sinh thêm chi phí, thời gian, “giấy phép con” phải dừng áp dụng, tạo điều kiện tốt nhất cho lưu thông hàng hóa. Các địa phương cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT trong thực hiện các quy định về lưu thông hàng hóa, bảo đảm quy định phòng, chống dịch.
Tất cả các tuyến đường đều là “luồng xanh” phục vụ vận chuyển hàng hóa, từ đường bộ đến đường thủy. Chúng ta cần tạo thuận lợi tối đa cho các phương tiện có mã QR hoặc chưa có mã QR nhưng đã đáp ứng đầy đủ giấy tờ, thủ tục theo quy định nhanh chóng lưu thông, đề nghị TP Cần Thơ bỏ ngay quy định trung chuyển hàng hóa.
Trong khi Nghị quyết số 86 của Chính phủ đã nêu rõ: Về sản xuất, cung ứng, lưu thông, vận chuyển hàng hóa,Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn tập trung chỉ đạo duy trì hoạt động sản xuất, tránh làm đứt gãy các chuỗi cung ứng lao động, hàng hóa, dịch vụ, vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất nhưng phải bảo đảm, tạo điều kiện cao nhất các yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và chỉ những cơ sở bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh theo quy định mới được phép hoạt động, trên tinh thần an toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn.
Tạo điều kiện cao nhất để vận chuyển, lưu thông hàng hóa, vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất bảo đảm an toàn, liên thông, thống nhất, thông suốt giữa các tỉnh, thành phố, địa bàn; có biện pháp kiểm soát chặt chẽ tại điểm đầu và điểm cuối trong chuỗi cung ứng, lưu thông, vận chuyển hàng hóa.
Chủ động có các giải pháp hỗ trợ bảo đảm sản xuất, cung ứng, lưu thông đối với nhóm hàng hóa là trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc, hóa chất, ô xy y tế, phương tiện, dịch vụ phục vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, ổn định đời sống của người dân, đặc biệt là bảo đảm cung ứng trực tiếp đến người dân ở những khu vực phong tỏa, giãn cách xã hội.
Đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 này diễn biến hết sức phức tạp, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, quân và dân ta đang ngày đêm gồng mình chống dịch, mục tiêu trong tháng 9/2021 phải kiểm soát được dịch bệnh.
Trong khi đó, một số tỉnh, thành phố lúng túng, “đẻ” ra nhiều quy định làm ảnh hưởng đến công tác chống dịch cũng như phát triển kinh tế xã hội, ảnh hưởng đến đời sống người dân đang rất khó khăn.