Tôn giáo

Gieo mầm xanh thắp lên những hy vọng

Hoàng Yến 11/04/2025 20:32

Trong không khí của những ngày kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh đã trao hàng trăm cây giống sầu riêng cho bà con đồng bào dân tộc tại xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum với mong mỏi, mỗi mầm xanh được gieo xuống mảnh đất này là thêm hy vọng cho một tương lai tươi sáng hơn.

Sa Thầy là một vùng đất phải gánh chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh. Theo một thống kê chưa đầy đủ, trong chiến tranh, các cánh rừng ở Kon Tum đã phải gánh chịu 346.000 lít chất độc hóa học, trong đó có hơn 34.000 lít chất độc da cam. Chất độc da cam là một trong 4 loại chứa dioxin. Dù chiến tranh đã lùi xa 50 năm, song thảm họa chất độc da cam để lại hết sức nặng nề cho đồng bào các dân tộc tỉnh Kon Tum nói chung và Sa Thầy nói riêng. Nhưng điều kỳ diệu mà chúng tôi bắt gặp trên hành trình trở lại Sa Thầy những ngày này, từ một vùng đất khó, từng là chiến địa đầy rẫy bom mìn, chất độc hóa học, ngay giữa mùa khô khốc liệt trên đồng đất Sa Thầy vẫn tràn đầy sức sống bởi màu xanh cây trái.

Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh và các thành viên trong đoàn công tác trao hỗ trợ cây giống cho bà con đồng bào dân tộc tại xã Rờ Kơi với mong mỏi, mỗi mầm xanh được gieo xuống mảnh đất này là thêm hy vọng cho một tương lai ấm no hơn, tươi sáng hơn. Ảnh: Quang Vinh.
Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh và các thành viên trong đoàn công tác trao hỗ trợ cây giống cho bà con đồng bào dân tộc tại xã Rờ Kơi với mong mỏi, mỗi mầm xanh được gieo xuống mảnh đất này là thêm hy vọng cho một tương lai ấm no hơn, tươi sáng hơn. Ảnh: Quang Vinh.
img_0173.jpg
Hàng trăm cây giống sầu riêng được chuyển đến cho bà con tại xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy,. Ảnh: Quang Vinh.

Là huyện thuần nông, Sa Thầy có gần 500ha đất vườn, hầu như gia đình nào cũng đều có đất vườn rộng từ hàng trăm đến hàng nghìn mét vuông. Tuy có tiềm năng như vậy, nhưng trước đây do nhiều hộ bỏ hoang hoặc sử dụng không hiệu quả gây ra lãng phí nguồn lực từ đất. Để giải quyết bài toán này, Đề án 07 – một đề án mang tính đột phá của Huyện ủy Sa Thầy- phát không cây giống ăn trái có giá trị kinh tế cao cho người dân, từ đó những vùng đất khó như được hồi sinh.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Dương Quang Phục, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Sa Thầy cho biết, Sa Thầy xác định công tác cải tạo vườn tạp là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong định hướng phát triển nông nghiệp, mà chủ lực là cây sầu riêng, hướng tới trở thành vùng chuyên canh cây sầu riêng tập trung lớn trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

img_0155.jpg
Ông Dương Quang Phục, Chủ tịch UBND huyện Sa Thầy. Ảnh: Quang Vinh.

Để hỗ trợ cho bà con trong cải tạo vườn tạp, huyện lồng ghép nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu quốc gia và đặc biệt là nguồn kinh phí xã hội hóa. Đặc biệt, UBND huyện chỉ đạo các đơn vị như Phòng Nông nghiệp, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp các xã, thị trấn vào cuộc, đồng hành cùng người dân, hướng dẫn bà con, từ cách xuống giống, chăm sóc, bố trí tưới nước tiết kiệm theo công nghệ cao, nhờ đó bà con làm chủ được việc chăm sóc cây trồng.

“5 năm qua, vườn cây trái của nhiều hộ gia đình đã cho thu hoạch, có những vườn sầu riêng 1ha thu hơn 5 tỷ đồng. Hộ nào làm được lại hướng dẫn cho hộ chưa biết làm, chỉ nhau làm, cùng nhau làm, bà con càng có thêm niềm tin tham gia đề án. Đến nay đã có 846 hộ đăng ký cải tạo vườn tạp trong năm 2025 với diện tích 208 ha, góp phần nâng diện tích cây ăn quả đạt 2.759,1 ha”, ông Dương Quang Phục cho biết.

Sự trở đi, trở lại của Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh đối với mảnh đất Sa Thầy là những ân tình quý giá. Vì ngoài việc chăm lo cho người nghèo, hỗ trợ kinh phí cây giống, ông còn động viên bà con sống, làm việc theo Hiến pháp, pháp luật, đoàn kết phát triển xây dựng quê hương Sa Thầy ngày càng giàu đẹp. Tinh thần đó đã và đang lan tỏa trong nhân dân, giúp cho bà con thay đổi nếp nghĩ cách làm, đặc biệt là bà con giáo dân có thêm niềm tin, đồng hành cùng chính quyền quyết tâm cùng nhau vươn lên, làm giàu từ mảnh đất này”, ông Dương Quang Phục nhấn mạnh.

img_0156.jpg
Ông A Ngun, ở làng Đăk Đe, xã Rờ Kơi chăm sóc vườn sầu riêng được Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh hỗ trợ từ năm 2023. Ảnh: Quang Vinh.

Sau 5 năm, “chiến dịch” cải tạo vườn tạp đã mang đến một diện mạo mới- một Sa Thầy tràn đầy sức sống. Màu xanh cây trái phủ kín những mảnh vườn và thắp lên những hy vọng.

Chúng tôi tìm gặp ông A Ngun, (dân tộc Xơ Đăng – nhánh Hà Lăng), ở làng Đăk Đe, xã Rờ Kơi khi đang cặm cụi chăm sóc vườn sầu riêng- cây giống được Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh hỗ trợ từ năm 2023. Trước đây cuộc sống vốn đã khốn khó, vườn nhà ông A Ngun lại chỉ trồng cây bời lời vài năm mới thu hoạch một lần, giá thấp nên cũng chỉ được vài triệu đồng. Năm 2023 xã tuyên truyền, vận động cải tạo vườn tạp, gia đình ông đã phá bỏ diện tích cây bời lời và nhận được hỗ trợ 65 cây giống sầu riêng từ Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh. Theo ông A Ngun, cán bộ xã thường xuyên đến hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc nên sau hơn 1 năm vườn cây phát triển rất tốt.

Chăm sóc và mong đợi cây lớn từng ngày, A Ngun bảo mấy năm nay, chỉ mong được gặp Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh để nói lời cảm ơn tấm lòng của Hiệp sĩ đã dành cho gia đình ông. “Món quà của Hiệp sĩ đã mang tới cho gia đình chúng tôi động lực để thay đổi vươn lên từ chính mảnh vườn của mình”, ông A Ngun chia sẻ.

Dẫn chúng tôi thăm những vườn cây ăn trái đang trổ lá mơn mởn của nhiều hộ gia đình trong làng Đắk Đe, ông Mai Nhữ Nam, Chủ tịch UBND xã Rờ Kơi chia sẻ, xã đã thành lập một tổ đội, hàng ngày chia nhau đi đến từng hộ gia đình để đồng hành cùng bà con chăm sóc cây trái. Với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể, đặc biệt là có sự hỗ trợ của Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, có nghị lực vươn lên làm giàu. Từ năm 2023 đến nay xã đã trồng gần 300ha cây ăn trái theo Đề án cải tạo vườn tạp.

img_0171.jpg
Ông Mai Nhữ Nam, Chủ tịch UBND xã Rờ Kơi. Ảnh: Quang Vinh.

Đây là lần thứ ba, Hiệp sĩ Đại thánh giá Lê Đức Thịnh về với Sa Thầy để trao hỗ trợ cây giống cho bà con đồng bào dân tộc với mong mỏi, mỗi mầm xanh được gieo xuống mảnh đất này là thêm hy vọng cho một tương lai ấm no hơn, tươi sáng hơn.

img_0172.jpg
Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh và các thành viên trong đoàn công tác trao hỗ trợ 400 triệu đồng cho quỹ giống cây trồng huyện Sa Thầy. Ảnh Quang Vinh.

Theo Hiệp sĩ Đại thánh giá Lê Đức Thịnh, sau 5 năm triển khai đề án, thành công của huyện Sa Thầy trong cải tạo vườn tạp không chỉ ở những con số biết nói, mà còn cho thấy trách nhiệm của đội ngũ cán bộ đối với người dân nơi đây.

Đến thăm những vườn cây đang trổ lá, chia sẻ với từng người dân, Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh cho rằng, ông cảm nhận được niềm vui và niềm tin của người dân khi tham gia đề án này. Điều đặc biệt hơn nữa, việc tham gia đề án đã làm thay đổi nhận thức của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số trong thay đổi nếp nghĩ, cách làm, có ý chí, khát vọng vươn lên thoát nghèo và phát triển kinh tế.

“Đồng bào ấm no thì chúng ta hạnh phúc. Đó là một minh chứng sinh động cho tinh thần đoàn kết của chính quyền và người dân nơi đây đang nỗ lực viết tiếp những bài ca chiến thắng trong lao động sản xuất và xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”.

Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh

50 năm ngày đất nước thống nhất, cũng là 50 năm Sa Thầy, Kon Tum vươn lên đổi mới. Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh cho rằng, để có hòa bình, thống nhất, dân tộc ta đã phải đánh đổi xương máu của biết bao thế hệ, trong đó có những người con của Sa Thầy. “Máu của họ đã len vào mảnh đất, thịt xương của họ đã trộn lẫn với non sông và anh hồn của họ đã làm nên tấm tình chung để hòa hợp thành linh hồn Việt” ông Lê Đức Thịnh chia sẻ và khẳng định, với những người hậu sinh như chúng ta phải có trách nhiệm lan tỏa yêu thương, gìn giữ hòa bình, độc lập, chủ quyền để dựng xây tương lai.

img_0165.jpg
Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh cho rằng, với những người hậu sinh như chúng ta phải có trách nhiệm lan tỏa yêu thương, gìn giữ hòa bình, độc lập, chủ quyền để dựng xây tương lai. Ảnh: Quang Vinh.

Trong không khí xúc động thân tình, Hiệp sĩ Đại thánh giá Lê Đức Thịnh và đoàn công tác đã bày tỏ sự tri ân, trao hàng trăm suất quà cho các cựu chiến binh, các gia đình chính sách trên địa bàn huyện Sa Thầy.

Ông Đặng Quốc Cảnh, ở thôn 1, thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy- người cựu binh đã đi qua nhiều chiến trường, từ Quảng Trị (1973) cho đến chiến tranh biên giới (1976) ở Gia Lai, Kon Tum cho rằng, những người đi qua chiến tranh sẽ thấm thía giá trị của hòa bình, thống nhất hơn ai hết. Chúng ta có thể có nhiều thứ trong cuộc đời, nhưng Tổ quốc chỉ có một. Sau 50 năm thống nhất đất nước, Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới để thấy tất cả những hy sinh của các vị tiền bối, của các thế hệ người Việt là không uổng phí.

img_0127.jpg
Cựu chiến binh Đặng Quốc Cảnh chia sẻ, những món quà của Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh không chỉ là món quà từ trái tim của một người Công giáo ưu tú, không chỉ đại diện cho một tôn giáo mà là đại diện cho đoàn kết các tôn giáo, đoàn kết Việt Nam. Ảnh: Lê Na

“Tôi rất cảm động khi nhận món quà của Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh. Ông đã dành nhiều tình cảm sâu nặng cho mảnh đất Kon Tum, từ chăm lo cho đồng bào dân tộc nghèo đến tri ân các gia đình chính sách. Đó không chỉ là món quà từ trái tim của một người Công giáo ưu tú, không chỉ đại diện cho một tôn giáo mà là đại diện cho đoàn kết các tôn giáo, đoàn kết Việt Nam. Đoàn kết chính là sức mạnh giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn, chiến thắng mọi kẻ thù để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc này” cựu chiến binh Đặng Quốc Cảnh xúc động chia sẻ.

Đối với Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh, 40 năm qua, bằng những nỗ lực, vượt lên chính mình, thông qua hành trình thiện nguyện, bác ái, ông đã mang lại nhiều giá trị thiết thực cho Giáo hội và xã hội. Nhất là với vùng đất Tây Nguyên, trong đó có Kon Tum, nơi ông luôn trở lại với những ân tình.

Đó là tháng ngày thầm lặng bắc những nhịp cầu để mối quan hệ giữa các cấp chính quyền và các linh mục, giáo xứ ngày một hiểu nhau hơn. Đó là những chuyến xe ngược xuôi, lặn lội tìm đến bản làng vùng đồng bào dân tộc để cùng chính quyền nâng đỡ cuộc sống cho người nghèo, trẻ em mồ côi, khuyết tật…Những chuyến đi không chỉ giúp đỡ về vật chất mà còn làm chuyển biến nhận thức của những người Công giáo nói chung, đồng bào nghèo nói riêng và cả những người trước đây từng lầm lỡ, nghe theo kẻ xấu xúi giục đi không đúng hướng, hiểu hơn về trách nhiệm không chỉ với bản thân, gia đình mà còn với cộng đồng, xã hội.

Tước phẩm Hiệp sĩ có từ năm 1831, thể hiện sự tri ân của Giáo hoàng đối với giáo dân có công lớn trong giáo hội và xã hội. Hiệp sĩ Đại thánh giá là một trong những cấp bậc cao. Ông Lê Đức Thịnh và vợ là bà Nguyễn Thị Kim Yến được Giáo hoàng Benedict 16 ban tước phẩm Hiệp sĩ Đại thánh giá và Hiệp sĩ Đại thánh giá Phu nhân vào ngày 12/6/2007. Kể từ năm 1831 cho đến nay, trên thế giới có 13 Hiệp sĩ Đại thánh giá, trong đó ông Lê Đức Thịnh là người châu Á đầu tiên được Giáo hoàng phong tước phẩm. Bà Nguyễn Thị Kim Yến cũng là người phụ nữ đầu
tiên được Giáo hoàng phong tước phẩm Hiệp sĩ Đại Thánh giá.

Nhắc tới những tình cảm sâu nặng của Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh với Kon Tum, ông Nguyễn Đức Tuy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum đã thay mặt lãnh đạo tỉnh cảm ơn những đóng góp của Hiệp sĩ Đại thánh giá Lê Đức Thịnh đối với sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc trên vùng đất này cũng như sự hỗ trợ, tiếp sức của ông trong hỗ trợ bà con cây giống cải tạo vườn tạp, góp phần phát triển kinh tế.

img_0161.jpg
Ông Nguyễn Đức Tuy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum thân mật đón tiếp Hiệp sĩ Đại thánh giá Lê Đức Thịnh. Ảnh: Quang Vinh.

Ông Nguyễn Đức Tuy mong muốn, bằng uy tín của mình, trong thời gian tới, Hiệp sĩ Đại thánh giá Lê Đức Thịnh sẽ tiếp tục có nhiều đóng góp cho Giáo hội Công giáo Việt Nam và xã hội, nhất là tại tỉnh Kon Tum bằng nhiều việc làm thiện nguyện, hữu ích cho đời, vận động đồng bào giáo dân đoàn kết, cùng chung sức xây dựng quê hương Kon Tum ngày càng phát triển.

Thông qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Kon Tum, Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh và đoàn công tác đã trao 100 triệu đồng ủng hộ Quỹ vì người nghèo. Tại huyện Sa Thầy, Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh và đoàn công tác đã trao tặng 300 phần quà cho các gia đình
chính sách và đồng bào nghèo, mỗi phần trị giá 1 triệu đồng gồm nhu yếu phẩm và tiền mặt. Đoàn cũng đến thăm xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy và trao tặng 400 triệu đồng hỗ trợ quỹ giống cây trồng giúp bà con cải tạo vườn tạp, ổn định sản xuất và phát triển kinh tế bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gieo mầm xanh thắp lên những hy vọng