Kinh tế

Giống lúa nếp ngon nức tiếng của đồng bào Pa Kô ở vùng cao Quảng Trị

Nghĩa Văn 16/02/2024 13:08

Lúa nếp than được đánh giá dẻo thơm, giàu chất dinh dưỡng và được người dân đồng bào dân tộc Pa Kô sử dụng để thiết đãi khách quý hay các dịp lễ cúng trọng đại trong gia đình, bản làng.

Chị Hồ Thị Niêm (trú tại bản A Đeng, xã A Ngo, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) cho hay, giống lúa nếp than có từ lâu đời, được người dân đồng bào dân tộc Pa Kô gìn giữ nguồn giống từ năm này qua năm khác và thường được trồng tại những đám rẫy cao ngút lưng đồi.

Chia sẻ về phương thức người dân thường sử dụng để sản xuất lúa nếp than, chị Niêm cho hay, muốn trồng được giống lúa nếp này, ngay từ đầu năm (khoảng tháng 1 đến tháng 3 dương lịch) người dân phải lên đồi cao chặt cây, phát cỏ, xử lý thực bì để hình thành nên đám rẫy. Hoàn thành việc chuẩn bị rẫy, người dân sẽ dùng một đoạn thân cây chọc xuống đất tạo lỗ và tra hạt giống xuống rồi đợi đến tháng 10, tháng 11 thì thu hoạch nếp than.

anh-1.jpg
Lúa nếp than đang được cải tiến, thay đổi phương thức sản xuất. Ảnh: H.A.

Ông Hồ Văn Lập, Phó Chủ tịch UBND xã A Ngo (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) xác nhận, lúa nếp than là một trong những loại cây trồng đặc trưng và đã có từ lâu đời của người dân đồng bào dân tộc Pa Kô.

Phó Chủ tịch UBND xã A Ngo cho hay, lúa nếp than dẻo thơm, giàu chất dinh dưỡng và được người dân đồng bào dân tộc Pa Kô sử dụng để thiết đãi khách quý hay các dịp lễ cúng trọng đại trong gia đình, bản làng.

“Các dịp lễ hội như: Puh Boh (lễ giữ rẫy), Aya (hội mùa), Ariêu Ping (lễ bốc mả), Kăl năng Mương (Hoàn ân thổ thần)… sẽ không thể thiếu các món ăn được làm từ nếp than”, ông Hồ Văn Lập cho hay.

Trò chuyện với Phó Chủ tịch UBND xã A Ngo, chúng tôi được biết, trước đây người dân đồng bào dân tộc Pa Kô thường sản xuất lúa nếp than tại những nương ruộng khô và gần như để cho cây phát triển một cách tự nhiên, không sử dụng phân bón, thuốc trừ bệnh nên năng suất của lúa nếp than khá thấp.

Theo đó hiện nay, để nâng cao năng suất cho giống cây này, vụ hè thu năm 2021 huyện Đakrông đã hỗ trợ người dân xây dựng mô hình trồng giống lúa nếp than thí điểm trên diện tích 0,25 ha cạnh công trình thủy lợi Kỳ Xay (bản A Đeng). Với việc sử dụng các biện pháp canh tác, sản xuất tiến bộ năng suất lúa nếp than sản xuất tại mô hình thí điểm đã nâng lên đáng kể.

anh-2.jpg
Sau khi thay đổi phương thức sản xuất, năng suất lúa nếp than đã được cải thiện đáng kể. Ảnh: H.A.

“Giống lúa nếp than chủ yếu là được người dân tự lưu giữ từ vụ này qua vụ khác nên hiện tại cũng không có nhiều. Thời gian sinh trưởng của lúa nếp than dài hơn so với các giống lúa khác. Thường thì người dân tại địa phương sẽ bắt đầu gieo cấy từ tháng 3 và đến tháng 10 dương lịch mới có thể thu hoạch. Trước đây, do thời gian sản xuất lúa nếp than kéo dài và năng suất không cao nên người dân tại địa phương chuyển qua trồng các loại cây khác. Đến nay, địa phương đang nỗ lực để khôi phục, phát triển việc sản xuất lúa nếp than và hướng đến đưa lúa nếp than trở thành sản phẩm OCOP của địa phương”, ông Hồ Văn Lập chia sẻ.

Thông tin từ phía UBND huyện Đakrông cho hay, hiện lúa nếp than đang là 1 trong số 13 sản phẩm nông nghiệp được huyện đăng ký danh mục ý tưởng sản phẩm tham gia chương trình OCOP của địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giống lúa nếp ngon nức tiếng của đồng bào Pa Kô ở vùng cao Quảng Trị

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO