Gìn giữ tinh hoa làng nghề thời 4.0

PHẠM NGỌC HÀ 11/09/2023 14:56

Người Việt Nam tự hào có những làng nghề truyền thống đã tồn tại hàng trăm năm, vang danh xứ người. Thế nhưng, theo năm tháng, các làng nghề truyền thống đang ngày càng mai một. Bên cạnh đó, thời đại công nghệ 4.0 cũng đặt ra nhiều thách thức cho các làng nghề, đòi hỏi công tác duy trì, bảo vệ và phát triển làng nghề cần sự chung tay của nhiều thế hệ.

Anh Ngô Quý Đức trải nghiệm tại làng gốm Quế tại Hà Nam

Nhiều làng nghề sẽ biến mất?

Hà Nội quy tụ khoảng 1.350 làng nghề và làng có nghề, chiếm khoảng 56% tổng số làng ở khu vực nông thôn; trong đó có 318 làng nghề được công nhận làng nghề truyền thống - hội tụ 47/52 nghề trong tổng số nghề truyền thống của cả nước. Nhắc đến Hà Nội thì làng lụa Vạn Phúc và làng gốm Bát Tràng chắc hẳn sẽ là những điểm du lịch làng nghề thu hút đông đảo khách tham quan, mua sắm hiện nay.

Nếu như làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông) nức tiếng với nghề dệt lụa truyền thống, trở thành một sản phẩm của văn hóa, biểu tượng của cái đẹp, của vùng đất Hà Đông, thì làng nghề gốm Bát Tràng (Gia Lâm) vẫn giữ được những nét truyền thống vốn có của một nghề làm đẹp từ đất. Làng gốm Bát Tràng được xem như là một bảo tàng nghệ thuật sống động, chứa đựng một giá trị văn hóa và niềm tự hào của người dân Hà thành nói riêng và Việt Nam nói chung, hiện đang là một địa điểm du lịch hấp dẫn du khách trong nước, quốc tế.

Có thể thấy hai làng nghề truyền thống trên đã và đang được đầu tư phát triển cả về văn hóa và du lịch trải nghiệm. Đây là những tín hiệu tích cực trong công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị làng nghề. Tuy nhiên khi so sánh với số liệu thống kê của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, hiện cả nước có 5.400 làng nghề, trong đó có khoảng 2.000 làng nghề truyền thống, đã cho chúng ta thấy thực trạng số lượng làng nghề được tập trung phát triển hiện đang là rất ít. Bởi vậy đã dẫn đến tình trạng nhiều làng nghề phải đối mặt với sự biến mất trong tương lai gần.

Trải qua lịch sử hàng trăm năm, các làng nghề không chỉ hội tụ tinh hoa văn hóa dân tộc mà còn chứa đựng những giá trị về cảnh quan thiên nhiên, kiến trúc hay di tích lịch sử. Tên nghề gắn chặt với tên làng, in đậm dấu ấn văn hóa như: Nón làng Chuông, đồng Đại Bái, lụa Vạn Phúc… Không chỉ vậy, các làng nghề truyền thống còn gắn kết mạnh mẽ với những phong tục, lễ hội và nghi lễ truyền thống của dân tộc. Thông qua quá trình sản xuất và truyền đạt kỹ thuật, người làm nghề đã truyền bá và duy trì các giá trị văn hóa sâu sắc của Việt Nam qua các thế hệ. Vậy mà theo năm tháng, các làng nghề truyền thống ngày càng mai một. Về làng chỉ thấy người lớn tuổi làm nghề còn người trẻ lại vắng bóng.

Theo phân tích của các chuyên gia xã hội học, nguyên nhân dẫn đến sự mai một, biến mất của làng nghề là sự mất cân đối giữa cung và cầu trong hoạt động làng nghề. Với sự phát triển của nền kinh tế và công nghiệp hiện đại, nhu cầu tiêu dùng thay đổi, các sản phẩm công nghiệp giá rẻ, tiện lợi thường được ưa chuộng hơn.

Các sản phẩm từ nước ngoài hoặc các mô hình kinh doanh công nghiệp lớn khác cũng đang tạo ra sức ép cạnh tranh lên làng nghề truyền thống. Thiếu nguồn lực và công nghệ hiện đại để cải tiến sản phẩm, làng nghề truyền thống gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu hoặc công nghiệp.

Cùng với đó, sự thiếu hụt nguồn nhân lực trẻ, thiếu nhân lực kế thừa nghề truyền thống cũng là nguyên nhân khiến các làng nghề mai một dần. Các làng nghề truyền thống thường gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn, công nghệ và thị trường. Chính sách hỗ trợ và khuyến khích phát triển làng nghề chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tế. Bởi vậy, câu chuyện làng nghề hôm nay cần nhiều hơn nữa những cánh tay nối dài con đường cho nghề truyền thống.

Không gian trưng bày dự án “Việt Nam ơi - Tinh hoa làng nghề Việt” của anh Đào Đức Hiếu.

Người trẻ về làng giữ nghề

Nhận thức được giá trị của làng nghề truyền thống, đã có không ít bạn trẻ mạnh dạn chọn con đường trở về làng để giữ nghề. Bằng sự nhiệt huyết và trái tim hướng về những tinh hoa văn hóa, những người trẻ như Ngô Quý Đức, Đào Đức Hiếu... đã thực hiện một số dự án để bảo tồn và phát huy nghề truyền thống bằng cách làm mới mẻ.

Ấp ủ và gây dựng dự án “Về làng”, anh Ngô Quý Đức đã dành 17 năm đi khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam để tìm về các làng nghề truyền thống. Đến năm 2020, sau khi tích lũy được kha khá những “mảnh ghép” làng nghề, dự án chính thức được triển khai với mong muốn lan tỏa những câu chuyện, những giá trị văn hóa của nghề thủ công truyền thống ở các làng quê Việt đến cộng đồng.

Với “Về làng”, Ngô Quý Đức nhận được sự giúp đỡ của nhiều nhà nghiên cứu văn hóa. Trong đó, những chuyến du khảo văn hóa đến các làng nghề, hay các hoạt động bảo tồn văn hóa truyền thống thu hút được nhiều lứa tuổi. Vì tính độc đáo cũng như việc dễ bị tổn thương, các sản phẩm được tạo ra từ chất liệu dân gian luôn cần được nâng niu và bảo vệ, đòi hỏi lớp kế thừa để tiếp tục lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Vì vậy, điều "Về làng" hướng đến là chất liệu văn hóa dân gian có thể được "sống" bền vững, hay tự bảo tồn ở các vùng nông thôn - nơi mà nét truyền thống vẫn được trân trọng, vẫn mang đậm sắc màu của làng quê Việt.

Anh Ngô Quý Đức lựa chọn việc chia sẻ và hỗ trợ các đơn vị sản xuất ở các làng nghề có thể tiếp cận đến công nghệ, cũng như các ứng dụng trong việc chuyển đổi số. Đây cũng là một vấn đề luôn được “Về làng” thúc đẩy trong suốt thời gian qua. Anh Đức chia sẻ: “Dự án “Về làng” đã phần nào giúp các làng nghề tiếp cận hơn với công nghệ, để các đơn vị sản xuất, người thợ thủ công có thể tiết kiệm công sức, nâng cao chất lượng của sản phẩm làm ra so với sử dụng các công nghệ cũ trước đây. Ngoài ra việc ứng dụng chuyển đổi số vào việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm cũng như tiếp cận các đối tác, khách hàng cũng giúp cho một số đơn vị mở rộng được đầu ra cho sản phẩm của mình".

Với các thông tin về làng nghề tại nhiều địa phương như: Hà Nội, Hải Dương, Nam Định, Thừa Thiên Huế..., trang web của dự án “Về làng” đã và đang dần trở thành địa chỉ quen thuộc của những ai muốn tìm hiểu về nghề truyền thống, hoặc đơn giản là tìm mua một món đồ chơi tuổi thơ hay các sản phẩm thủ công như: Con quay gỗ, tàu thủy sắt Tây, phỗng đất làng Hồ, chuồn chuồn tre... Những video sống động về các làng nghề: Nghề mộc Kim Bồng (Quảng Nam), nghề đệm bàng Phò Trạch (Thừa Thiên Huế) hay điêu khắc gỗ dân gian của người Jrai (Gia Lai)... càng thôi thúc du khách đến tận nơi trải nghiệm và khám phá.

Ngô Quý Đức dự định trong thời gian tới, “Về làng” sẽ kết hợp với những người thợ thủ công ở các làng nghề để ra mắt các sản phẩm có tính ứng dụng trong đời sống hiện đại, nhưng các sản phẩm vẫn sẽ mang trong mình một câu chuyện truyền tải các ý nghĩa về văn hóa và các giá trị riêng mà ông cha ta đã gửi gắm từ bao đời nay.

Xuất phát từ tình yêu làng nghề, anh Đào Đức Hiếu - người con của núi rừng Tây Bắc đã thành công quảng bá trà Shan Tuyết cổ thụ. Anh cũng đang góp sức thực hiện dự án “Việt Nam ơi - Tinh hoa làng nghề Việt” nhằm bảo tồn, khơi dậy những giá trị của làng nghề truyền thống.

Chia sẻ về dự án này, anh Hiếu cho biết trước mắt anh đang cố gắng quy tụ để trưng bày các sản phẩm thủ công làng nghề trong không gian của Tinh hoa làng nghề Việt. Hiện đã có lụa đũi Nam Cao - Thái Bình, tranh sơn mài Hạ Thái, trầm - Khánh Hòa, mây tre đan - Phú Vinh... được trưng bày. “Khi bắt tay vào thực hiện, tín hiệu tốt đó là tôi không chỉ nhận được sự quan tâm của các nghệ nhân tại các làng nghề mà còn nhận được sự quan tâm ủng hộ cực kỳ lớn của các cơ quan chức năng địa phương về việc khôi phục, phát triển và gìn giữ bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam. Song điều khó nhất đó là nghệ nhân của các làng nghề đã cao tuổi, trong khi lớp con cháu lại không muốn theo nghề. Một cánh én nhỏ thì không thể làm nên mùa xuân, cũng giống như việc một mình tôi thì khó có thể đi hết hơn 2.000 làng nghề để chia sẻ cho họ hiểu về tầm quan trọng của việc gìn giữ và phát huy giá trị làng nghề nơi họ sống. Vậy nên tôi cần thêm cánh tay nối dài để có thể truyền tải thông điệp đó”, anh Đào Đức Hiếu chia sẻ.

Trong khuôn khổ dự án, anh Hiếu cho biết đã cùng các cộng sự chú trọng đến việc quảng bá sản phẩm làng nghề: “Trong thời 4.0, internet kết nối toàn cầu, nếu mình khôi phục và xây dựng được cả chất lượng và hình ảnh của sản phẩm tốt thì chắc chắn các làng nghề sẽ có cơ hội được tiếp cận với nhiều đối tượng khách hàng. Vì thế chúng tôi đã xây dựng website vietnamoi.vn tích hợp thương mại điện tử. Khách hàng có thể mua hàng online, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý”.

Làm gì để làng nghề “tự sống”?

Những năm qua, ý thức được giá trị của các làng nghề truyền thống trong bức tranh văn hóa Việt Nam, Chính phủ đã ban hành “Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030”. Mục tiêu của Chương trình nhằm bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề nhằm gìn giữ và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của làng nghề Việt Nam, thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, giá trị gia tăng cho các sản phẩm làng nghề; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân; bảo vệ cảnh quan, không gian và môi trường, xây dựng các khu dân cư, làng văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn bền vững.

Chương trình đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 khôi phục, bảo tồn được ít nhất 129 nghề truyền thống và 208 làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền; công nhận mới 213 nghề và 96 làng nghề truyền thống; phát triển khoảng 301 làng nghề gắn với du lịch; trên 80% làng nghề, làng nghề truyền thống hoạt động có hiệu quả.

Muốn hiện thực hóa điều đó cần phải lắng nghe mong muốn của những người trực tiếp làm nghề. Thực tế hiện nay, nhiều làng nghề đang “thoi thóp” chỉ còn duy nhất hoặc một vài gia đình trong làng giữ nghề truyền thống. Như làng nghề đậu bạc Định Công (Hà Nội). Theo chia sẻ của nghệ nhân Quách Phan Tuấn Anh, nghề đậu bạc hiện đang rất thiếu người thợ có tay nghề. Ở làng hiện chỉ còn 1-2 gia đình còn theo nghề đậu bạc vốn rất cần sự kiên nhẫn, khéo léo, tỉ mỉ.

Trường hợp khác, KTS Nguyễn Giang - người con của làng mộc Chàng Sơn chia sẻ rằng anh nhìn thấy câu chuyện của những làng nghề truyền thống đang rất ít người theo là bởi với nghề không giúp họ lo đủ cơm áo, vì vậy việc truyền nghề truyền thống ở làng mộc Chàng Sơn cũng không tránh khỏi thực tế này.

Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để đánh thức tiềm năng làng nghề, chỉ khi sống được với nghề thì làng nghề mới có thể tồn tại và phát huy giá trị. Khi cuộc sống của người làm nghề được đảm bảo thì họ mới có thể suy nghĩ đến việc sáng tạo các sản phẩm mới hay sử dụng công nghệ 4.0 để giúp ích cho công việc cũng như quảng bá cho sản phẩm của làng. Bởi vậy, điều cốt lõi để gìn giữ và phát triển làng nghề truyền thống vẫn nằm ở yếu tố con người.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gìn giữ tinh hoa làng nghề thời 4.0

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO