Tôn giáo

Gìn giữ và tôn vinh giá trị của hòa bình

Hoàng Yến 19/04/2025 17:09

Trong không khí của những ngày kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, đoàn công tác của Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh đã trở về Quảng Trị- vùng “đất lửa”- nơi chứng kiến khát vọng sống, khát vọng hòa bình bất diệt của dân tộc Việt Nam để tri ân các cựu chiến binh, các gia đình chính sách với mong muốn lan toả yêu thương, gìn giữ và tôn vinh giá trị của hoà bình.

Năm 1954, Hiệp định Geneva được ký kết đã chia đất nước thành hai miền Nam-Bắc, lấy cầu Hiền Lương nằm trên vĩ tuyến 17 thuộc huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị làm giới tuyến quân sự tạm thời. Suốt 20 năm, cầu Hiền Lương, sông Bến Hải đã trở thành biểu tượng của nỗi đau chia cắt đất nước và cũng là khát vọng thống nhất non sông của cả dân tộc. Nỗi đau và khát vọng đã trở thành sức mạnh quật cường để rồi quân và dân Quảng Trị góp phần làm nên thắng lợi chung của cả dân tộc, cùng đất nước đi tới ngày thống nhất.

img_0314.jpg
Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9, nơi yên nghỉ của hơn 10.000 cán bộ, chiến sĩ. Ảnh Quang Vinh.

Nhưng để có hoà bình, thống nhất, cũng như nhiều địa phương trên đất nước này, máu xương của biết bao thế hệ người Việt đã phải đánh đổi. Quảng Trị có tới 72 nghĩa trang liệt sĩ, trong đó có 2 nghĩa trang liệt sĩ cấp quốc gia (Nghĩa trang Đường 9 và Nghĩa trang Trường Sơn). Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn với hơn 10.000 phần mộ chí. Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9 là nơi yên nghỉ của hơn 10.000 cán bộ, chiến sĩ. Trong 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị (1972), cũng gần ngần ấy người con đất Việt đã ngã xuống. Đây chính là trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam - được mệnh danh là “mùa hè đỏ lửa”, với sự huy động hỏa lực lớn chưa từng có. Thành cổ, sông Thạch Hãn đã trở thành những “nghĩa trang không bia mộ”. Xương máu các anh đã hóa thân trong từng tấc đất, ngủ sâu trong lòng đất mẹ Quảng Trị, hòa vào mênh mang sóng nước…cho hôm nay bầu trời Quảng Trị bình yên trong mỗi sớm mai.

img_0315.jpg
img_0307.jpg
Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh thắp hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ. Ảnh: Quang Vinh.

Hoà vào dòng người nối nhau chầm chậm một lối về tri ân, Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh và đoàn công tác đã đến dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9. Tiếng chuông ngân vang giữa không gian linh thiêng và đàn chim bồ câu sà xuống bên nhà hành lễ như một lời nhắc nhớ về khát vọng hòa bình.

Đàn chim bồ câu hoà bình ở Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9. Ảnh Quang Vinh.
Đàn chim bồ câu ở Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9. Ảnh Quang Vinh.

50 năm sau ngày đất nước thống nhất, những ầm ào đạn bom đã lùi sâu vào quá khứ, Quảng Trị hay bất cứ nơi nào trên dải đất hình chữ S, nơi mà mưa bom bão đạn dội xuống năm nào đều đã thay màu đổi mới và cả khi những màu xanh chưa kịp phủ kín những hố bom thì vẫn còn đó một dòng ký ức lặng lẽ chảy trong tâm tư mỗi người khi đến nơi này.

img_0292.jpg
Cựu chiến binh Lê Thị Thận nhớ những đồng đội đã ngã xuống. Ảnh: Quang Vinh.

Có người lính mái tóc bạc phơ, cứ đến những ngày này lại tìm về chiến trường xưa, thắp nén nhang cho đồng đội. Họ là những người may mắn trở về. Cựu chiến binh Lê Thị Thận, ở thôn Thuận 4, xã Thuận, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị bảo rằng, 50 năm trôi qua, chân đã mỏi, gối đã chùng, thân thể luôn bị vết thương cũ hành hạ nên ngay cả những người sống sót trở về không phải ai cũng có điều kiện trở lại thắp nén nhang cho đồng đội. Đồng đội của bà đã nằm xuống, tuổi thanh xuân cũng gửi lại chiến trường trong những ngày tháng khốc liệt nhất của đất nước. Nhưng ngay cả trong bom rơi lửa đạn vẫn ngời sáng ý chí chiến đấu và tình yêu với cuộc sống, với gia đình, với quê hương.

img_0304.jpg
Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh cho rằng, phải đến Quảng Trị, chạm vào những chứng tích của chiến tranh mới cảm nhận hết sự thiêng liêng của một mảnh đất anh hùng. Ảnh: Quang Vinh.

Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh cho rằng, phải đến Quảng Trị, chạm vào những chứng tích của chiến tranh mới cảm nhận hết sự thiêng liêng của một mảnh đất anh hùng. Mỗi tấc đất, dòng sông, mỗi địa danh và con người ở nơi này đều ghi đậm dấu tích của một thời đạn bom với khát vọng sống, khát vọng hòa bình và khát vọng vươn lên của cả dân tộc. 50 năm trôi qua, những nơi từng là đống tro tàn đổ nát trong chiến tranh như cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, sông Thạch Hãn, Thành cổ, làng Vây, Khe Sanh, Đường 9, Cồn Tiên, Dốc Miếu…nay đã đổi thay vươn mình lớn dậy, khẳng định khát vọng hoà bình, viết tiếp bài ca anh hùng trong xây dựng quê hương.

img_0322.jpg
Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh trao những món quà tri ân cho các cựu chiến binh, gia đình chính sách trên địa bàn huyện Đăkrông, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Quang Vinh.

Chia sẻ và trao những món quà tri ân cho các cựu chiến binh, các gia đình chính sách trên địa bàn hai huyện Đăkrông, Hướng Hóa, Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh cho rằng, hòa bình không chỉ là sự vắng bóng của chiến tranh mà còn là giá trị sống cao quý nhất của con người. Cho nên hòa bình còn là sự bình an, đồng hành, cộng tác và yêu thương giữa các quốc gia, giữa các cộng đồng dân tộc, tôn giáo và giữa con người với con người. Với những người hậu sinh như chúng ta phải có trách nhiệm lan tỏa yêu thương, gìn giữ và tôn vinh giá trị của hòa bình để dựng xây tương lai.

img_0283.jpg
Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh thăm hỏi, chia sẻ với những người lính từng vào sinh ra tử. Ảnh: Quang Vinh.
img_0316.jpg
Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh cùng các cựu chiến binh huyện Hướng Hoá cùng hát vang bài "Cô gái Pa Kô". Ảnh: Quang Vinh.

Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh cho rằng, hòa bình không chỉ là sự vắng bóng của chiến tranh mà còn là giá trị sống cao quý nhất của con người. Cho nên hòa bình còn là sự bình an, đồng hành, cộng tác và yêu thương giữa các quốc gia, giữa các cộng đồng dân tộc, tôn giáo và giữa con người với con người. Với những người được hưởng nền hoà bình độc lập như chúng ta phải có trách nhiệm lan tỏa yêu thương, gìn giữ và tôn vinh giá trị của hòa bình để dựng xây tương lai.

Người Công giáo có câu “Phúc cho ai xây dựng hòa bình”. Tâm tình đó được Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh gắn vào mình như một hành trang, và là động lực để vượt qua những trở ngại. Vì ước muốn dựng xây hòa bình nên ông luôn lấy ích lợi của dân tộc và của Giáo hội làm đầu. 40 năm qua là một hành trình thầm lặng và bền bỉ của ông Lê Đức Thịnh trong giúp đỡ chính quyền và Giáo hội gỡ bỏ những rào cản cách biệt, giảm đi những hiểu lầm, tích cực xây dựng kênh đối thoại trong thông cảm và tôn trọng. 40 năm cũng là hành trình tìm đến sẻ chia với nhiều thân phận nghèo khổ. Không chỉ giúp đỡ người nghèo, Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh còn khơi dậy nhân đức bác ái trong mỗi người để cùng chung tay vào công tác an sinh xã hội. Ông luôn tâm niệm rằng, mình làm tốt, người khác nhìn vào cùng tham gia thì thi đua yêu nước mới lan tỏa. Trong khó khăn mà phát huy được tình đoàn kết thì dù khó mấy cũng sẽ tìm thấy hạnh phúc. Chính vì những nỗ lực không ngừng nghỉ cho đất nước và Giáo hội, ông Lê Đức Thịnh là người châu Á đầu tiên được Toà thánh Vatican ban tước phẩm Hiệp sĩ Đại Thánh giá từ năm 2007.

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, tại tỉnh Quảng Trị, Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh và đoàn công tác đã trao tặng 400 suất quà cho các cựu chiến binh, gia đình chính sách trên địa bàn hai huyện Đăk Rông và Hướng Hoá, mỗi phần quà trị giá 1,5 triệu đồng. Đoàn cũng tới thăm, tri ân và chia sẻ với ông Trần Văn Khai, 91 tuổi, thương binh hạng 3, ở khối 3A, thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hoá; thăm Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Trị và ủng hộ 200 triệu đồng cho Quỹ Vì người nghèo tỉnh Quảng Trị. Cũng nhân dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh và đoàn công tác đã tới thăm và động viên cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị; gửi tặng nhiều Tủ thuốc biên cương cho bộ đội biên phòng TP.Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh và Nghệ An. Những hoạt động trên nằm trong chuỗi các hoạt động “uống nước nhớ nguồn” được triển khai tại một số tỉnh với sự phối hợp của Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Việt Phú An, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội.

Cầm trên tay món quà tri ân của Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh và đoàn công tác, bệnh binh Nguyễn Hữu Chỉnh, ở thôn Lương Lễ, xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa xúc động nhớ tới những đồng đội không bao giờ trở về. “Món quà của Hiệp sĩ – một người con ưu tú của đồng bào Công giáo không chỉ dành riêng cho tôi mà còn kính dâng cho những đồng đội đã ngã xuống của tôi nữa. Chúng tôi vô cùng cảm động và trân quý sự quan tâm của chính quyền, Mặt trận và những người như Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh luôn dành ân tình này cho các cựu chiến binh, các gia đình chính sách. Đây là động lực để chúng tôi tiếp tục phát huy tinh thần của người chiến sĩ bộ đội Cụ Hồ trong thời bình, bảo ban con cháu góp sức dựng xây quê hương”, ông Nguyễn Hữu Chỉnh chia sẻ.

img_0291.jpg
Ông Đào Mạnh Hùng, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Quang Vinh.

Trân trọng những nghĩa cử của Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh và đoàn công tác, ông Đào Mạnh Hùng, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam Tỉnh Quảng Trị cho rằng, hành trình của Hiệp sĩ Đại thánh giá Lê Đức Thịnh đang đi là hành trình của một người Công giáo tiêu biểu trong hòa hợp dân tộc, đoàn kết các tôn giáo, hướng mọi người đến giá trị chân, thiện, mỹ, giá trị của hòa bình và những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống.

Theo ông Đào Mạnh Hùng, Quảng Trị là mảnh đất chịu ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh và sau chiến tranh. Quảng Trị hiện có 120.000 gia đình chính sách, hơn 11.500 hộ nghèo, cận nghèo. Trong điều kiện hết sức khó khăn nhưng cả hệ thống chính trị Quảng Trị đã dành tất cả tình cảm cũng như nguồn lực đầu tư của địa phương và nguồn lực của xã hội để chăm sóc cho hộ nghèo và các gia đình chính sách.

img_0319.jpg
Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh và đoàn công tác thăm hỏi, tri ân gia đình ông Trần Văn Khai, 91 tuổi, thương binh hạng 3, ở khối 3A, thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Quang Vinh.

Trong dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, Quảng Trị đã thăm hỏi, chăm sóc toàn bộ gia đình chính sách và các hộ gia đình chính sách gặp khó khăn về nhà ở. Cùng với nguồn ngân sách của Trung ương và của địa phương chúng tôi sẽ hoàn thành việc xây dựng và sửa chữa nhà cho gia đình chính sách trước thời điểm 30/6 năm nay. Cùng với đó, thực hiện Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025, chúng tôi cũng đang nỗ lực vận động, hỗ trợ 5.825 hộ đang khó khăn về nhà ở hoàn thành trước 30/6 năm nay”, ông Đào Mạnh Hùng chia sẻ và cho biết, trong những ngày này, rất nhiều hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo đã được sống trong ngôi nhà mới.

Là người con của quê hương Quảng Trị, với ông Đào Mạnh Hùng, cái giá của hòa bình là sự hy sinh xương máu của lớp lớp cha ông. Điều đó rất thiêng liêng và không bao giờ được quên lãng. Cho nên trách nhiệm của những người con trên quê hương Quảng Trị là làm sao để hòa bình, độc lập dân tộc ngày càng trường tồn, đời sống người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Chúng tôi nhớ mãi buổi hôm đó, giữa lồng lộng nắng gió ở thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa, Hiệp sĩ Đại Thánh giá Lê Đức Thịnh đã bắt nhịp cùng các cựu chiến binh ca vang bài hát “Cô gái Pa Kô”: Ơ vì đất nước quê hương em bước lên đường/ Chan chứa tình rừng xanh yêu thương/ Gửi theo anh bộ đội giải phóng/ Tình em mong lòng em chờ/ Ngày chiến thắng nhớ về thăm bản em/ Rừng hương cây sắc hoa thơm ngọt ngào/ Đẹp tựa ngàn cánh sao lung linh để rừng thương núi nhớ/ Ngày chiến thắng anh về cùng bản làng em hát/ Người con gái Pa Kô”.

Bài hát của nhạc sĩ Huy Thục sáng tác để nói về tình yêu đất nước, khát vọng hoà bình của đồng bào Pa Kô trong cuộc kháng chiến chính nghĩa vĩ đại của dân tộc nay lại được cất lên bằng khát vọng của tinh thần đoàn kết, đồng hành, cộng tác và yêu thương để gìn giữ và tôn vinh những giá trị hòa bình – giá trị cao quý để Quảng Trị trở thành điểm đến của hòa bình.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gìn giữ và tôn vinh giá trị của hòa bình