Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên ở Gaza là khoảng 70%, một con số khiến bất kỳ ước mơ xây dựng tương lai nào cũng nằm ngoài tầm với. Tình trạng việc làm khan hiếm ngay cả với các sinh viên đại học đã thúc đẩy họ tìm tương lai ở những vùng đất mới.
Chấp nhận nguy hiểm
Sabreen Abu Jazar chỉ còn vài giờ nữa là hoàn thành hành trình đầy nguy hiểm từ Gaza đến gặp chồng ở châu Âu nhưng chiếc thuyền di cư của cô đã bị lật và chìm khi chỉ cách bờ biển Hy Lạp 100 mét. Sau khi rời Gaza vào tháng 2, Sabreen qua Ai Cập để bay tới Thổ Nhĩ Kỳ - nơi cô có kế hoạch gặp chồng mình, người đã di cư tới Bỉ nhiều năm trước. Họ đã lên kế hoạch cùng nhau tới Hy Lạp để hưởng tuần trăng mật nhưng Sabreen đã không bao giờ đến nơi. 3 cô dâu khác cũng đã ở trên thuyền.
Ngày càng có nhiều người Palestine chấp nhận vượt biên đầy nguy hiểm để tới châu Âu, nhằm thoát khỏi các cuộc chiến kéo dài ở quê nhà. Thêm vào đó, sự phong tỏa của Israel và Ai Cập đã khiến Gaza bị cô lập kể từ khi phong trào Hồi giáo Hamas lên nắm quyền vào năm 2007.
Số liệu của Liên hợp quốc (LHQ) cho thấy, hơn 2.700 người Palestine đã đến Hy Lạp bằng đường biển vào năm 2022. Dữ liệu của Liên minh châu Âu (EU) từ năm ngoái cũng cho thấy, số đơn xin tị nạn của người Palestine ở Hy Lạp - điểm nhập cảnh chính vào châu Âu - tăng mạnh.
Tuy nhiên, không phải tất cả họ đều đến được đích. Theo Tổ chức Giám sát nhân quyền Euro-Med, đã có 378 người chết hoặc mất tích khi cố gắng di cư khỏi Gaza kể từ năm 2014. Từ đầu năm đến nay, 3 người đã thiệt mạng trong hành trình di cư của mình.
"Sabreen đã sống 24 năm ở đất nước luôn bị phong tỏa và tình hình kinh tế khó khăn, giống như bất kỳ thanh niên nào, có bé rời Gaza với hy vọng được tự do và có một tương lai tốt hơn" - chú của Sabreen nói.
Tình trạng việc làm ở Gaza rất khan hiếm, ngay cả đối với các sinh viên đã tốt nghiệp đại học cũng rất khó khăn.
Nguyên nhân của cuộc khủng hoảng việc làm đang diễn ra tai Gaza được cho là do cuộc phong tỏa kéo dài 16 năm của chính quyền Israel tại vùng đất này - nơi sinh sống của 2,3 triệu người. Ông Ahmed Al-Deek - một quan chức của Bộ Ngoại giao Palestine - kêu gọi người Palestine từ Gaza và các trại tị nạn ở các nước Ả Rập tránh xa các chuyến di cư bất hợp pháp, đồng thời khẳng định, sự kìm kẹp do bị phong tỏa hàng chục năm nay chính là lý do khiến thanh niên Gaza rời đi để có một tương lai tốt đẹp hơn ở nước ngoài.
Ông Deek cũng đổ lỗi cho sự chia rẽ nội bộ liên tục giữa chính quyền Fatah và Hamas, đồng thời kêu gọi "tất cả các quan chức ở Dải Gaza gánh vác trách nhiệm và giải quyết vấn đề của giới trẻ cũng như mang lại cho họ cuộc sống đàng hoàng".
Về phía người dân Gaza, họ cho rằng mình được quản lý bởi 3 chính phủ: Chính quyền Palestine của Tổng thống Mahmoud Abbas, nhóm Hồi giáo Hamas (điều hành Gaza), và Israel - thực thể thứ 3 kiểm soát biên giới trên thực tế.
Tìm giải pháp
Theo ước tính của Palestine và LHQ, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên ở Gaza là khoảng 70%, một con số khiến bất kỳ ước mơ xây dựng tương lai nào nằm ngoài tầm với. Về phần mình, chính quyền Hamas đổ lỗi tình hình kinh tế tồi tệ lên vai Israel, quốc gia liên tục xung đột.
"Vấn đề của chúng tôi là sự chiếm đóng chứ không phải là vấn đề nội bộ” - ông Ehab Al-Ghsain - Thứ trưởng Bộ Lao động Gaza do Hamas bổ nhiệm - nói với Reuters.
Anh Mohammad Kuhail, 26 tuổi, tốt nghiệp ngành vật lý trị liệu, đã cố gắng tìm việc làm trong 6 năm tại các tổ chức do Hamas, LHQ điều hành hoặc những tổ chức có liên hệ với phong trào Fatah của Abbas. "Nếu tôi đến từ Hamas, họ đã thuê tôi. Fatah cũng vậy, Fatah quan tâm đến những người Fatah" - Mohammad Kuhail, chàng trai đang giết thời gian trong những quán cà phê rẻ tiền cùng những người bạn thất nghiệp khác, nói. 6 anh chị em của Mohammad cũng đã tốt nghiệp đại học, 2 trong số họ là kỹ sư, nhưng không ai có việc làm. Cả gia đình phụ thuộc vào cha của anh - bảo vệ ở một trường học.
Trong nỗ lực tăng cường an ninh dọc biên giới Gaza, cho đến nay, chính quyền Israel đã cung cấp khoảng 20.000 giấy phép cho phép người Gaza làm việc tại Israel, chủ yếu là những công việc chân tay nhưng với mức lương cao hơn nhiều so với những công việc ở Gaza.
Anh Ibrahim Slaieh – một ông bố của 6 đứa con - có thể chỉ ra 3 khoảnh khắc có ý nghĩa nhất trong cuộc đời anh ở Dải Gaza: lễ tốt nghiệp đại học, đám cưới của anh và ngày anh nhận được giấy phép làm việc trong 6 tháng ở Israel vào năm ngoái.
Trong khi đó, tại Gaza, đại diện chính quyền Hamas thừa nhận, một giải pháp lâu dài cho tình trạng thất nghiệp của thanh niên đã vượt quá khả năng của họ. Vị này cho biết vào năm 2022, văn phòng của Al-Ghsain chỉ tạo ra việc làm tạm thời cho 9.000 thanh niên, một phần nhỏ trong số 236.000 người đang tìm việc. Ngay cả 40.000 công chức mà họ thuê ở Gaza kể từ năm 2007 cũng không được nhận lương đầy đủ.
Ở trung tâm thành phố Gaza, anh Saeed Lulu - một người từng tốt nghiệp đại học ngành truyền thông, đứng bán đồ uống tại một quầy hàng mà anh gọi là "Gian hàng dành cho sinh viên tốt nghiệp". Anh là trụ cột duy nhất trong gia đình có 6 người. “Tôi tốt nghiệp cách đây 16 năm và cho đến nay, tôi vẫn chưa tìm được việc làm” – anh Lulu nói.
Ở điểm này, hoàn cảnh của anh Lulu hoàn toàn giống với những sinh viên đã tốt nghiệp khác. Ông Maher Al-Tabbaa - một nhà phân tích kinh tế ở Gaza - cho biết, chưa đến 10% trong số khoảng 14.000 sinh viên tốt nghiệp hàng năm kiếm được việc làm.
Cho đến nay, Bộ Quốc phòng Israel đã cấp tổng cộng 20.000 giấy phép cho người Arab từ Gaza vào Israel lao động, mức cao nhất từ trước tới nay. Giới chức Israel cho rằng việc cho phép nhiều người Palestine từ Gaza vào làm việc trong lãnh thổ Israel sẽ giúp tạo nguồn thu nhập cần thiết cho các gia đình tại vùng lãnh thổ bị cô lập này.