Trong tham luận tại Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, GS.TSKH Nguyễn Mậu Bành, Chủ tịch Hội Cựu Giáo chức Việt Nam đề cập đến vai trò của các tổ chức chính trị, chính trị xã hội và xã hội nghề nghiệp về việc hỗ trợ ngành giáo dục trong công tác tuyên truyền về đổi mới giáo dục đào tạo, xã hội hóa giáo dục.
Điểm qua sự phát triển giáo dục đào tạo sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương số 29/2013/NQ-TW về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, GS.TSKH Nguyễn Mậu Bành nêu những kết quả quan trọng mà Giáo dục và Đào tạo cả nước đã đạt được trong 10 năm qua.
Bên cạnh những kết quả đạt được, GS.TSKH Nguyễn Mậu Bành cũng nêu: Kết luận của Bộ chính trị cũng vạch ra một số hạn chế bất cập trong việc thể chế hóa chính sách, pháp luật phục vụ đổi mới, giáo dục và đào tạo chậm được ban hành. Việc thực hiện tự chủ trong các cơ sở giáo dục, đào tạo, triển khai chương trình sách giáo khoa Giáo dục phổ thông mới còn gặp nhiều khó khăn, liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo, phân luồng học sinh sau trung học cơ sở còn bất cập...
Những tồn tại trên, ngoài vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước, tại Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029, với sự có mặt của nhiều đại biểu, GS.TSKH Nguyễn Mậu Bành muốn đề cập đến vai trò của các tổ chức chính trị, chính trị xã hội và xã hội nghề nghiệp trong hỗ trợ ngành giáo dục trong công tác tuyên truyền về đổi mới giáo dục đào tạo, xã hội hóa giáo dục hay sự tham gia của xã hội vào công tác giáo dục trong nhà trường, trong xã hội và tại gia đình.
Theo GS.TSKH Nguyễn Mậu Bành, giáo và dục phải tích hợp với nhau: "Giáo bất dục tắc vong/dục bất giáo tắc đãi", có nghĩa là dạy mà không nuôi thì uổng phí, nuôi mà không dạy chu đáo thì nguy hiểm.
Ngày nay, phạm trù giáo được mở rộng, định vị trong 4 nhân tố: Kiến thức, thái độ, kỹ năng, hành vi. Phạm trù dục được định vị 3 mặt: Tâm lực, trí lực, thể lực.
Trong đó, người thầy là nhân tố quyết định sự thành công của giáo dục. 3 sứ mệnh của người thầy là: Sự truyền đạo, sự giải hoặc, sự thụ nghiệp.
Ngày nay còn phải giáo dục cho trò biết sợ: sợ trời đất - làm việc sai trời biết đất biết; sợ luật pháp - sự nghiêm minh trừng trị của luật pháp khi làm sai; sợ thầy giáo, sợ bố mẹ; sợ sự lên án của xã hội.
Nguyên nhân hiện trạng xuống cấp về văn hóa, đạo đức được nhiều người nêu lên, nhưng chưa được lý giải tận gốc. Có ý kiến cho rằng, nguyên nhân của hiện trạng xuống cấp về văn hóa, đạo đức là do sự đảo lộn về hệ giá trị.
Nhưng điều gì làm cho hệ giá trị bị đảo lộn? Theo GS.TSKH Nguyễn Mậu Bành, đó là tâm lý "không biết sợ". Giáo dục là một hoạt động có tính chuyên môn cao, song cũng có tính xã hội rộng lớn, bao gồm giáo dục nhà trường, giáo dục gia đình và giáo dục xã hội.
Điều đó đòi hỏi công tác truyền thông từ sớm, từ xa, kịp thời, đầy đủ của ngành giáo dục. Tuy nhiên, điều này chưa thực hiện được đầy đủ. Vì vậy, trong kết luận của Bộ Chính trị "Về tiếp tục thực hiện nghị quyết số 29 -NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã chỉ rõ nhiệm vụ hàng đầu là các cấp Ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, người đứng đầu địa phương, đơn vị tiếp tục nâng cao nhận thức tăng cường trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt và thực hiện đầy đủ, sâu sắc, quan điểm coi giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và toàn dân, bảo đảm vai trò chủ đạo của Nhà nước, đồng thời thu hút sự tham gia tích cực của xã hội.
Kết luận của Bộ Chính trị cũng đặt ra nhiệm vụ MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động, giám sát việc thực hiện kết luận.
Tại Đại hội, GS.TSKH Nguyễn Mậu Bành mong muốn, Mặt trận và các thành viên Mặt trận quan tâm hơn nữa đến giáo dục ở tầm vĩ mô và cả ở tầm vi mô, ở địa phương và cơ sở giáo dục để như Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã dạy: "Trường ra trường, thầy ra thầy, trò ra trò, dạy ra dạy, học ra học", để có một nền giáo dục quy củ, hiện đại, đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao.
Trong đó, vai trò của xã hội là rất quan trọng trong tuyên truyền, quán triệt mục tiêu, yêu cầu, nội dung, phương pháp giáo dục. Tiếp cận giáo dục trên quan điểm vừa là chủ thể vừa là khách thể để có trách nhiệm nhiều hơn đối với giáo dục.