Hakio - Let’s Art là không gian nghệ thuật nằm ngay trung tâm TPHCM, cạnh Hồ Con Rùa, thu hút rất đông không chỉ nghệ sĩ, người yêu nghệ thuật mà còn cả du khách. Không gian nghệ thuật bắt đầu từ sự thân quen với nghệ sĩ. Khởi đầu là họa sĩ Phương Quốc Tri, đến họa sĩ Trần Nhật Thăng... và triển lãm “Miên Thu” của họa sĩ Hoàng Phượng Vỹ cũng vừa diễn ra. Điểm chung của các triển lãm là ngay trong buổi khai mạc, số lượng tranh lớn đã được bán ra.
Theo sự chia sẻ của chị Trang Hạnh (Chủ Hakio - Let's Art), sau gần 2 năm giãn cách vì dịch bệnh, các hoạ sĩ đều tập trung sáng tác nhiều, do đó lượng tác phẩm phong phú, nhu cầu chia sẻ tới công chúng về tư tưởng, tinh thần, những sáng tạo mới trở nên cần thiết, với mong muốn cuộc sống thêm màu sắc tinh thần tươi vui sau thời gian dài chìm trong sự ảm đạm.
Điều thú vị qua các triển lãm từ đầu năm đến nay, có thể thấy, những người mua tranh có tuổi đời ngày càng trẻ, chủ yếu thuộc thế hệ 8X. Họ là những người đã có thành công, sự nghiệp nhất định và tạm ổn về kinh tế, có vốn sống và sự am hiểu nên quan tâm thực sự đến nghệ thuật. Tranh với các bạn là món ăn tinh thần thuần khiết. Với các bạn nhỏ tuổi hơn, thuộc thế hệ 9X và 2000 thì việc đi xem tranh là sự tất nhiên và thường xuyên. Lần nào tới các bạn cũng hứng thú vô cùng và mong chờ triển lãm tiếp theo.
“Sau cả quãng thời gian nặng nề, họa sĩ hay công chúng yêu thích nghệ thuật đến với nhau dường như dễ dàng hơn, giá tranh thì mềm mại và người mua thì không quá xét nét”, chị Trang Hạnh tâm sự. “Họa sĩ và công chúng được gặp nhau, tìm hiểu và chia sẻ trực tiếp nên dễ đồng cảm hơn. Điều này là một khác biệt tinh tế so với trước đây”.
Từ góc nhìn cá nhân, chị Trang Hạnh cho rằng, sau dịch Covid-19 vừa qua, những bức tranh nào mang lại hạnh phúc, tình yêu, vui vẻ, ấm áp, tươi sáng tạo nên sự thư giãn, thanh thản khi ngắm nhìn thì người xem sẽ dễ dàng thẩm thấu.
Như tranh của họa sĩ Hoàng Phượng Vỹ trưng bày vừa tươi vui vừa êm dịu nói về tình yêu thương của mẹ, về những kỷ niệm tuổi thơ. Những bức tranh của họa sĩ Trần Nhật Thăng như bản nhạc phóng khoáng đầy quyến rũ, mê hoặc... Và điều đó đã làm cho những người yêu tranh dễ dàng muốn sở hữu tác phẩm nghệ thuật mà mình yêu thích. Qua những triển lãm đã tổ chức, được ngắm nhìn tranh của hoạ sĩ cũng như tiếp xúc với công chúng yêu nghệ thuật, chị Trang Hạnh nhận thấy những tác phẩm mang lại cảm giác nhẹ nhàng, yêu thương, bình yên và ấm áp khi ngắm tranh thì dễ dàng được đón nhận.
“Nhu cầu sở hữu tác phẩm nghệ thuật là rất nhiều”, chị Trang Hạnh khẳng định. “Từ các triển lãm vừa qua, có thể thấy thị trường mỹ thuật đang chuyển động rất rộn ràng. Các họa sĩ triển lãm trong không gian đều là người thân quen, nghĩa tình của tôi.
Tôi đã có thời gian tiếp xúc với tranh để hiểu tranh hơn, cũng như biết họa sĩ từ trước, nhờ thế sự kết nối của tôi như một chiếc cầu với họa sĩ và công chúng cũng tốt hơn. Thực tế việc giao lưu giữa họa sĩ và công chúng yêu nghệ thuật có kết quả tốt một phần do sự tương quan “hữu xạ tự nhiên hương”. Họa sĩ vắt kiệt tâm sức qua các triển lãm với mong muốn mang đến những đứa con tinh thần đẹp nhất, công chúng sẽ rất hào hứng tiếp nhận, từ đó dẫn tới sự thành công là điều tất yếu.
Trong thời gian qua, khi nhìn thấy sự thành công của các triển lãm, nhiều họa sĩ, nhất là họa sĩ trẻ đều thấy hào hứng, vì thế họ tập trung sáng tác và có động lực sáng tác để cho ra những tác phẩm hay. “Cứ tác phẩm hay thì công chúng sẽ mua nhiều”, chị Trang Hạnh nói. “Có tín hiệu tích cực thì triển lãm sẽ mang lại niềm vui và kết quả tốt đẹp cho họa sĩ cũng như công chúng”.