Đề xuất buộc phải có bằng A0 khi điều khiển phương tiện 50cc trở xuống đang vấp phải phản ứng mạnh mẽ của dư luận, nhất là các phụ huynh học sinh.
Được giao chủ trì soạn thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), Bộ GTVT đề xuất yêu cầu người điều khiển xe máy dưới 50cc cần phải có giấy phép lái xe A0, nhằm thay đổi ý thức tham gia giao thông, nhất là lứa tuổi học sinh THPT. Song, đề xuất này đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều, dư luận cho rằng quy định như vậy là bất hợp lý vì tạo thêm phiền hà cho dân, gây lãng phí...
Nơi tung, nơi hứng
Trong khi Bộ GTVT tung ra đề xuất phải thực hiện việc cấp giấy phép lái xe (bằng lái) A0 cho người điều khiển phương tiện dưới 50cc, thì Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia lập tức “hứng” lấy và đưa ra giải thích: Rất cần thiết vì số vụ tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến người điều khiển loại phương tiện này rất lớn. Theo thống kê của Ủy ban ATGT quốc gia, có tới 90% số vụ TNGT trong các năm gầy đây liên quan đến đối tượng thanh thiếu niên có độ tuổi từ 16-18. Song, Ủy ban ATGT quốc gia lại mập mờ không rõ trong việc: 90% số vụ TNGT do lứa tuổi thanh thiếu niên gây ra là đi loại xe gì, là xe máy 50cc hay chủ yếu là xe máy phân khối lớn!
Tất nhiên, không phủ nhận hiện đối tượng thanh thiếu niên, nhất là những em học sinh THPT đang sử dụng khá nhiều xe máy, xe gắn máy có dung tích xilanh 50cc, xe đạp điện, xe máy điện... để đến trường. Song, con số 90% số vụ TNGT của Ủy ban ATGT quốc gia đưa ra có rất ít những loại xe học sinh đang sử dụng, bởi tốc độ của những loại xe này không cao.
Đó là chưa kể thanh thiếu niên gây ra 90% vụ TNGT không có nghĩa tất cả số đó đều là các em học sinh đi xe máy đến trường. Với việc đưa ra một con số chung chung, không rõ ràng như vậy, Ủy ban ATGT quốc gia đang cố gắng giải thích giúp Bộ GTVT rằng đề xuất buộc phải có bằng lái A0 là hợp lý.
Cả Bộ GTVT và Ủy ban ATGT quốc gia đều đang cố thuyết phục dư luận rằng, việc bắt buộc cấp bằng lái A0 cho người điều khiển phương tiện từ 50cc trở xuống là cần thiết, để nâng cao ý thức khi tham gia giao thông. Vì vậy cần đưa việc cấp bằng lái A0 cho người điều khiển phương tiện dưới 50cc vào vào Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).
Hiện, quy định của Luật Giao thông đường bộ 2008 mới chỉ có 12 hạng giấy phép lái xe, bắt đầu từ A1. Nhưng trong dự thảo luật sửa đổi lần này, Bộ GTVT đề xuất chia giấy phép lái xe thành 17 hạng khác nhau, bắt đầu từ A0.
Thêm phiền hà cho dân
Tuy nhiên, đề xuất buộc phải có bằng A0 khi điều khiển phương tiện 50cc trở xuống đang vấp phải phản ứng mạnh mẽ của dư luận, nhất là các phụ huynh học sinh, vì cho rằng quy định này là bất hợp lý và khó khả thi khi triển khai thực hiện trong thực tế.
Chị Phạm Thanh Huyền (ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho rằng, nếu đề xuất trên được thông qua tức là lại “đẻ” thêm một quy định “trên trời” gây phiền hà cho người dân. Trong khi Chính phủ luôn mong muốn và cam kết xây dựng một Chính phủ kiến tạo, đơn giản hóa mọi quy định, thủ tục, tránh gây phiền hà không cần thiết cho người dân, thì việc yêu cầu người đủ 16 tuổi phải thi bằng lái A0, rồi tới 18 tuổi lại phải thi một lần nữa để lấy bằng A1 là đi ngược lại chủ trương trên.
Việc quàng thêm một chiếc “vòng kim cô” bằng quy định trong luật chỉ khiến người dân thêm “khó thở”, chưa chắc đã giải quyết được mục tiêu đề ra. Ai dám chắc việc buộc học sinh phải có bằng lái A0 sẽ nâng cao được ý thức tham gia giao thông của các em?
Ý thức là phải được xây dựng trên cơ sở đào tạo, tuyên truyền, thuyết phục, mưa dầm thấm lâu, chứ không phải là mệnh lệnh hành chính hay bắt buộc phải có một tờ giấy phép nào đó. Kể cả khi các em học sinh có tìm mọi cách để có được tấm bằng lái A0, có chắc rằng ý thức của chúng sẽ tăng lên, số vụ TNGT do thanh thiếu niên gây ra sẽ giảm?
“Tôi cho rằng, tấm bằng lái A0 chỉ là hình thức, các cháu sẽ tìm cách đối phó để có được nó. Nếu vậy các cháu sẽ hoàn toàn chẳng hiểu gì về về luật, làm sao ý thức tham gia giao thông có thể tăng lên được...” - chị Huyền phân tích.
Tốn kém, lãng phí
Đó là chưa kể, chưa được cấp bằng lái A0 đồng nghĩa với việc các em học sinh không được phép đi xe máy tới trường. Vậy là các bậc phụ huynh lại phải lo thu xếp công việc để đưa đón con đi học, đi thi, vừa mất thời gian và gây thiệt hại về kinh tế - xã hội, vì không thể toàn tâm toàn ý vào công việc được giao.
Sự lãng phí còn thấy rõ, với tấm bằng lái A0 cho người đủ 16 tuổi, cũng có nghĩa với việc khi đủ 18 tuổi các em lại phải tiếp tục thi bằng lái A1 mới có thể điều khiển phương tiện trên 50cc. Điều này tạo ra sự lãng phí, tốn kém tiền bạc, thời gian, công sức của người dân.
“Nếu mục tiêu là nâng cao ý thức tham gia giao thông, tại sao không thay việc thi lấy bằng lái A0 làm tốn tiền của dân, bằng việc tăng thêm các tiết học về ATGT (kể cả lý thuyết lẫn thực hành) trong các trường phổ thông, từ tiểu học, THCS đến THPT. Đó mới thực sự là biện pháp chữa bệnh tận gốc để nâng cao ý thức cho các em học sinh...” - ông Nguyễn Tiến Luật (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) nêu quan điểm.
Trao đổi với phóng viên Đại Đoàn Kết, bà Hoàng Hồng Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế thanh tra (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) thông tin: Tất nhiên việc thi cử sẽ phát sinh một mức phí nhất định. Song, bù lại người điều khiển phương tiện được bồi dưỡng kiến thức pháp luật giao thông đường bộ và các kỹ năng điều khiển phương tiện. Từ đó sẽ tạo ra môi trường giao thông an toàn và hiệu quả, ngăn ngừa nguy cơ tai nạn, góp phần giảm chi phí xã hội.
“Chi phí phát sinh cho việc thi lấy bằng lái A0 không đáng kể so với việc được học luật và các kỹ năng lái xe...” - bà Hạnh giải thích.
Song, vấn đề ở chỗ, dù là “chi phí không đáng kể”, thì người dân bỗng dưng phải tốn thêm một khoản tiền, trong khi cuộc sống còn trăm nghìn khó khăn vất vả khác cần phải lo toan.
Hơn nữa, nói là “không đáng kể”, nhưng với cả triệu người cần có bằng lái A0 thì số tiền học phí, sát hạch sẽ lớn như thế nào, cơ quan nào thu tiền nếu không phải là Bộ GTVT? Đừng vì lợi ích của ngành mình mà khiến người dân thêm khổ sở, tốn kém.